Lễ hội "Rước chúa Gái"
Thứ tư, 08/02/2006 | 12:10 GMT+7
Trong chuyến khảo sát khu vực đền Hùng và phụ cận, chúng tôi đã tới thăm đình làng Triệu Phú (trước đây là đình làng Trẹo) thuộc thôn Triệu Phú, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Đình thờ các vua Hùng, cùng các vị thần Cao Sơn, Viễn Sơn, Ất Sơn và 2 công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa (con gái vua Hùng Vương thứ 18). Tại đây, chúng tôi được nghe người trông coi đình kể về lễ hội rước chúa Gái tổ chức vào ngày 8 tháng giêng hàng năm rất độc đáo.
Tương truyền, công chúa Ngọc Hoa là con vua Hùng thứ 18 rất xinh đẹp. Vua cha đã cho dựng lầu kén rể ở lầu Tiên Cát (cửa sông Bạch Hạc). Hai chàng trai tài giỏi nổi tiếng nhất khi ấy là Sơn Tinh (thần núi) và Thủy Tinh (thần sông) đã đến thi tài để cầu hôn công chúa Ngọc Hoa. Cuối cùng, Sơn Tinh thắng cuộc và được đón Ngọc Hoa về làm vợ. Lễ rước dâu được tổ chức theo phong tục dân tộc với nghi lễ trọng thể. Sau khi lấy Sơn Tinh được ít lâu, nhân dịp Tết, Ngọc Hoa xin phép chồng về mừng tuổi bố mẹ và thăm hỏi anh em. Sơn Tinh thấy nàng lâu không trở về liền trở lại núi Nghĩa Lĩnh đón. Trên đường về, đến ngã ba đường rẽ đi thành Văn Lang để về núi Nghĩa Lĩnh, công chúa Ngọc Hoa bèn ngồi lại trên hòn đá cạnh cây hương (đầu làng Vi) không chịu đi nữa. Tản Viên dỗ mãi không được liền vào thôn nhờ dân làng giúp đỡ. Dân làng mừng rỡ cùng nhau ra đón Ngọc Hoa công chúa và bày ra các trò vui để làm cho công chúa vui như: trò gánh các bó lúa vừa chạy vừa reo, trò những người cầm cày, bừa, dao, cuốc vừa đi vừa lắc, giơ cao, phần lớn là những thứ đã hư hỏng, những người khéo nói thì kể chuyện cười, người đi săn, đánh cá cũng mang đồ nghề đi theo.... Quả thực, khi xem xong những trò diễn, công chúa đã vui vẻ cùng chồng là Tản Viên Sơn Thánh về nơi núi Tản sông Đà. Từ đó, vợ chồng Tản Viên - Ngọc Hoa đã giúp dân trị thủy, trồng cấy lúa nước, xây dựng cuộc sống ấm no cho dân. Để tưởng nhớ công chúa xưa, nhân dân làng Vi Cương đã lập bàn thờ ngay tại cây hương nơi Ngọc Hoa ngồi nghỉ chân và hàng năm tổ chức lễ hội rước chúa Gái.
Lễ hội “Rước chúa Gái”, trước kia có tên là “Lễ hội làng He”. Chúa gái là nhân vật quan trọng nhất của lễ hội. Trước khi tổ chức lễ hội khoảng 1 tuần là cuộc lựa chọn người làm chúa Gái. Chúa Gái phải là một cô gái đẹp nhất, được lựa chọn từ một trong hai làng Vi Cương (Làng Vi) và làng Triệu Phú (Làng Trẹo). Sau khi được lựa chọn, chúa Gái sẽ được bố trí ở tại một nơi riêng biệt có 3 “nữ tỳ” phục vụ cho đến ngày diễn ra lễ hội. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, chúa Gái được rước trên kiệu. Từ đình Cả (Đình Cổ Tích) rước qua đồng Hạ, thôn Triệu Phú, vòng qua cây hương, thôn Vi Cương. Chúa Trai đi bộ sau kiệu, đến cây hương thì hạ kiệu và diễn trò “Bách nghệ khôi hài”. Đội diễn trò “Bách nghệ khôi hài” mặc quần áo nhiều màu đi trước. Dẫn đầu trò là một người vác cây mía to, trên ngọn buộc một bó lúa gọi là “Lúa thờ”. Tiếp sau đó là những người hóa trang theo các nghề nghiệp riêng của mình. Người đi câu vác sào dài, đầu sào buộc lủng lẳng cái bánh chưng. Người đi săn vác một ngọn giáo bằng cả một đoạn tre to vót nhọn. Người làm ruộng vác theo các công cụ như cày, bừa, cuốc, cào... làm bằng gỗ hoặc tre to quá cỡ bình thường và có cả những người đeo mặt nạ đầu trâu, đầu bò đi theo... Tiếp đến, kiệu chúa Gái được rước đến cầu cáp để chúa Gái xuống mảng qua sông…
Đây thực sự là một lễ hội hấp dẫn. Tuy nhiên, do đời sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn nên lễ hội không được duy trì đều hàng năm.... Lễ hội dân gian độc đáo này có nguy cơ mai một nếu không có sự quan tâm thích đáng của Nhà nước và của các ngành chức năng ở địa phương.
Nếu lễ hội này được tổ chức đều hàng năm, được thông tin tới du khách gần xa chắc chắn sẽ lôi cuốn du khách, góp phần bảo tồn lễ hội văn hóa dân gian, phát triển du lịch ở khu vực đền Hùng nói riêng và Phú Thọ nói chung.
ANH TUẤN