ĐBSCL là khu vực có tiềm năng du lịch độc đáo, với cảnh quan sinh thái đặc trưng là đồng bằng và biển đảo, có lịch sử phát triển lâu đời và là địa phương có sự giao thoa văn hóa đặc sắc của nhiều dân tộc, có khả năng xây dựng thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Hệ thống kênh rạch chằng chịt cùng cảnh quan núi rừng, biển đảo đã hình thành một vùng sinh thái đa dạng, với hệ động thực vật phong phú như rừng dừa Bến Tre, tràm chim Tam Nông, biển đảo Hà Tiên, Phú Quốc… hay những tập tục sinh hoạt mang đầy bản sắc của người dân như chợ nổi Cần Thơ, làng nghề hoa kiểng Sa Đéc…
Nhận thấy tiềm năng du lịch lớn, các tỉnh thành khu vực ĐBSCL đã tập trung khảo sát, xây dựng quy hoạch phát triển du lịch; từng bước đầu tư hệ thống cơ sở kỹ thuật cho ngành Du lịch; tạo các sản phẩm du lịch đặc thù của từng vùng; nâng cao chất lượng dịch vụ, chú trọng liên kết vùng, liên kết tour tuyến để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng vốn có. Thời gian qua, ĐBSCL đã tổ chức thành công một số sự kiện du lịch, lễ hội mang tầm quốc gia và khu vực như: Liên hoan du lịch đồng bằng sông Cửu Long, Năm Du lịch quốc gia miệt vườn sông nước Cửu Long 2008, lễ hội vía Bà Chúa Xứ, lễ hội Okombok và đua ghe ngo, đua bò Bảy Núi… các hội thảo, hội chợ, triển lãm và các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước, mới đây nhất là chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch ĐBSCL tại Hà Nội ngày 16/5/2013, đã để lại những ấn tượng tốt đẹp và góp phần tích cực phát triển du lịch vùng.
Theo Quyết định số 803/QĐ-BVHTTDL ngày 9/3/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt "Đề án phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020", quan điểm chủ đạo xuyên suốt đối với phát triển du lịch vùng ĐBSCL là nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp thực sự quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nỗ lực xóa đói giảm nghèo cho người dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng và góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của cả nước, nâng cao vị thế ngành Du lịch trên cơ sở khai thác có hiệu quả và bền vững những lợi thế về vị trí ngành Du lịch trên cơ sở khai thác có hiệu quả và bền vững những lợi thế về vị trí, tài nguyên của vùng.
Quán triệt tinh thần đó, 5 tỉnh ĐBSCL đã liên kết, hợp tác với nhau, xây dựng sản phẩm du lịch “Một điểm đến 4 địa phương + ”, gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu với các sản phẩm du lịch đặc trưng cho từng địa phương. Đây là một nỗ lực lớn của các địa phương và các doanh nghiệp nhằm thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến ĐBSCL.
Việc tổ chức hội thảo vừa qua tại Hà Nội nhằm mục đích giới thiệu những sản phẩm mới và chương trình kích cầu du lịch ĐBSCL là điều kiện rất thuận lợi cho các doanh nghiệp trao đổi, kết nối các doanh doanh nghiệp phía Bắc, gặp gỡ trực tiếp đối tác, bàn bạc, thảo luận, giới thiệu sản phẩm và mức giảm giá kích cầu, từ đó cùng nhau khai thác các tuyến du lịch ĐBSCL một cách hiệu quả nhất.
Thành công của hội thảo nói riêng và chương trình kích cầu du lịch ĐBSCL nói chung không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp mà còn thắt chặt mối quan hệ thân thiết giữa các thành viên tham gia, là tiền đề của sự hợp tác sau này giữa các doanh nghiệp của ĐBSCL. Các tỉnh ĐBSCL cũng sẵn sàng hợp tác khi có các sự kiện liên kết về du lịch trong thời gian tới. Qua hội thảo, có 30 Công ty Lữ hành của Hà Nội chuyên tổ chức cho khách inbound đến Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL để khảo sát tuyến điểm du lịch. Nhiều đơn vị tại ĐBSCL đã đăng ký giảm giá cho khách du lịch, trong đó có 16 đơn vị kinh doanh lữ hành giảm giá 5 - 10%, 24 khách sạn giảm giá từ 5 - 58%; 10 nhà hàng giảm giá 5 - 10%. Đặc biệt, Vietnam Airlines dự kiến sẽ giảm giá 38 - 58% cho đường bay Hà Nội - Cần Thơ.
Trang Đào