Thực tế cho thấy phát triển du lịch (cũng như phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế khác) thường đi kèm với những tác động tiêu cực đến môi trường. Do vậy, để phát triển bền vững phải lồng ghép các yêu cầu và giải pháp về bảo vệ môi trường, ngay từ khâu lập quy hoạch, xây dựng các chiến lược phát triển đến triển khai các dự án cụ thể.
Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2002.
Mục tiêu chung của đất nước phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp. Chúng ta phát triển trong điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng yếu kém, thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học và công nghệ hạn chế, hiện trạng môi trường đang bị ô nhiễm; nên trong nhiều trường hợp chúng ta buộc phải đánh đổi nhiều giá trị, lợi ích về môi trường để thực hiện các mục tiêu kinh tế trước mắt. Đây là thách thức lớn nhất đối với môi trường nước ta, vì khi đã xảy ra theo chiều hướng này thì việc khắc phục sẽ rất tốn kém, thậm chí trong nhiều trường hợp là không thể khắc phục được.
Để hạn chế suy thoái môi trường, chủ động phòng ngừa và kiểm soát các tác động xấu tiềm tàng do tăng trưởng nhanh về kinh tế - xã hội trong thời kỳ CNH - HĐH, hướng tới phát triển bền vững đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 tại Quyết định số 256/2003/QĐ - TTg ngày 2 tháng 12 năm 2003.
Mục tiêu của Chiến lược Những định hướng đến năm 2020:
- 80% cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc ISO 14001.
- 100% đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.
- Hình thành và phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải để tái sử dụng, phấn đấu 30% chất thải thu gom được tái chế.
- 100% dân số đô thị và 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.
- Nâng tỷ lệ đất có rừng che phủ đạt 48% tổng diện tích tự nhiên của cả nước.
- 100% sản phẩm hàng hoá xuất khẩu và 50% hàng hoá tiêu dùng nội địa được ghi nhãn môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14021.
Một số mục tiêu đến năm 2010: - 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.
- 50% các cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc ISO 14001.
- 40% các khu thị, 70% các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; thu gom 90% chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ; xử lý trên 60% chất thải nguy hại và 100% chất thải bệnh viện.
- Cải tạo 50% các kênh mương, ao hồ, đoạn sông chảy qua đô thị đã bị suy thoái nặng.
- 95% dân số đô thị và 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
- Phục hồi 50% các khu vực khai thác khoáng sản và 40% các hệ sinh thái đã bị suy thoái nặng.
- Nâng tỷ lệ đất có rừng che phủ đạt 43% tổng diện tích đất tự nhiên
- Nâng tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch đạt 5% tổng năng lượng tiêu thụ hàng năm.
- 100% sinh vật biến đổi gen nhập khẩu vào Việt Nam được kiểm soát.
Để hoàn thành mục tiêu của chiến lược, các Cấp, các Ngành cần quan tâm thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm: phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm và suy thoái môi trường; thống kê và từng bước xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khuyến khích áp dụng công nghệ sạch và sản xuất sạch hơn; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý chất thải; khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng; thực hiện các dự án khắc phục và cải tạo các điểm, vùng, khu vực bị ô nhiễm và suy thoái nặng; giải quyết hậu quả do ô nhiễm chất độc màu da cam đi - ô - xin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh; bảo vệ và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường các khu vực trọng điểm; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Phát triển ngành du lịch và chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia
Hoạt động phát triển du lịch đồng nghĩa với việc gia tăng lượng khách du lịch tới các địa điểm tham quan du lịch, tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và gia tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên…, từ đó dẫn đến sự gia tăng áp lực đến môi trường. Tại nhiều khu vực, do tốc độ phát triển quá nhanh của hoạt động du lịch vượt ngoài khả năng và nhận thức về quản lý nên đã tạo sức ép lớn đến khả năng đáp ứng của tài nguyên và môi trường, gây ô nhiễm cục bộ và nguy cơ suy thoái lâu dài.
Hoạt động du lịch làm tăng áp lực về chất thải sinh hoạt, đặc biệt ở các trung tâm du lịch, góp phần làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước. Lượng chất thải trung bình từ sinh hoạt của khách du lịch khoảng 0, 67 kg chất thải rắn và 100 lít chất thải lỏng/khách /ngày. Đây được xem là nguồn gây ô nhiễm lớn đến môi trường ở những khu vực, nơi mà năng lực xử lý chất thải còn hạn chế.
