Cổng Tò vò trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Internet
Từ tháng 4/2007 về trước, khi tỉnh Quảng Ngãi chưa đưa vào vận hành tàu cao tốc, người dân và du khách phải đi lại bằng tàu gỗ. Nếu trời yên biển lặng cũng phải mất 4 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, tàu gỗ không thể neo gần bờ mà phải “dừng” cách bờ khoảng 1km, và người dân được “tăng bo” bằng thuyền thúng từ tàu gỗ lên bờ. Thế nên, nguy hiểm luôn rình rập với người dân khi chẳng may gặp gió lớn hay sóng dữ.
Thế nhưng giờ đây, câu chuyện về chiếc thuyền gỗ đã lùi vào quá khứ, thay vào đó là những con tàu cao tốc sạch sẽ, hiện đại, như chàng trai dũng mãnh rẽ sóng đưa du khách ra vào đảo. Tất nhiên, những ngày biển động, thời tiết xấu, lực lượng chức năng sẽ cấm tàu. Thế nên, chúng ta chỉ có thể ra đảo vào những ngày trời yên biển lặng. Du khách có thể leo lên boong tàu thỏa sức ngắm nhìn trời - biển. Ngược tàu cao tốc, từng đoàn thuyền đầy ắp cá đang về cảng Sa Kỳ mang theo những người đàn ông với làn da rắn rỏi, ánh mắt vui tươi, mong gặp lại vợ con sau cả tháng ròng bám biển. Từng đàn chim biển tung cánh lượn ngang trời… Tất cả thật thanh bình.
Và rồi, trước mũi tàu, đảo Lý Sơn hiện ra như một viên ngọc bích điểm xuyết cho màn nước biển xanh đến nao lòng. Những hàng dừa thân cao vút, hiên ngang giữa bão gió nhưng dịu dàng chở che cho con người suốt bao đời nay. Cầu cảng tấp nập tàu thuyền vào ra. Những nhà cửa tường vôi san sát. Những nấm mộ nằm trắng chân núi hay “chen chân” ven đường làng hoặc rải rác giữa những cánh đồng tỏi… Được biết, trong vô số những nấm mồ đó, có những chiếc không có hài cốt – mà người dân gọi là mộ gió. Mộ gió là mộ của những chiến binh Hoàng Sa năm xưa, hay của những ngư dân Lý Sơn đã nằm lại giữa lòng biển cả. Đằng sau những ngôi mộ ở Lý Sơn là những câu chuyện kỳ bí về mảnh đất này của hàng trăm năm trước, khi những người đầu tiên ra đây khai thiên lập địa…; hay những điều li kỳ trong buổi lễ “sư phan” gọi hồn những người đàn ông của đảo tử nạn khi mưu sinh trên biển.
Tàu cập đảo. Hàng trăm người tay bắt mặt mừng như thể bao ngày gặp lại. Có lẽ mừng nhất là người nhà của những phụ nữ vừa “vượt cạn” từ đất liền trở về. Cả nhà tíu tít, rộn ràng bên em bé còn đỏ hỏn; người dân đảo cũng hớn hở, vui mừng vì đảo có thêm một thành viên mới. Một cô giáo trẻ với ánh mắt hân hoan, vui sướng vì hôm nay, người yêu của cô từ đất liền ra thăm và hẹn ngày tổ chức đám cưới… Cứ thế, mỗi ngày, từng chuyến tàu cao tốc ra đảo mang theo bao tâm sự, niềm vui, sự chờ đợi, những khao khát đôi bờ.
Lý Sơn là “vương quốc tỏi” và chỉ có cây tỏi là vật “trao đổi” với đất liền, nên hàng hóa ra đảo cũng không thiếu thứ gì. Từ lợn, gà, thịt bò, rau quả, chuối xanh, trái ớt… tới phụ tùng xe máy, ti vi, xe đạp, nồi cơm điện… Còn bạn, khi nghe giọng nói, người dân đảo biết ngay là khách phương xa. Thế nên, đã là khách, sẽ được chủ tiếp đón nồng hậu, cho đi “xe ôm ké” miễn phí, hay sẽ nhận được sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình nếu bạn cần gặp ai hay tìm hiểu một vấn đề gì đó. Thế nên, dù bạn có đến đảo một mình, cũng cảm thấy như đang ở “làng mình” và chẳng sợ lạc đường hay không có chỗ tá túc.
Tôi thuê một chiếc xe máy để “phượt” trên đảo. Trước khi đi, chủ nhà dặn: “Chú nhớ đi đúng luật, cài quai mũ kẻo bị công an phạt đấy!”. Tôi cảm ơn và nghĩ “mình ở thành phố, cái này đương nhiên rồi”. Thế nhưng hóa ra ở đảo, đây là câu cửa miệng người ra nhắc nhau mỗi khi tham gia giao thông. Thế nên ở đây không có chuyện phóng nhanh, vượt ẩu, gây tai nạn, bị phạt do mắc lỗi. Có thể lý giải là ở đảo, đi đâu mà vội, với lại phương tiện giao thông không dày đặc như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… song cái chính là ý thức của người dân.
Điều thú vị nữa khi tham gia giao thông ở đảo, đó là để khỏi quên chìa khóa xe, tốt nhất không nên… rút chìa khóa khi ta đi đâu đó. Còn con “chiến mã” thì cứ để gọn ở lề đường là được. Những người già ở đảo nói rằng, từ xưa ở đây chưa từng xảy ra vụ mất trộm vặt nào, huống hồ cái xe máy. Còn nếu như bạn quên, thì người dân sẽ cất hộ cẩn thận cho bạn. Rõ ràng, bệnh lo xa của người thành phố là thừa với người Lý Sơn.
