Chủ động, đa dạng kênh để hút khách
Đại diện lãnh đạo Sở Du lịch, Hiệp hội, Câu lạc bộ du lịch một số địa phương trọng điểm đón khách du lịch quốc đều có chung nhận định: Việt Nam chính thức mở cửa đón khách du lịch quốc tế trở lại trong trạng thái “bình thường mới” là dấu mốc rất có ý nghĩa, góp phần phục hồi ngành Du lịch.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh: Việc mở cửa lại du lịch giúp cho du lịch Khánh Hòa có cơ hội phục hồi và phát triển. Cụ thể, Khánh Hòa đã rất thành công trong việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế “hộ chiếu vaccine” cũng như khách nội địa. Điều này đã giúp cho du lịch Khánh Hòa có tốc độ phục hồi tốt, các hoạt động du lịch và dịch vụ đã mở cửa hoạt động trở lại bình thường. “Để chuẩn bị cho việc đón khách trở lại, du lịch Khánh Hòa chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đến các thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, ngoài thị trường khách Nga, Trung Quốc, Khánh Hòa còn chú trọng tới thị trường Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan… và tập trung vào các đối tượng khách có mức chi tiêu cao” – bà Thanh cho hay.
Đề cập đến việc triển khai các giải pháp đón khách, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho hay, TP. Hồ Chí Minh đã chuẩn bị triển khai chương trình “TP. Hồ Chí Minh chào đón bạn” với 6 nhóm giải pháp trọng tâm. Đó là, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch; đẩy mạnh truyền thông điểm đến về Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng; tăng cường các giải pháp hỗ trợ khách du lịch trên các kênh thông tin của ngành Du lịch, tích hợp đường dây nóng hỗ trợ du khách; xây dựng các cơ chế chính sách phát triển nhóm sản phẩm chủ lực, trọng tâm như chính sách phát triển du lịch MICE.
“Điểm nhấn của chương trình TP. Hồ Chí Minh chào đón bạn là chương trình gia tăng giá trị cộng thêm cho khách du lịch đến TP. Hồ Chí Minh. Chương trình diễn ra từ tháng 3 đến tháng 9/2022 với nhiều ưu đãi, quà tặng dành cho khách” – bà Hoa thông tin. Đồng thời, bà Hoa cũng cho biết thêm, các thị trường mà TP. Hồ Chí Minh hướng đến trước mắt trong năm 2022 là Mỹ, Úc, Đông Bắc Á. Đây là thị trường đã có chính sách đi lại, thông thoáng với dịch COVID-19.
Là một trong những địa phương có hoạt động du lịch sôi động nhất, ngành Du lịch Hà Nội cũng đã xây dựng chi tiết các kế hoạch xúc tiến, quảng bá sau ngày mở cửa 15/3. Cụ thể, chương trình tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chính: Tổ chức các lễ hội, sự kiện du lịch lớn, độc ��áo, hấp dẫn thu hút du khách; Tăng cường tuyên truyền quảng bá các điểm đến, sản phẩm đặc sắc du lịch Hà Nội trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế như CNN, VTV Travel, HTV, S Vietnam; ẩm thực đường phố và chuyển động 24h.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, để nâng cao nhận diện thương hiệu của du lịch Hà Nội đối với du khách quốc tế, Sở Du lịch cũng tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội trên nhiều kênh khác nhau. Tiêu biểu, tại hệ thống các màn hình LED tại khu vực sân bay Nội Bài, trên các chuyến bay thương mại quốc tế. Đồng thời, tích cực tham gia các chương trình, sự kiện xúc tiến du lịch trong nước, quốc tế.
Bên cạnh đó, ngành Du lịch Thủ đô cũng đã chú trọng tới công tác xây dựng sản phẩm mới, chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng để thu hút khách quốc tế. Tại các khu điểm du lịch song song với công tác làm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho khách vẫn được chú trọng và triển khai hiệu quả. “Trong giai đoạn đầu mở cửa, du lịch Hà Nội sẽ tập trung khai thác khách từ các thị trường trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Sau đó, mở rộng đến từ các thị trường du lịch trọng điểm như Bắc Mỹ, EU. Nghiên cứu, khai thác khách từ các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, Úc” - bà Giang thông tin thêm.
Theo Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Anh, thời điểm mở cửa du lịch quốc tế trở lại là chìa khóa mở cánh cửa kết nối giao thương quốc tế. Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã lên kế hoạch chi tiết cho việc quảng bá hình ảnh của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung. Trong đó, Đà Nẵng đã và đang tận dụng công nghệ 4.0 để tạo ra những kênh maketing mới, thích nghi với thời điểm hiện nay.
