Nghi lễ khai ấn đền Trần diễn ra tại Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần – Chùa Tháp (tỉnh Nam Định) với nhiều điểm nhấn mới. Ngay từ chiều, mọi cung đường xung quanh khu vực đền Trần đã đông đúc gấp nhiều lần ngày thường. Để bảo đảm an toàn cho lễ hội và du khách, Ban Tổ chức đã bố trí 5 vòng an ninh cùng với nhiều hàng rào sắt. Cụ thể, hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ Công an, Dân quân tự vệ… bố trí tại hơn 30 chốt đã được huy động thường trực 100% quân số tại các khu vực quanh đền Trần.
Đúng 22 giờ 20 phút, nghi lễ dâng hương tưởng nhớ đến công lao của các vua quan nhà Trần đã được tổ chức trang trọng, thể hiện sâu sắc truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định, đồng chí Phạm Duy Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Nam Định đã báo cáo trước anh linh của các vua Trần về ý nghĩa và giá trị văn hóa to lớn của việc duy trì tổ chức Lễ hội khai ấn đền Trần nhằm tiếp bước mỹ tục tốt đẹp của cha ông cầu cho nhân dân sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt…
Tiếp đó, nghi lễ rước kiệu ấn được tổ chức với sự tham gia của hơn 200 người đại diện Hội Người cao tuổi, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân phường Lộc Vượng. Lễ rước kiệu ấn bắt đầu từ sân đền Cố Trạch qua cổng chính rẽ trái, đi vòng quanh bờ hồ, vào cổng chính đền Thiên Trường và đặt kiệu trước ban thờ Trung Thiên.
Vào lúc 23 giờ 15 phút, lễ khai ấn được thực hiện trang nghiêm trong nội cung đền Thiên Trường theo nghi thức truyền thống và được bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng công an, cảnh sát cơ động. Sau khi nhà đền dâng sớ khai ấn, 14 cụ cao niên phường Lộc Vượng và đại diện một số ban, ngành được mời vào nội cung chứng kiến nghi lễ và đóng dấu khai ấn 14 cánh ấn bằng giấy màu vàng. Ngay khi các nghi lễ khai ấn được hoàn tất, vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 5/2, đền Trần đã mở cửa cho nhân dân và du khách thập phương vào thắp hương, thực hiện các nghi thức tâm linh. Vào lúc 5 giờ sáng ngày 5/2, Ban Tổ chức đã tiến hành phát ấn cho nhân dân và du khách.
Thông tin với phóng viên Tạp chí Du lịch, ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban Quản lý di tích đền Trần - Chùa Tháp, Phó trưởng Ban Tổ chức lễ hội cho biết: “Năm nay Ban Tổ chức lễ hội tiến hành phát ấn tại 4 điểm gồm: 3 nhà Giải Vũ và Nhà trưng bày Đền Trùng Hoa”.
Để tránh tình trạng một số đối tượng lợi dụng sự tín nhiệm, tin yêu của du khách để trục lợi cá nhân, ông Bình cũng khuyến nghị nhân dân và du khách thập phương không nhận ấn ở bên ngoài khuôn viên đền và ngoài 4 điểm quy định trên. Như mọi năm, Ban Tổ chức sẽ phát ấn cho du khách thập phương đến hết tháng Giêng, đáp ứng đầy đủ nguyện vọng cho nhân dân khi về với đền Trần.
Được biết, Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Quý Mão 2023 tổ chức từ ngày 1 đến 6/2 (tức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng). Trong đó, ngày 1/2 (tức ngày 11 tháng Giêng) tổ chức lễ rước kiệu Ngọc Lộ; ngày 2/2 (tức ngày 12 tháng Giêng) tổ chức lễ rước Nước - tế Cá. Ngày 4/2 (tức ngày 14 tháng Giêng) tổ chức lễ Khai ấn. Ngày 6/2 (tức ngày 16 tháng Giêng) tổ chức tế lễ tiết Thượng nguyên, tế tiên tổ Vương triều Trần và thực hiện lễ dâng chúc văn hoàn cung.
Trong các ngày lễ hội, tại quần thể di tích đền Trần sẽ diễn ra nhiều hoạt động như múa lân, múa rồng, múa sư tử, hát chèo, chầu văn… để phục vụ nhân dân và du khách. “Điểm mới của Lễ hội năm nay là Ban tổ chức đã khôi lại một số nghi thức, tập tục truyền thống như: Rước kiệu Ngọc Lộ của Hương tức mạc, rước nước-tế cá, nghi ấn khai ấn theo truyền thống...”, ông Nguyễn Đức Bình cho biết thêm.
Theo quan sát của phóng viên Tạp chí Du lịch, sau ba năm không tổ chức để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, năm nay, Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Quý Mão được tổ chức trở lại. Lực lượng an ninh trật tự, công an đã tập dượt và lên kế hoạch đảm bảo an toàn, an ninh. Trong ngày diễn ra lễ Khai ấn đền Trần, công tác đảm bảo an ninh được chú trọng với 5 vòng an ninh, 30 chốt bảo đảm an ninh. Nhờ đó, Lễ hội khai ấn đền Trần năm 2023 đã khắc phục rõ ràng những tồn tại của lễ hội trước đây. Cụ thể: quang cảnh của khu di tích, lối đi, hành lang sạch sẽ trong không gian di tích cổ. An toàn giao thông và phân luồng. Tình trạng ùn tắc chỉ xảy ra trong chốc lát, và được lực lượng chức năng kịp thời chấn chỉnh. Đặc biệt, do công tác an ninh được thắt chặt nên tại Lễ hội khai ấn đền Trần năm 2023 không xảy ra tình trạng ném tiền vào kiệu rước hay cướp lộc như trước.
Tuy nhiên, dù được khuyến cáo về tình trạng trạng xô đẩy, mất cắp tài sản và lực lượng an ninh bảo vệ nghiêm ngặt nhưng vẫn có hiện tượng “móc túi” xảy ra, nhiều du khách bị mất điện thoại, giấy tờ...
Lễ khai ấn đền Trần năm 2023 tiếp tục khẳng định ý nghĩa nhân văn lớn lao lễ hội là cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, khơi dậy niềm tự hào về Hào khí Đông A sáng ngời của quân dân Đại Việt ba lần đại thắng quân Nguyên - Mông xâm lược nhưng đã có sự đổi mới, khác biệt.
PV