Những hiện vật thu được trong những đợt khảo cổ ở Lý Sơn cho thấy, từng có một thời, Lý Sơn là nơi giao thương giữa các nền văn hóa, có cả Đông Sơn xen với Sa Huỳnh, có Champa lẫn với một số nền văn minh ở Đông Nam Á. Điều này đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà khảo cổ trong và ngoài nước, cũng như tạo nên sự hấp dẫn trong con mắt khách phương xa… Đảo có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của ngư dân miền biển như Lễ hội đua thuyền tứ linh đầu xuân, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào tháng 2 và tháng 3 (Âm lịch) hàng năm… Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ nhiều tư liệu quan trọng minh chứng quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam.
Tới Lý Sơn, bạn có thể mải mê khám phá chùa Hang, chùa Đục, hang Câu, miếu bà Chúa Ngọc, đình làng An Hải, dinh Bà Roi, giếng Vua, miệng Núi lửa, Âm Linh Tự và cả những ngôi mộ cổ, mộ gió. Đặc biệt, khi bạn lên đỉnh miệng núi lửa, vốn được hình thành từ hàng triệu năm về trước, cả huyện đảo cùng trời biển sẽ hiện ra dưới chân bạn như một thảo nguyên xanh - đẹp đến mê hồn. Những cánh đồng tỏi xanh rờn vuông vức hiện lên trên nền trắng của cát, con đường độc đạo của đảo như một lằn chỉ uốn lượn bên tấm lụa xanh biếc ngút tầm mắt của nước biển. Miệng núi lửa nay đã được cải tạo, trở thành hồ chứa nước Thới Lới với diện tích trên 10ha, dùng để tưới cho hơn 60ha tỏi và hàng nghìn người dân có nước sinh hoạt. Đây thực sự là điểm tham quan không thể bỏ qua khi tới hòn đảo này.
Du khách cũng được thưởng thức món hải sản độc đáo và “ngon, bổ, rẻ” như món rong bìm bìm - một loại rong biển dường như chỉ có ở vùng biển này. Mực ở đây to, trắng và thơm ngon. Nhiều loài ốc, cá biển ở những vùng biển khác phải ganh tị. Món canh cá tà ma chua cay khiến thực khách vừa ăn, vừa xuýt xoa bởi lần đầu tiên được thưởng thức vị ngọt đậm đà, săn chắc và màu sắc bắt mắt của cá, không “đụng hàng” với bất kỳ món đặc sản nào…. Thực khách cũng sẽ được “khuyến mãi” những nụ cười tươi rói, hồn hậu, thật thà chân chất của chủ quán; những câu chuyện đời, chuyện người, càng nghe càng hấp dẫn, kỳ bí đến vô tận về hòn đảo này. Và khi đã ngà ngà say, bạn có thể ngả lưng trên võng ở gian ngoài nhà hàng, hay nằm trên phản của chủ nhà, dưới làn gió biển hiu hiu mát rượi, đánh một giấc ngon lành như ở nhà mình mà không phải nề hà, e ngại.
Và tất nhiên, tỏi ở đây là đặc sản, trở thành thương hiệu nức tiếng của Lý Sơn. Tỏi có mặt ở khắp nơi trên đảo: trong giỏ ở quán ăn, treo lủng lẳng ở cửa nhà, chất thành đống trong sân, bày bán ở chợ. Những nhánh tỏi nhỏ bé, trắng phau, giòn thơm và có vị cay không thể lẫn với những loại tỏi khác. Tỏi ở Lý Sơn có thể ngâm rượu và dùng làm thuốc chữa nhiều loại bệnh về hô hấp, tiêu hóa, xương khớp… Điều kỳ lạ là giống tỏi này chỉ sống ở trên cát trắng ở hòn đảo đầy nắng gió, giống như triết lý về sự vượt khó vươn lên để gặt hái quả ngọt của bao thế hệ người dân nơi đây. Khi ra về, khách phương xa không quên mua vài ký tỏi để làm quà. Và khi người nhận cầm những nhánh tỏi trắng thơm trên tay, họ sẽ nghĩ ngay tới Lý Sơn.
Điều đặc biệt khiến chúng ta phải cảm phục, trân trọng, đó là người dân đảo không có chuyện gây lộn, chửi thề hay bạo lực ở giới trẻ. Họ sống đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Một cán bộ huyện nói rằng, những ngày biển động, đảo lớn, đảo bé bị cô lập hoàn toàn và người dân lúc đó không thể không giúp nhau về cái ăn, cái mặc.
Người dân ở đảo lâu nay đã chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn. Đó là điện, nước ngọt, lương thực, thực phẩm, khu vui chơi cho trẻ em, là dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân… Điện lưới quốc gia chưa vươn được ra đảo, do đó huyện chỉ sử dụng nhiệt điện, mỗi ngày phát từ 17h – 23h, chưa thực sự đảm bảo cho vấn đề sinh hoạt của người dân, cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Về lâu dài, phương án sử dụng cáp ngầm kéo từ đất liền ra đảo đã được đưa vào danh mục quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Ngày đó chắc sẽ không xa. Lúc đó, người dân nơi đảo tiền tiêu sẽ thoả những cơn khát bao đời nay. Và cù lao Ré sẽ hấp dẫn hơn trong lòng du khách.
Tân Khang
Nguồn: Tạp chí Du lịch