Có nhiều định nghĩa khác nhau về nghiện. Theo OMS đưa ra vào 1981 thì "tình trạng nghiện là một hội chứng trong đó việc sử dụng một sản phẩm trở thành một nhu cầu mạnh hơn cả nhu cầu của những hành vi khác dù những hành vi sau này có một tầm quan trọng lớn hơn. Ở Mỹ trong bệnh lý học người ta lại có một định nghĩa có tính chất thực tế hơn “Nghiện là khi sử dụng một chất gì quá mức được chấp nhận mà y học, xã hội hay pháp luật đã quy định tại một xã hội nào đó”. Tình trạng nghiện xuất hiện dần dần với việc sử dụng chất ma túy nhắc đi nhắc lại liên tiếp. Khi thành nghiện thì có một tình trạng lệ thuộc, không có không chịu được, thèm muốn đến phải nài xin, thậm chí có hành động bất hợp pháp, không còn đạo lý để thỏa mãn nhu cầu.
Các chất gây nghiện chính:
Phần lớn khi nghiện bất kể là chất gì đều có liên quan đến các chức năng cao cấp của não và chúng thường có tác dụng làm thay đổi hành vi và cảm giác. Các hóa chất gây nghiện chính bao gồm: các chất giảm đau như thuốc phiện và các dẫn xuất (heroin, morphin...), các chất gây trầm cảm (thuốc ngủ, thuốc an thần, rượu...), các chất kích thích (cocain, amphetamin...), các chất gây ảo giác (majurana, LSD...), các chất bốc hơi hít được (amyl nitrit, hóa chất hòa tan dùng trong các loại keo dính...).
Việc sử dụng các chất ma túy tổng hợp và theo đường tiêm ngày càng trở nên phổ biến. Cái đó đã làm thay đổi hẳn bản chất của sự nghiện, reo một tai họa ngày càng lớn cho loài người vì nó kéo theo nhiều tệ nạn xã hội.
Những chất kích thích gây nghiện:
Chúng gồm có: cocaine và dẫn xuất, amphetamine và dẫn xuất, các chất gây ảo giác và các chất hoà tan hữu cơ.
Cocaine:
Đó là alkaloid lấy từ lá coca mọc ở Nam Mỹ. Tại đó thổ dân thường nhai lá sống để tạo cho mình một kích thích nhất là vào các dịp lễ hội cần nhẩy múa lâu dài. Sau lan sang phương Tây và người ta tinh chế ra cocaine bột trước tiên được dùng như chất gây tê sau trở thành ma túy để hít hay tiêm tĩnh mạch. Cocaine có dạng thể rắn nên phải bẻ vụn ra hút.
Cocaine khi sử dụng cho một cảm giác sảng khoái cực độ và mọi giác quan đều trở nên tăng nhậy cảm với các kích thích bên ngoài dù nhỏ. Khi nghiện nặng thì hay xảy ra trạng thái hoang tưởng và dễ dàng xúc động. Cơ chế tác dụng của cocaine có liên quan đến chất dẫn truyền thần kinh dopamine.
Amphetamine:
Ban đầu đây là một loại thuốc gây thông khiếu khi bị tắc mũi nhưng nó còn có tác dụng phụ làm hết mệt mỏi và mất cảm giác đói. Chính vì vậy, nó hay đưọc dùng khi cần một sự kích thích và trở thành một loại ma túy gây nghiện. Nó có tác dụng kích thích hệ giao cảm dài hơn. Khi dùng quá liều thì amphetamin gây co giật, loạn nhip tim và thân nhiệt tăng. Ngoài ra còn gây viêm mạch trong não và chảy máu não. Hiện nay nhiều dẫn xuất của amphetamin đã được tổng hợp và đều có tác dụng gây nghiện tương tự.
Các chất gây ảo ảnh (hallucinogen):
Đó là một nhóm các chất tổng hợp hóa học không có liên quan với nhau nhưng có tác dụng giống nhau làm rối loạn giác quan và nhận thức.
Phecyclidine (PCP) ban đầu là một thuốc gây mê nhưng có tác dụng gây ảo ảnh và nghiện nên có tên gọi là “bụi thần tiên”. Nó có thể được dùng theo đường uống, hít hay hút.
Vì có tác dụng gây tê mê cho nên nó làm giảm cảm nhận đau đớn. Ngoài tác dụng về hành vi PCP còn gây tăng nhịp tim và tăng huyết áp, khi quá liều dẫn đến mê man xâu, co giật và tư thế cứng đờ như mất não.
Acid lysergic diethyamid (LSD) là một chất gây ảo ảnh, thuốc này làm sai lệch cảm giác, làm rối loạn suy nghĩ logic, làm thay đổi cảm giác về thời gian và mất cảm tưởng có nhân cách. Khi ngộ độc thuốc này có cảm giác lo sợ và tăng nhịp tim, tăng huyết áp và tăng thân nhiệt. Quá liều thì gây hôn mê, co giật và ngừng hô hấp.
Các chất dung môi hữu cơ:
Đã có một thời gian tại một số nước phát triển, người ta thấy học sinh nhỏ tuổi nghiện hít những ống keo dán. Đó là những hóa chất dung môi hữu cơ. Trong các dung môi này thường có benzen, carbon tetrachlorid, acetone và toluene. Ngộ độc các chất này cũng giống như say rượu. Nếu dùng lượng lớn sẽ gây buồn nôn, ảo giác và cả hôn mê. Nếu tình trạng nghiện kéo dài có thể gây tổn thương não, thận, gan, phổi và hệ thống tạo máu.
Một số cơ chế gây nghiện:
Vào những thập kỷ cuối của thế kỷ 20, có 3 phát minh lớn đã giúp hiểu rõ hơn cơ chế phức tạp của trạng thái nghiện cũng như cơ chế của những rối loạn khi cai nghiện. Đó là những thành tựu của khoa học sinh học thần kinh.