Cùng với việc tăng số lượng khách, nhu cầu nước cho sinh hoạt của khách du lịch tăng nhanh (trung bình tối thiểu khoảng 100 - 150 lít /ngày đối với khách du lịch nội địa, 200 - 250 lít /ngày đối với khách quốc tế so với 80 lít /ngày đối với nhu cầu sinh hoạt của thị dân), góp phần làm suy giảm trữ lượng và tăng khả năng ô nhiễm các nguồn nước ngầm, đặc biệt ở khu vực ven biển. Vấn đề này sẽ càng trở nên nghiêm trọng vào mùa du lịch. Bên cạnh đó, hiện tượng xe du lịch tập trung chuyên chở khách đến các trung tâm đô thị du lịch gây nên tình trạng ách tắc giao thông và làm tăng đáng kể lượng khí thải vào môi trường. Ngoài ra, lượng khí CFCs thải ra từ các thiết bị điều hoà nhiệt độ của hệ thống khách sạn cũng có tác động không nhỏ đến môi trường không khí.
Đối với tài nguyên sinh vật: Nhiều cảnh quan đặc sắc, hệ sinh thái nhạy cảm, đặc biệt ở vùng ven biển, hải đảo và ở các khu bảo tồn tự nhiên, vườn quốc gia bị thay đổi hoặc suy giảm cùng với việc phát triển các khu du lịch mới. Điều này có thể nhận thấy qua sự phát triển các khu du lịch trên đảo Cát Bà, khu Hùng Thắng, đảo Tuần Châu (Hạ Long) … Đa dạng sinh học bị đe doạ do nhiều loài sinh vật, trong đó có cả những loài sinh vật hoang dã quý hiếm như san hô, đồi mồi… bị săn bắt phục vụ nhu cầu ẩm thực, đồ lưu niệm, buôn bán mẫu vật… của khách du lịch. Ngoài ra, chu trình sống (di trú, kiếm ăn, mùa giao phối, sinh sản) của động vật hoang dã ở các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia cũng bị tác động do lượng khách tập trung đông.
Hoạt động du lịch cũng gây những tác động tiêu cực khác: Nhiều giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc vốn rất nhạy cảm của cộng đồng các dân tộc thiểu số dễ bị biến đổi do xu hướng thị trường hoá hoặc sự tiếp thu thiếu chọn lọc những nét văn hoá mới khi tiếp xúc với khách du lịch. Điều này đã và đang xảy ra ở một số khu vực như Sa Pa, Đà Lạt, Hội An…
Để hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần thực hiên thành công Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, ngành Du lịch cần chú trọng đến các giải pháp cụ thể:
- Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định tại Quy chế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tại Quyết định số 02/QĐ - BTNMT ngày 29 tháng 7 năm 2003.
- Nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện từng bước các cơ chế chính sách về ưu tiên miễn giảm hoặc không thu thuế trong thời gian nhất định với các hình thức đầu tư cho bảo vệ môi trường du lịch; khuyến khích ứng dụng các công nghệ làm giảm tiêu thụ năng lượng, nước sạch và tái sử dụng chất thải trong các cơ sở dịch vụ du lịch; khuyến khích và hỗ trợ phát triển các loại hình du lịch thân thiện với môi trường, đặc biệt là du lịch sinh thái.
- Lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào các hoạt động phát triển của Ngành, đặc biệt thực hiện đánh giá tác động môi trường trong công tác quy hoạch phát triển du lịch .
- Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
- Khuyến khích phát triển du lịch bền vững, du lịch sinh thái bằng cách áp dụng “chính sách tiêu thụ xanh” và thực hiện quản lý tiết kiệm năng lượng ở các nhà hàng, khách sạn; quản lý chất thải với chiến lược 3R: reuse (tái sử dụng), reduce (giảm xả thải), recycle (tái chế)…
Cuối cùng, ngành Du lịch cần nghiên cứu phát triển chương trình đào tạo mới nhằm tăng cường hiểu biết về các đặc trưng văn hoá, thiên nhiên, để đào tạo nên các thế hệ quản lý kinh doanh du lịch mới.
TS. TRƯƠNG MẠNH TIẾN
Vụ trưởng Vụ Môi trường