Tôi đã được nghe kể câu chuyện khá thú vị trước khi bắt đầu đặt những bước chân của mình lên tận đỉnh cao 1800m, chạm Cổng Trời và dừng chân ở Sân Mây: Ngày xưa, khi đất trời vẫn còn giao nhau bằng những cơn mưa và sấm chớp, một đôi rồng yêu nhau cứ lo đùa giỡn, không biết rằng cơn hồng thủy đang diễn ra, để rồi nước tràn mạnh, vây tỏa đôi rồng, chỉ có rồng đực thoát được bay về trời, còn rồng cái bị nhấn chìm, sau hóa đá, mãi mãi ở trên đỉnh núi cao của dãy Hoàng Liên Sơn. Vì thế núi có tên Hàm Rồng. Tuy nhiên, một số hướng dẫn viên du lịch ở Sapa lại giải thích rằng khi lên tận đỉnh núi, nhìn Hàm Rồng sẽ thấy nó giống hàm của một con cá mập, nhưng cá mập không thể lên tận đỉnh núi mà hóa đá, nên người ta gọi đó là cái đầu rồng… Để rồi, khi đến tận cùng của ngọn núi Hàm Rồng, lưng đẫm ướt mồ hôi, từ Cổng Trời nhìn lên trên cao, trong mây vờn là đỉnh núi với hình dáng đầu rồng đang ngước nhìn như tìm kiếm bạn tình, tôi thật sự thỏa lòng với chuyến đi của mình.
Đi bộ theo con đường bên trái Nhà thờ Sapa khoảng hơn 100m là tới cổng đường lên Hàm Rồng. Điều thú vị là bạn phải đi theo những bậc cấp để tận hưởng cảm giác leo núi. Những bậc thang được thiết kế ẩn hiện bằng loại đá thạch anh đặc trưng ở Sapa, tạo ra những rãnh nhỏ giúp khách không bị trượt chân. Ngay dưới chân núi, có dịch vụ cho thuê dép với giá 5000 đồng để khách leo núi. Dọc đường đi, chúng tôi bắt gặp những hàng nước, hàng bán đồ lưu niệm và một khu bán hàng ăn với các món đặc sản nơi này như chim nướng, gà bản quay, thắng cố… Đi một đoạn rẽ ngang thì sẽ gặp vườn lan. Mặc dù khi chúng tôi tới vườn lan chưa nở, nhưng chỉ cần nhìn ngắm vườn lan với hơn 400 loại ở lưng chừng núi đã cảm thấy thú vị rồi. Tại đây có một khoảng sân rộng để du khách thỏa sức ngắm Sapa, có thể nhìn thấy rõ thành phố xinh đẹp ẩn hiện. Dừng chân uống một tách trà nóng, để cho mồ hôi lắng xuống lại tiếp tục cuộc hành trình.
Cứ thế mà đi, mà nhìn ngắm ruộng bậc thang do khu du lịch dựng lên cho khách chụp ảnh, cả những thảm hoa bung nở nhờ bàn tay con người. Dẫu có vài chỗ con người tạo ra cảnh quan, nhưng Hàm Rồng vẫn mang vẻ riêng mà không một ngọn núi nào có được. Tại điểm dừng chân thứ hai là ngôi nhà sàn, ở tầng trên biểu diễn ca nhạc phục vụ khách. Đây là một chương trình nghệ thuật khá ấn tượng, mang sắc màu văn hóa của đồng bào Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó… với độc tấu kèn lá, đàn môi, các điệu múa gợi cảm và kết thúc là nhảy sạp cùng du khách.
Đá ở Hàm Rồng rất đẹp và lạ, chúng nằm bất cứ nơi nào trên lối đi, rất đỗi tình cờ, nhiều hình dạng và có màu đen trộn với màu đỏ bầm, màu nâu. Có thể nói, chính những tảng đá ở Hàm Rồng đã góp phần tạo nên cảnh quan xinh đẹp của ngọn núi trên dãy Hoàng Liên Sơn này.
Nhìn vào những tấm bảng chỉ đường lên Cổng Trời 1, rồi Cổng Trời 2, khách cứ len theo con đường đi qua những vách đá, cảm giác như đang đi lên trời. Không gian se lạnh và rất dễ chịu. Rồi òa vỡ thật sự trong mây vờn sau khi thoát qua một khe đá, ở đó là một bãi đất rộng, nhiều cây anh đào đang trụi lá, sẽ tạo ra một rừng hoa vào mùa xuân. Một thảm cỏ xanh xén thành chữ “Hàm Rồng” cho biết bạn đã vượt qua độ cao 1500m. Trên cao kia mây đang vờn, một mõm đá lộ ra đầu con rồng trong chuyện kể đang ngước lên trời như chờ đợi người bạn năm xưa quay lại.
Tới Hàm Rồng nhất định phải tới Sân Mây. Lý do gọi là “Sân Mây” vì nơi đây khi thời tiết lạnh mây vờn quanh bạn, khiến bạn cảm thấy như đang cùng với mây đùa giỡn. Con đường đến Sân Mây rẽ bên trái là con đường hẹp lách qua ngách đá, khiến du khách có cảm giác như sắp bước vào một hang động nào đó, hoặc có cảm giác đang đi lạc đường. Thế rồi con đường tam cấp nhỏ hiện ra, leo lên hơn chục bậc là gặp Sân Mây. Ở nơi này là độ cao hoàn hảo để du khách chụp ảnh khoe với bạn bè mình đã lên tận đỉnh núi vờn mây. Sau lưng, Sapa đang chùng trong sương khói.
Khuê Việt Trường
Tạp chí Du lịch tháng 8/2018