Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng nhấn mạnh, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu khóa XIV (2020- 2025) đã xác định: Phát triển du lịch là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung xây dựng Chương trình bảo tổn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn với phát triển du lịch, với mục tiêu phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; là điểm đến an toàn, hấp dẫn vùng Tây Bắc, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp, bền vững và hội nhập.
Trong những năm qua, ngành du lịch tỉnh Lai Châu đã có bước chuyển biến tích cực, từng bước khẳng định sẽ phát triển là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, cảnh quan môi trường tại một số làng, bản cải tạo ngày càng “xanh - sạch - đẹp" và giữ nguyên được không gian văn hóa từng dân tộc. Thị trường, dịch vụ du lịch được mở rộng quan tâm, một số sản phẩm du lịch chủ lực được đầu tư và khai thác mang lại hiệu quả nhất định. Công tác kêu gọi, thu hút đầu tư được đẩy mạnh, thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm khảo sát, tìm hiểu; lượng khách du lịch tăng nhanh; công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, hoạt động thông tin tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch được quan tâm, bước đầu góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và xây dựng hình ảnh du lịch Lai Châu thân thiện, mến khách.
Theo ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, việc tăng cường, hợp tác phát triển du lịch Lai Châu - Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng, đóng góp tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung giữa 2 địa phương và cả nước. Những năm qua, thành phố Hà Nội và tỉnh Lai Châu đã có sự hợp tác, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt nổi bật trong phát triển du lịch. Mỗi địa phương đều có thế mạnh, tiềm năng riêng để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Sản phẩm du lịch ở mỗi địa phương lại có sức hấp dẫn riêng, có thế mạnh riêng về vị trí địa lý, tài nguyên, nguồn lực phát triển. Vì vậy, cần kết nối các chuỗi giá trị để tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn theo từng nhóm loại hình cung cấp cho du khách.
Hội nghị cũng tập trung bàn các giải pháp kích cầu, thu hút khách giữa các địa phương nhằm phát triển du lịch Lai Châu nói riêng và liên kết phát triển du lịch Lai Châu - Hà Nội nói chung. Trong đó tập trung vào các giải pháp liên kết xúc tiến quảng bá, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, điểm đến mới để khai thác tiềm năng, thế mạnh của du lịch Lai Châu. Đại diện các doanh nghiệp lữ hành cũng cho rằng, sản phẩm du lịch Lai Châu cần tăng tính hấp dẫn, độc đáo; làm nổi bật lợi thế cạnh tranh tránh phát triển du lịch tự phát, không bền vững; giữ gìn bản sắc văn hóa trên các bản làng du lịch cộng đồng…
Tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo UBND tỉnh với ngành du lịch, sự kiện “Tuần văn hóa du lịch Lai Châu” chính là bước đột phá để thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương. Vì vậy, nhân sự kiện này thay mặt cơ quan quản lý nhà nước về du lịch - TCDL kêu gọi các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ hơn, xây dựng chương trình sáng tạo đổi mới, làm du lịch Lai Châu ngày càng hấp dẫn. Hy vọng qua hội nghị này các doanh nghiệp thủ đô sẽ đưa ra nhiều sản phẩm mới kết hợp với các nhà cung cấp dịch vụ ở Lai Châu cũng như các tỉnh Tây Bắc.
“TCDL sẽ luôn đồng hành để biến tiềm năng thành hiện thực, sự tỏa sáng của Lai Châu sẽ là một cú huých để du lịch địa phương phát triển”, ông Siêu cho biết.
Trong khuôn khổ hội nghị, các bên đã thống nhất và ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa Sở VHTTDL Lai Châu với Sở Du lịch Hà Nội; Hiệp hội Du lịch Lai Châu với Hiệp hội Du lịch Hà Nội; Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội và các doanh nghiệp du lịch Lai Châu.
Thảo Anh