- Nội dung về tài nguyên du lịch được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Du lịch 2005, có chỉnh sửa, bổ sung một số quy định
Trên cơ sở rà soát Luật Du lịch 2005 và thực tiễn, Luật Du lịch 2017 đã có một số chỉnh sửa về nội dung này như sau:
Thứ nhất, điều chỉnh tên của loại tài nguyên du lịch nhân văn thành tài nguyên du lịch văn hóa, đồng thời chỉnh sửa, bổ sung nội hàm của tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn.
Thứ hai, bỏ quy định “tài nguyên du lịch có thể thuộc sở hữu nhà nước hoặc sở hữu của tổ chức, cá nhân” (khoản 2 Điều 13 Luật Du lịch 2005) do vấn đề này thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai và các Luật khác có liên quan.
Thứ ba, nguyên tắc bảo vệ, tôn tạo và phát triển tài nguyên du lịch được lồng ghép vào trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch nhằm bảo đảm những nguyên tắc này được thực hiện bởi tất cả các chủ thể có liên quan, tránh việc đặt ra những nguyên tắc mang tính khẩu hiệu, không gắn với chủ thể xác định.
Thứ tư, trên thực tế, có thể tồn tại tài nguyên du lịch được hình thành theo tập quán hoặc đóng góp của các thành viên trong cộng đồng (ví dụ nhà thờ của dòng họ). Do vậy, Luật Du lịch 2017 đã bổ sung thêm trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ, tôn tạo và phát triển tài nguyên du lịch.
Thứ năm, vấn đề điều tra tài nguyên du lịch đã được quy định từ Luật Du lịch 2005 (Điều 15), tuy nhiên, chỉ với 01 điều quy định chung chung về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức là chưa đủ căn cứ để tổ chức điều tra tài nguyên du lịch. Do vậy, trong suốt thời gian qua, quy định này chưa thể triển khai trên thực tiễn. Khắc phục bất cập này, Luật Du lịch 2017 đã giao Chính phủ quy định chi tiết về điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch nhằm đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý trong tổ chức, thực hiện. Hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch 2017, trong đó quy định cụ thể vấn đề này, bao gồm: nội dung cơ bản trong điều tra tài nguyên du lịch; tiêu chí chung để đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch; điều tra, đánh giá, phân loại bổ sung để cập nhật thông tin về tài nguyên du lịch; đồng thời phân định rõ trách nhiệm chủ trì của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phạm vi phối hợp của các Bộ,cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Luật Du lịch 2017 bổ sung nhiều nội dung mới về phát triển sản phẩm du lịch
Du lịch là một ngành kinh tế và sản phẩm du lịch là yếu tố cơ bản, giữ vai trò quan trọng trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được Luật Du lịch 2005 quan tâm, điều chỉnh ngoài quy định nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng đối với tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch mới (điểm d khoản 2 Điều 6). Trong quá trình xây dựng Luật Du lịch 2017, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần có những quy định cụ thể hơn để tạo điều kiện cho việc phát triển sản phẩm du lịch.
Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị đã xác định “tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao” là một trong những nhiệm vụ và giải pháp để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trên cơ sở thể chế hóa Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, Luật Du lịch 2017 đã bổ sung nhiều quy định mới về phát triển du lịch với những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, hoạt động nghiên cứu, định hướng phát triển sản phẩm du lịch được Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ (điểm b khoản 4 Điều 5). Bên cạnh đó, không phải sản phẩm du lich mới nào cũng được nhà nước khuyến khích, ưu đãi vì điều này sẽ dẫn tới việc đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm và không phải sản phẩm du lich mới nào cũng mang lại hiệu quả trên thực tiễn. Theo Luật Du lịch 2017, các chính sách của Nhà nước chỉ hướng đến các sản phẩm du lịch mới có tác động tích cực tới môi trường, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư, hoặc các sản phẩm du lịch được đánh giá là ưu thế của Việt Nam, bao gồm sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa và các sản phẩm du lịch đặc thù khác (điểm d khoản 4 Điều 5).
Thứ hai, Luật khẳng định quyền sáng tạo, phát triển, kinh doanh sản phẩm du lịch của các tổ chức, cá nhân; đồng thời giao Chính phủ định hướng và có chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo phù hợp với từng vùng và trong phạm vi toàn quốc theo từng giai đoạn cụ thể, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Căn cứ quy định này, việc định hướng sản phẩm du lịch chủ đạo và các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm có thể được triển khai thực hiện thông qua các dự án, đề án, chính sách cụ thể trên cơ sở kết quả đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch.
