Liên kết phát triển du lịch Thanh Hoá với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ
Hội nghị liên kết phát triển du lịch tỉnh Thanh Hoá với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ được tổ chức nhằm giới thiệu các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc sắc của Thanh Hoá đến với thị trường khách TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Thông qua Hội nghị, tạo diễn đàn cho các doanh nghiệp, đơn vị du lịch, dịch vụ của Thanh Hoá, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội liên kết, hợp tác phát triển kinh doanh; khai thác, chào bán các tour du lịch cho du khách trong và ngoài nước thông qua đường bay TP. Hồ Chí Minh - Thanh Hoá. Đồng thời, tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý du lịch, thu hút đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch giữa các tỉnh, thành phố.
Tại Hội nghị, các đại biểu, doanh nghiệp đã thảo luận, chia sẻ về giải pháp liên kết phát triển du lịch giữa Thanh Hoá với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Các đại biểu đã đi sâu vào một số vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ như: kết nối giao thông, quy hoạch du lịch, sản phẩm du lịch, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, cơ chế khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp… Các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương cũng cần phát huy vai trò là “nhạc trưởng”, nhằm đưa liên kết giữa Thanh Hoá và TP. Hồ Chí Minh cùng các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đi vào chiều sâu.
Cũng tại Hội nghị, tỉnh Thanh Hóa đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm đặc trưng… Thanh Hóa là tỉnh Bắc Trung Bộ, có hệ thống giao thông đồng bộ và thuận lợi: Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Bắc Nam, đường ven biển; đường sắt Bắc Nam; Cửa khẩu quốc tế thông thương với nước bạn Lào; Cảng biển nước sâu Nghi Sơn; Cảng hàng không Thọ Xuân. Thanh Hóa hội tụ đủ tiềm năng của ba vùng kinh tế là vùng núi - trung du, vùng đồng bằng và vùng ven biển; đồng thời, sở hữu nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, đặc sắc, có giá trị quốc gia và quốc tế (Di sản vănhóa Thế giới Thành Nhà Hồ và 5 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt: Di tích Lam Kinh, Hang Con Moong, Đền Bà Triệu, Đền Lê Hoàn và thắng cảnh Sầm Sơn). Cùng với đó là nhiều thắng cảnh nổi tiếng như Vườn quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Suối cá thần Cẩm Lương, Thắng cảnh Hàm Rồng - Sông Mã… Đặc biệt là trên 300 lễ hội văn hóa đặc sắc, ẩm thực địa phương phong phú, hấp dẫn… là điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa khai thác, phát huy giá trị, phục vụ phát triển du lịch, đem đến cho du khách những trải nghiệm trọn vẹn, với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”.
Hiện, Thanh Hóa thu hút được 81 dự án đầu tư kinh doanh du lịch với tổng vốn đầu tư khoảng 146.000 tỷ đồng. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn, có kinh nghiệm và năng lực hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư du lịch như FLC, VinGroup, Sungroup, Flamingo, BRG, T&T, TNG… đã và đang triển khai thực hiện các dự án lớn tại Thanh Hóa, tạo bước đột phá về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của tỉnh. Tính đến tháng 6/2023, Thanh Hóa có khoảng 1.200 khách sạn, nhà nghỉ với 45.000 phòng cùng hơn 350 căn hộ, biệt thự du lịch; 192 homestay, trên 1.000 nhà hàng ăn uống du lịch và 10 trung tâm mua sắm có quy mô lớn. Năm 2023, nhằm thu hút khách du lịch, Thanh Hóa đã đổi mới toàn diện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hoàn thiện 3 dòng sản phẩm chủ lực và đưa vào phục vụ du khách: sản phẩm du lịch biển tại TP. Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, huyện Hoằng Hóa; sản phẩm du lịch văn hoá, tâm linh: huyện Thọ Xuân; sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng: huyện Bá Thước, huyện Thường Xuân, huyện Quan Hoá, huyện Ngọc Lặc; sản phẩm du lịch mới: thị xã Nghi Sơn, huyện Yên Định…
