“Ngạc nhiên Long Cốc”
Đồi chè Long Cốc hay ốc đảo chè Long Cốc là một địa điểm du lịch nằm ở xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Cách Hà Nội khoảng 125km, Long Cốc là tập hợp của hàng trăm quả đồi bát úp nằm nối tiếp nhau. Diện tích đồi chè lên đến 677ha, phần diện tích chè có thể thu hoạch là 610ha.
Với thắng cảnh trời ban và khí hậu ôn hòa, Long Cốc là điểm đến mà bạn có thể ghé thăm vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Thời điểm lý tưởng nhất để đi du lịch đồi chè Long Cốc là từ tháng 3 – tháng 12 hàng năm. Lúc này, chè lên xanh mát phủ kín cả ngọn đồi, tạo thành những tấm thảm xanh đầy sức sống. Những con đường đất uốn lượn, quanh co bên sườn đồi và khung cảnh tuyệt đẹp của các đồi chè sẽ đưa du khách đi từ những ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Nếu muốn có những bức ảnh đẹp, du khách nên đến đây vào buổi sáng sớm hoặc lúc hoàng hôn, đẹp nhất khoảng đầu hè. Với khung cảnh thơ mộng ấy, Long Cốc đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhiếp ảnh gia. Họ chụp để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp của tạo hóa và sự tuyệt mỹ của cảnh sắc tự nhiên. Những năm trở lại đây, nhiều bức ảnh từ đồi chè Long Cốc đã đạt được vinh danh tại các giải thưởng trong nước và quốc tế cũng như tham gia triển lãm uy tín.
Tham gia tour đồi chè Long Cốc (2 ngày/1 đêm), du khách sẽ có dịp săn sương, ngắm bình minh, ngắm hoàng hôn, cắm trại trên đồi chè để có thể ngắm giải ngân hà vào buổi đêm; trải nghiệm công việc hái chè của người dân địa phương. Các loại chè Long Cốc ngon cho bạn lựa chọn có chè Shan Tuyết, chè Bát Tiên, chè Trung du truyền thống… Long Cốc còn hấp dẫn với nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mường, Dao. Hòa mình vào các sinh hoạt cộng đồng của người Mường như đâm đuống, múa sạp, đánh cồng chiêng và cùng thưởng thức vị chè đặc trưng, xôi ngũ sắc, thịt chua, cơm lam… Cũng như cảnh sắc thiên nhiên, cuộc sống của người dân nơi đây rất đỗi yên bình, con người sinh sống chan hoà với tự nhiên. Đến các bản làng, bạn như được hòa mình vào nhịp sống thanh bình ấy.
Trong những năm qua, Long Cốc, Phú Thọ đã thu hút hàng chục ngàn lượt du khách và nhiếp ảnh trong nước, quốc tế về tham quan, thưởng thức góp phần thúc đẩy dịch vụ du lịch cộng đồng nơi đây phát triển.
Phát triển du lịch cộng đồng Long Cốc
Là một xã miền núi với trên 93,3% người dân tộc Mường, nguồn thu nhập chính của người dân xã Long Cốc là các sản phẩm nông nghiệp, trong đó cây chè được xác định là cây chủ lực. Những năm qua, địa phương cũng nỗ lực thay đổi nhận thức, cách làm du lịch của người dân để vùng chè có thể thu hút nhiều hơn du khách, cũng như tìm đầu ra, quảng bá sản phẩm chè sạch an toàn đến với người tiêu dùng.
Theo bà Phùng Thị Hoa Lê, Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, dịch vụ du lịch cộng đồng tại Long Cốc đã hình thành hơn 4 năm qua, hiện tại có 5 hộ kinh doanh homestay phục vụ du khách các dịch vụ như: ăn uống, lưu trú, cho thuê trang phục chụp ảnh, chương trình biểu diễn văn hóa dân tộc, trải nghiệm quy trình sản xuất chè xanh, chế biến ẩm thực địa phương… Tuy nhiên, hoạt động du lịch cộng đồng ở đây vẫn chưa mang tính quy mô, chuyên nghiệp. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, giới thiệu mời gọi liên kết du lịch. Đồng thời, thực hiện tập huấn nghiệp vụ công tác du lịch, nấu ăn, pha chế cho các chủ hộ kinh doanh homestay…
Bà Phạm Thị Hạnh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất chè an toàn Long Cốc thông tin, hợp tác xã đặt mục tiêu là sản xuất và chế biến chè xanh chất lượng cao trên cơ sở phát triển vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn an toàn, góp phần xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Xây dựng ngành nghề sản xuất bền vững, tạo việc làm ổn định và nâng cao cuộc sống cho người dân trong cộng đồng. Đồng thời gắn kết mô hình sản xuất với du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch sinh thái và trải nghiệm thực tế.
Bà Hạnh cho biết, trong những năm qua, Hợp tác xã sản xuất chè an toàn Long Cốc đã đón tiếp nhiều đoàn khách tham quan trong và ngoài nước, trong đó có cả đoàn tham quan của Mỹ, Úc, Nhật Bản... Đến đây, du khách không chỉ được tự tay thu hoạch chè, mà còn có cơ hội tham quan quy trình sản xuất tại Hợp tác xã chè Long Cốc. Tất cả các công đoạn đều diễn ra khép kín, đảm bảo chất lượng chè sạch từ khâu trồng cho đến chế biến.
Anh Hưng, chủ homestay Hưng Yên ở Long Cốc chia sẻ, thời điểm du lịch sinh thái ở đây mới chỉ manh nha, mang tính tự phát, nhiều khách đến đồi chè trải nghiệm không có chỗ ăn, ngủ, nghỉ; các hoạt động chỉ dừng lại ở check-in chụp ảnh, săn mây… Anh Hưng mạnh dạn thuyết phục gia đình mở homestay đón khách, kết hợp các hoạt động trải nghiệm như: tự tay hái chè, tham gia vào một số công đoạn sản xuất chè, thưởng thức chè sạch, thuê trang phục dân tộc để chụp ảnh, thưởng thức các điệu múa mang đậm bản sắc dân tộc Mường, đốt lửa trại, cắm trại... Du khách đến đây còn được thưởng thức ẩm thực độc đáo của người Mường. Đặc biệt là một số món dùng chính chè xanh Bát tiên làm nguyên phụ liệu như: gà, cá, vịt nướng lá chè xanh Bát tiên, cá trắm kho chè xanh Bát tiên… cùng một số đặc sản vịt suối lam hoa chuối, xôi ngũ sắc, thịt chua, cá suối…
Anh Hưng nhận thấy Long Cốc được thiên nhiên ưu đãi cho không khí trong lành, cảnh sắc nên thơ với những đồi chè xanh mướt, nếu phát triển đúng hướng sẽ là tiềm năng để thu hút du khách qua hoạt động cộng đồng.
Với nét đẹp độc đáo, ấn tượng, đồi chè Long Cốc huyện Tân Sơn, Phú Thọ được đánh giá là đẹp nhất Việt Nam hiện nay. Với hàngtrăm quả đồi lớn nhỏ, nằm liền kề nhau như những ốc đảo, đồi chè Long Cốc được ví như là “vịnh Hạ Long vùng Trung du”.
Nhâm Hiền