Thứ ba, Luật giao Chính phủ quy định các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch đối với những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch. Thời gian qua, một số vụ tai nạn xảy ra đối với khách du lịch trong quá trình trải nghiệm, khám phá đã bộc lộ lỗ hổng pháp lý trong việc quản lý các hoạt động du lịch mạo hiểm. Mặc dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch nhưng hiện nay đang thiếu những quy định cụ thể để quản lý và đảm bảo an toàn trong việc khai thác những sản phẩm du lịch này. Với quan điểm lấy khách du lịch làm trung tâm, để khắc phục bất cập của thực tiễn, Luật Du lịch 2017 đã điều chỉnh vấn đề này nhằm bảo đảm an toàn cho khách, tạo cơ sở để du lịch mạo hiểm trở thành loại hình sản phẩm du lịch hấp dẫn của Việt Nam. Hiện nay, dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch 2017 quy định cụ thể vấn đề này với những nội dung cơ bản như: nhận diện các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch, các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc kinh doanh, khai thác các sản phẩm du lịch này.
Thứ tư, Luật dành một điều riêng để quy định cụ thể hơn về phát triển du lịch cộng đồng do đây là loại hình sản phẩm du lịch đặc thù, mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế tại các vùng kinh tế khó khăn nên cần được Nhà nước hỗ trợ. Theo Luật, tổ chức, cá nhân nơi phát triển du lịch cộng đồng được hưởng những ưu đãi và được khuyến khích cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, để phát triển du lịch cộng đồng, Luật đã quy định trách nhiệm của các chủ thể liên quan, trong đó có vai trò định hướng và hỗ trợ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; vai trò quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã và trách nhiệm tôn trọng văn hóa, nếp sống, chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch với cộng đồng của tổ chức, cá nhân khai thác, phát triển du lịch cộng đồng.
3. Nội dung quy hoạch về du lịch được điều chỉnh nhằm đảm bảo sự tương thích với pháp luật về quy hoạch sẽ được ban hành trong thời gian tới.
Thời gian qua, dự án Luật Quy hoạch đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét với phạm vi điều chỉnh rất rộng, bao trùm lên quy hoạch của nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, trong đó có du lịch. Nếu Luật Quy hoạch được thông qua và có hiệu lực, việc quy hoạch trong lĩnh vực du lịch phải đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật này, bao gồm việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra hệ thống quy hoạch quốc gia; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, cùng với dự án Luật Du lịch (sửa đổi), dự án Luật Quy hoạch được đưa vào chương trình thảo luận để thông qua. Tuy nhiên, trước ngày họp thông qua, Quốc hội đã quyết định lùi việc thông qua Dự án Luật Quy hoạch tại kỳ họp này do Dự án Luật còn nhiều ý kiến khác nhau, nhiều vấn đề liên quan đến nhiều Luật hiện hành, cần có thời gian tham gia sâu, đánh giá của các cơ quan liên quan chịu tác động.
Do phụ thuộc vào các quy định cụ thể trong Luật Quy hoạch (nếu được thông qua), để đảm bảo tính ổn định và sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, Luật Du lịch 2017 không quy định tên gọi cụ thể các loại quy hoạch trong lĩnh vực du lịch mà chỉ gọi chung là “quy hoạch về du lịch”, đồng thời chỉ quy định về nguyên tắc và nội dung quy hoạch về du lịch do đây là những vấn đề mang tính đặc thù của Ngành. Các nội dung khác sẽ được thực hiện theo quy định của Luật quy hoạch. Tuy nhiên, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch về du lịch trong thời gian Luật Quy hoạch chưa được thông qua hoặc sẽ được thông qua nhưng chưa có hiệu lực thi hành, Luật Du lịch 2017 giao Chính phủ quy định việc lập, quản lý và thực hiện quy hoạch về du lịch. Hiện nay, theo sự phân công của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đang tổ chức xây dựng dự thảo Nghị định này để trình Chính phủ xem xét, thông qua trong tháng 3/2018./.
(Còn nữa)
Nguyễn Thanh Thủy