Hội chợ Du lịch Đà Nẵng trực tuyến lần đầu tiên tổ chức đã thu hút hàng trăm buyers quốc tế tham dự; kết nối với những sellers trong nước, trao đổi về kế hoạch đưa khách du lịch quay trở lại Đà Nẵng. Đối với doanh nghiệp đây cũng là cơ hội tốt để kết nối các bạn hàng. “Đà Nẵng sẽ tập trung trước tiên vào những thị trường truyền thống như Đông Nam Á, Hàn Quốc, Đài Loan… song song tiếp cận với những thị trường tiềm năng, tiếp tục quảng bá, khai thác thị trường châu Âu, Ấn Độ” - ông Ngọc Anh cho hay.
Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng cho hay, thời gian qua, CLB đã triển khai và hoàn thiện hàng loạt chương trình Caravan, leo núi… Các chương trình Caravan vào Việt Nam cũng đang được thúc đẩy và tiếp thị tại thị trường quốc tế. Một số doanh nghiệp đã có yêu cầu tour về Việt Nam từ thị trường Nam Âu, một số quốc gia có kỳ nghỉ hè sắp tới. Dự kiến sẽ có các cuộc hội thảo online nhằm xúc tiến tại các thị trường này trong tháng 4-5 và tham dự hội chợ du lịch trong tháng 5-6/2022.
Theo ông Hùng, các hoạt động quảng bá của CLB nhận được phản hồi tích cực từ các thị trường tiềm năng: Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia), Hàn Quốc, Nhật Bản... “Lượng du khách Việt kiều có nhu cầu rất lớn về nước thăm thân và du lịch Việt Nam. Đây cũng là nguồn lực để phát triển tốt các thị trường Úc, Mỹ, Bắc Mỹ và Trung Đông - sẽ là thị trường tiềm năng thay thế thị trường châu Âu đang bị ảnh hưởng bởi chiến sự tại Ucraina” - ông Hùng cho hay.
Tăng cường hỗ trợ, liên kết truyền thông sản phẩm
Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng cho rằng, để thu hút khách, quảng bá “Việt Nam điểm đến an toàn và thân thiện”, ngành Du lịch phải có những hoạt động xúc tiến ngay, có hiệu quả với các thị trường du lịch tiềm năng. Trước hết tập trung vào những thị trường có thể khôi phục khách ngay từ tháng 4 đến tháng 7, nơi sẽ có nhiều dịp nghỉ lễ của các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á… Thực tế nhu cầu thị trường cho thấy, du lịch MICE tại điểm đến an toàn sau thời gian dãn cách và chống dịch của các nước sẽ rất lớn. Do đó, việc đẩy mạnh truyền thông, xây dựng sản phẩm sẽ đem lại hiệu quả ngay.
Theo ông Hùng, Tổng cục Du lịch (TCDL) và các địa phương cần chú trọng, có chính sách cụ thể, ưu đãi cho khách MICE đến Việt Nam; tham gia các hội chợ du lịch chuyên ngành; khôi phục và quảng bá các sự kiện, đặc biệt sắp tới là Sea Game 31 cần có chính sách riêng dành cho các đoàn du lịch, những người hâm mộ thể thao.
Ngoài ra, ông Hùng cũng cho rằng, Chính phủ, Bộ VHTTDL, TCDL và các ban, ngành liên quan cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch. Đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các hỗ trợ như vốn, đào tạo nhân sự và hỗ trợ kinh phí cho lao động quay lại làm việc (hiện đang hỗ trợ cho nhân sự đang làm, có đóng bảo hiểm) trong việc khôi phục và phát triển du lịch.
Trong đó, ông Hùng nêu mong muốn được “hỗ trợ 100% kinh phí cho các đơn vị tham gia vào các chương trình xúc tiến, hội chợ, giao lưu quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào các nền tảng số của TCLD đã phát triển. Đề xuất tiếp tục mở rộng thêm chính sách miễn visa và nâng thời hạn miễn visa từ 15 ngày lên 30 ngày, có thể có những chính sách visa ngoại lệ khi tham dự sự kiện tại Việt Nam”.
Trước những vấn đề từ thực tiễn, để đón khách quốc tế đạt hiệu quả, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa bày tỏ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các địa phương tổ chức các chương trình, hoạt động, quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam và du lịch các địa phương đến các thị trường quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ, phối hợp các địa phương xây dựng và tham mưu Chính phủ các chính sách, cơ chế ưu đãi để phát triển du lịch; kêu gọi đầu tư du lịch trở lại như trước khi có dịch… nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đúng tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị.
Tuấn Hải