Trong khuôn khổ hội nghị, Thanh Hóa cũng tổ chức chương trình gặp gỡ, trao đổi, giao dịch giữa các doanh nghiệp du lịch; trưng bày giới thiệu sản phẩm du lịch của các tỉnh, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch tiêu biểu của Thanh Hóa; bốc thăm trúng thưởng các dịch vụ du lịch tại Thanh Hóa dành cho các đại biểu và du khách.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi khẳng định, Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với ngành Du lịch Thanh Hóa nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh; mở ra cơ hội liên chặt chẽ hơn nữa trong công tác kết nối, xây dựng các tour, tuyến du lịch để đưa khách du lịch từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ về với tỉnh Thanh Hóa và ngược lại. Hội nghị cũng là dịp để các đơn vị quản lý, các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cùng với các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ gặp gỡ, đối thoại, đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, chào bán, thu hút khách du lịch.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thi nhấn mạnh: “Du lịch Thanh Hóa rất coi trọng định hướng mở rộng thu hút thị trường khách du lịch từ các tỉnh phía Nam. Thanh Hóa sẽ thu hút du khách bằng những sản phẩm, dịch vụ, những trải nghiệm khác biệt, hấp dẫn như cảm nhận cái se lạnh, bình yên và trong lành tại các khu nghỉ dưỡng; thưởng thức những món ngon đặc trưng thơm lừng, khó cưỡng; hòa mình trong sắc vàng của ruộng lúa bậc thang hay màu xanh mượt của núi rừng phía Tây tỉnh Thanh Hóa; trải nghiệm sắc thái văn hóa của 7 dân tộc anh em và lắng nghe những câu chuyện văn hóa, lịch sử hay huyền thoại về núi rừng… Thanh Hóa cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoạt động kinh doanh, đầu tư phát triển du lịch giữa các địa phương được triển khai thành công tốt đẹp”.
Chỉ đạo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh hoan nghênh, đánh giá cao các nỗ của Thanh Hóa trong đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch mới, xúc tiến quảng bá; kết nối, liên kết, phát triển sản phẩm với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cũng ghi nhận và đánh giá cao TP. Hồ Chí Minh với vai trò là động lực, đầu tàu và trung tâm điều phối khách, hợp tác với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Thanh Hóa.
Để hợp tác, liên kết phát triển du lịch đi vào thực chất, có chiều sâu, Cục trưởng đồng thời đề nghị các địa phương phối hợp, nghiên cứu, xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác chặt chẽ; cụ thể hoá nội dung, hoạt động liên kết trong kế hoạch hằng năm. Hợp tác chú trọng phát triển các chuỗi sản phẩm liên địa phương đặc trưng, có chất lượng, có tính cạnh tranh và hấp dẫn; đầu tư phát triển, nâng tầm thương hiệu điểm đến, kéo dài mùa vụ du lịch, tăng cường quản lý điểm đến, thúc đẩy trao đổi khách.
“Các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể hóa Nghị quyết số 82/NQ-CP bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể. Các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan báo chí cần sát cánh, đồng hành các địa phương trong việc xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch trên cơ sở phát huy thế mạnh khác biệt. của Quảng bá, chào bán các chương trình du lịch cụ thể đưa khách về Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; góp ý, hiến kế trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng điểm đến để ngành Du lịch các địa phương ngày càng hoàn thiện và phát triển” - Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Năm 2022, tổng lượt khách đến Thanh Hoá đạt 11.038.000 lượt, tổng thu du lịch đạt 20.060 tỷ đồng. 7 tháng đầu năm 2023, Thanh Hóa đón được 10.295.000 lượt khách, tổng thu du lịch đạt 19.642 tỷ đồng . Với mục tiêu đón trên 12 triệu lượt khách năm 2023, ngay từ đầu năm, Thanh Hóa đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để đón và phục vụ khách du lịch. Đặc biệt, Thanh Hóa đã chú trọng kết hợp các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch, tạo nên chuỗi các sự kiện phục vụ phát triển du lịch, đem đến cho du khách những trải nghiệm đầy đủ nhất, vừa thưởng ngoạn thiên nhiên, thưởng thức ẩm thực đặc sản, vừa tham gia các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể thao truyền thống và hiện đại...
Đình Phong