Ông Trần Vũ Bình – con trai cố sỹ quan Biệt động Trần Văn Lai, cho biết đã bỏ ra gần 20 năm để sưu tầm hiện vật, tài liệu… gắn liền với lịch sử hoạt động của lực lượng BĐSG – GĐ. Tính đến ngày khánh thành, Bảo tàng BĐSG – GĐ có 7 bộ sưu tập lịch sử quý giá gắn liền với cuộc đời hoạt động của sỹ quan Biệt động Trần Văn Lai và lực lượng BĐSG - GĐ. Bao gồm Bộ sưu tập hầm chứa vũ khí, ém quân, chứa thư từ, tài liệu, tiền vàng; Bộ sưu tập vũ khí chiến đấu trong nội thành; Bộ sưu tập xe - phương tiện chiến đấu trong nội thành, trong đó có chiếc xe ô tô hiệu citroen mang biển số NCE – 345, chiếc xe này đã chở đội 5 Biệt Động Sài Gòn và chất nổ, vũ khí tấn công vào Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968; bộ sưu tập về thiết bị thông tin liên lạc của lực lượng Biệt động Sài Gòn (máy ảnh, điện thoại, máy in truyền đơn, radio…); bộ sưu tập dụng cụ nghề mộc được ông Trần Văn Lai sử dụng khi làm trang trí nội thất cho Dinh Độc Lập; bộ sưu tập vật dụng sinh hoạt hàng ngày của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn (đàn, máy sấy tóc, dao cạo râu, vali…); Sau cùng là Bộ sưu tập về hình ảnh và câu chuyện của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đã được phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là bộ sưu tập tổng hợp những câu chuyện và hình ảnh của các chiến sĩ Biệt động từ khi ra đời của tổ chức cho đến khi kết thúc nhiệm vụ trong mùa Xuân 1975, được trưng bày trên các thiết bị số hóa.
Trụ sở của Bảo tàng BĐSG – GĐ có kiến trúc xây dựng từ năm 1963, tọa lạc số 145 Trần Quang Khải phường Tân Định, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Nơi đây từng là nghiệp đoàn đóng mới, sửa chữa xích lô và nghiệp đoàn trang trí nội thất do ông Trần Văn Lai gây dựng. Địa điểm này hoạt động với vỏ bọc là cơ sở gia công đồ nội thất cho Dinh Độc Lập, cũng là địa điểm phục vụ công tác trao đổi thông tin, tài liệu và đóng góp vật chất, thuốc men của lực lượng Biệt Động Sài Gòn. Bảo tàng BĐSG - GĐ được trưng bày theo phong cách gần gũi với khách tham quan, nội dung trưng bày gồm các khu chính: Khu vực sảnh trung tâm trưng bày hiện vật về công cụ làm việc và phương tiện phục vụ quá trình đi lại của lực lượng Biệt Động Sài Gòn, phối hợp với màn hình tương tác. Tại đây, khách có thể vừa tham quan vừa tìm hiểu về các hiện vật, vừa có thể chủ động tương tác với màn hình chiếu cảm ứng trên tường để xem thêm các thước phim về lực lượng Biệt Động Sài Gòn. Khu vực sảnh hiện vật trưng bày các hiện vật là chứng tích cho các trận đánh tiêu biểu của lực lượng Biệt Động Sài Gòn. Khu vực phòng trà tương tác là nơi trưng bày một số hiện vật sinh hoạt hàng ngày của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, đồng thời kết hợp với kính thực tế ảo để khách tham quan trải nghiệm được thú vị hơn…
Theo ông Nguyễn Quốc Độ - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định, Bảo tàng BĐSG – GĐ và các di tích lịch sử của Biệt động Sài Gòn sẽ cùng với hệ thống các bảo tàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là các bảo tàng về chiến tranh cách mạng trở thành địa chỉ văn hóa, du lịch không thể thiếu trong bản đồ du lịch của TP. Hồ Chí Minh. Ông cũng cho biết thêm sau khi khánh thành Bảo tàng BĐSG – GĐ chủ động gắn với ngành Du lịch đẩy mạnh hoạt động du lịch Di sản văn hóa, tham gia cùng với Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh thực hiện dự án Bản đồ du lịch thành phố 3D.
Cao Phương