Trước tiên là những công trình của 3 nhà bác học đã được giải thưởng Nobel năm 2000. Arvid Carlson đã chứng minh chất dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng. Ông đã thấy dopamine có nhưng rexepto riêng trên những tế bào não gọi là tiết dopamine (dopaminergic). Loại tế bào này tập trung nhiều nhất ở một số nơi trong não bộ có liên quan đến hành vi như vùng hải mã, mái não, nhân acumbens, vùng trước trán (Hình).
.jpg)
Nhà bác học Paul Greengard phát hiện ra dopamine có liên quan đến những hoạt động của tế bào não thuộc lĩnh vực hành vi như hình thành trí nhớ (các thế năng kéo dài thường xuất hiện khi tế bào thần kinh bị kích thích mạnh và kéo dài). Nhưng quan trọng nhất là Eric Kandel, đã chứng minh khi tạo ra trí nhớ như vậy có những thay đổi truyền tin từ xynáp vào bên trong tế bào như thay đổi protein tại xynáp thần kinh nghĩa là nó có thể có nhiều rêxepto hơn và to hơn, tăng các chất dùng trong hệ thống tín hiệu thứ hai bên trong tế bào như AMPc, protein G....
Gần đây những tiến bộ về kỹ thuật hình ảnh trong y học đặc biệt là máy PET (Positron Emission Transmision) giúp cho có thể theo rõi sự chuyển hóa các chất trong não mà không cần can thiệp. Nhờ đó không những người ta phát hiện lại hiên tượng những tế bào thần kinh mới sinh mà còn cả thay đổi các chất bên trong tế bào do chuyển hóa. Chính nhờ máy này mà người ta thấy tăng chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong nghiện ma tuý là chất dopamin.
Cơ chế bệnh sinh của nghiện
Sinh lý học đã xác định những vùng ở não bộ có liên quan đến cảm xúc và hành vi, đó là hệ thống rìa (limbic system) nằm sát cuống hai bán cầu đại não với những cấu trúc chất xám nằm xâu bên trong như amydala, hyppocampus... (Hình). Khi kích thích hay loại bỏ vùng này có liên quan đến hành vi ăn uống, tình dục, sợ hãi, cáu giận..., những nhịp độ sinh học như huyết áp, hô hấp...
Khi người đã mắc nghiện có hiện tượng bị lệ thuộc vào chất ma túy gây nghiện nghĩa là nhu cầu dùng chất ma túy càng ngày càng tăng mà nếu không có sẽ có những rối loạn ở thần kinh trung ương gọi là bị thuốc hành có thể dẫn đến những hành vì bạo lực. Có thể phân biệt ra hai thể lệ thuộc do nghiện: lệ thuộc về thể xác và lệ thuộc về tinh thần.
Chất ma túy rất dễ tạo ra một phản xạ có điều kiện giữa khoái lạc do tiêm trích ma túy hơn bất kỳ một tác nhân hành động nào khác xảy ra trong môi trường xung quanh trong khi ma túy đang tác dụng.
Trong những ngày đầu của cai nghiện khi có cơn vật vã thì dùng một số thuốc an thần (mà không gây nghiện như methadon nay hay được dùng) là con nghiện có thể "bình thường" trở lại. Nhưng cái khó là loại bỏ được sự lệ thuộc về tinh thần. ở người nghiện, chất ma tuý đã làm tăng tiết đopamin kéo dài cho nên sự hình thành những cung phản xạ có điều kiện rất mạnh, nhiều phức tạp và vững chắc giữa cảm giác khoái lạc với ma tuý hay với những tín hiệu đi theo như mùi, vị, hình ảnh chất bột hay ngay khi chỉ cần trông thấy cái ống tiêm dùng dể trích ma tuý. Chúng gây ra một sự tăng tiết dopamin trong não kéo dài với sự hình thành các cung phản xạ có điều kiện khá chắc chắn rất khó gột bỏ và đó là tác nhân khởi phát cho một đòi hỏi mãnh liệt được thoả mãn nhu cầu.
Muốn cai cho bằng được sự lệ thuộc về tinh thần cần phải tạo ra môi trường mới không còn có sự nhắc lại những tác nhân có liên quan đến ma túy.
Như vậy, cơ sở vật chất của tình trạng nghiện là ở não có sự tiết dopamin và sự hình thành những cung phản xạ có điều kiện vững bền. Sự hình thành những thay đổi lại phụ thuộc vào hai yếu tố rất cơ bản là thể chất và môi trường.
Trong môi trường đặc biệt là môi trường xã hội, con người thường xuyên chịu tác động của những yếu tố vật chất cũng như tinh thần dương tính (làm vui, sướng) hay âm tính (gây buồn đau). Sinh lý học đã cho biết mọi căng thẳng đều làm não tăng tiết catecholamin, nhưng những stress âm tính thường có tác dụng kéo dài hơn. Do đó người ta đã cho rằng tình trạng nghiện thường là do buồn, làm tăng dopamin trong não và những người trong tình trạng như vậy sẽ dễ tìm đến ma tuý để làm tăng tác dụng của dopamin hơn nữa nhằm quên đi sự lo lắng và tạo ra được một cảm giác "thoả mãn" cần thiết.
Trong công tác phòng, chống ma túy vai trò của xã hội đứng hàng đầu. Trong công việc phòng, chống ma túy, sự hiểu biết về cơ chế sinh lý bệnh của tình trạng nghiện ngập là cần thiết. Muốn công việc cai nghiện có hiệu quả cần phải tìm ra một giải pháp làm thay đổi môi trường sống của từng con nghiện.
ThS-Bs Mai Xuân Phương