Cụm phía Tây ĐBSCL gồm 7 tỉnh, thành phố: TP. Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang. Với diện tích 23.978 km², chiếm 59,1% diện tích của vùng ĐBSCL; dân số hơn 9.211.300 người chiếm 52,4 % dân số của vùng ĐBSCL. Có hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan đặc sắc, hấp dẫn được hình thành trên các điều kiện tự nhiên về sinh thái, sông nước, đồi núi, biển - đảo. Bên cạnh đó, văn hóa vùng miền độc đáo với 4 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa, Chăm thể hiện qua phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội dân gian, các loại hình nghệ thuật truyền thống và tính cách con người hiền hòa, hiếu khách… đã hình thành nên sản phẩm du lịch thú vị, hấp dẫn du khách.
Hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được của hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong 6 tháng đầu năm 2019 với các nội dung hợp trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; xúc tiến quảng bá; quy hoạch, kế hoạch; xây dựng sản phẩm du lịch và đào tạo nguồn nhân lực du lịch… Qua 6 tháng đầu năm, chất lượng, hiệu quả các hoạt động từng bước được nâng lên, nhất là công tác tuyên truyền quảng bá du lịch; công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch được đẩy mạnh, huy động được nhiều doanh nghiệp tham gia. Các tỉnh, thành trong Cụm liên kết đã tạo được mối quan hệ chặt chẽ hơn trong công tác quản lý nhà nước cũng như công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Đồng thời, Hội nghị cũng nêu ra những hạn chế, khó khăn thách thức trong công tác kết nối giữa các tỉnh; từ đó rút kinh nghiệm và xây dựng phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Hội nghị cũng nhận được những ý kiến đề xuất của các doanh nghiệp hoạt động du lịch tại các địa phương về liên kết sản phẩm của vùng; hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới.
Kết quả 6 tháng đầu năm 2019, tổng lượt khách đến tham quan tại các địa phương trong Cụm đạt 19.791.568 lượt, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 74,8% trong tổng lượt khách du lịch đến ĐBSCL. Trong đó, khách quốc tế đạt 781.066 lượt, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu đạt trên 13.552,9 tỷ đồng, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 82% trong tổng doanh thu du lịch vùng ĐBSCL.
Trước đó, Sở VHTTDL Sóc Trăng đã tổ chức cho các công ty, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, dịch vụ du lịch trong và ngoài tỉnh đi khảo sát, tìm hiểu các sản phẩm, dịch vụ tại các điểm du lịch như chùa Quan Âm Linh Ứng (phường 8, thành phố Sóc Trăng); chùa Đất Sét (phường 5, thành phố Sóc Trăng), điểm du lịch Tân Huê Viên - tham quan dây chuyền sản xuất bánh pía hiện đại, thưởng thức bánh pía nóng…
Theo đánh giá của đoàn khảo sát, Sóc Trăng sở hữu những sản phẩm du lịch rất đặc trưng ở ĐBSCL; việc khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh về du lịch văn hóa, sinh thái và đặc biệt là nét văn hóa của đồng bào Khơmer Nam Bộ để xây dựng thành sản phẩm dịch vụ phục vụ du khách. Tuy nhiên, Sóc Trăng cần quan tâm hơn đến công tác đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch, đầu tư tốt hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, chú ý phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng nhiều hơn nữa các loại hình sản phẩm dịch vụ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách và tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá để thu hút du khách.
Trần Linh