
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên trao kỷ niệm chương cho đại diện các nước châu Âu tham gia liên hoan phim
Ra đời năm 2009, Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam ngày càng thu hút được sự quan tâm của khán giả trong và ngoài nước. Năm nay, Liên hoan phim tài liệu lần thứ 5 có sự tham gia của 8 nước châu Âu (Wallonie-Bruxelles – Bỉ, Đức, Thụy Điển, Pháp, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Anh) và Việt Nam, diễn ra từ ngày 5 - 14/6 tại Hà Nội và từ ngày 10 - 29/6 tại TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương Phạm Thị Tuyết nhấn mạnh: phim tài liệu cung cấp cái nhìn chân thực sinh động nhất về cuộc sống, nhờ vậy phim tài liệu có khả năng thu hút được mọi tầng lớp, mọi thế hệ và các dân tộc khác nhau trên thế giới. Qua phim tài liệu, công chúng yêu điện ảnh làm quen và hiểu thêm nền văn hóa của các dân tộc. Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam sẽ tiếp tục mang đến cho công chúng yêu điện ảnh tài liệu đa dạng về các góc độ cảm nhận, về hiện thực cuộc sống, quan điểm sáng tác, phong cách thể hiện trong các bộ phim tài liệu, đưa tới cho khán giả một thế giới điện ảnh vẫn còn nhiều bí ẩn và cần khám phá.
Điểm nhấn của Liên hoan phim lần này là mỗi tối sẽ có một bộ phim tài liệu châu Âu và một bộ phim tài liệu Việt Nam được trình chiếu. Các nhà tổ chức liên hoan phim mong muốn giới thiệu tới người hâm mộ phim Việt Nam và quốc tế sự sinh động của phim tài liệu đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Đặc biệt, tại Liên hoan phim tài liệu năm nay, Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam giới thiệu tới công chúng chùm phim tài liệu đặc sắc của Bỉ gồm: “Trà hay điện”,“ Bruxelles-Kigali”,“ Một mùa hè với Anton”,“ Nỗi niềm thuộc địa”. Các bộ phim này đều gặt hái được nhiều thành công và đoạt nhiều giải thưởng quốc tế.
Liên hoan tiếp tục mang đến cho công chúng những bộ phim với nhiều đề tài đa dạng, trong đó các bộ phim Việt Nam đề cập tới những vấn đề xã hội như chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong “Chuyện dài ở bệnh viện” hay các khía cạnh khác nhau của vấn đề giáo dục trong “Chữ trên sóng” và “Bản đồ tư duy - Hành trình kết nối”. Lần đầu tiên, các bộ phim tài liệu đến từ các nước Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Myanmar, Campuchia và Philippines) cũng được trình chiếu. Hai bộ phim được trình chiếu trong đêm khai mạc là “Người thả chiều vào tranh” (Việt Nam) và “Một mùa hè với Anton” (Bỉ).
Trong khuôn khổ tuần Liên hoan phim, nữ đạo diễn Jasna Krajinovic (Bỉ) - đạo diễn của bộ phim "Một mùa hè với Anton" (đã được trao "Giải thưởng Lớn" của Ban Giám khảo chuyên nghiệp của liên hoan phim quốc tế về nhân quyền tại Paris và nhận được Giải đặc biệt tại "Gặp gỡ phim tài liệu quốc tế tại Montreal") sẽ hướng dẫn một khóa tập huấn với các nhà làm phim chuyên nghiệp và sinh viên điện ảnh tại Hãng Phim Tài liệu và Khoa học trung ương.
Hạ Tinh