Di sản văn hóa – lực hút hấp dẫn của Du lịch Hà Nội
Theo số liệu thống kê, Hà Nội là địa bàn có số lượng di tích lịch sử nhiều nhất toàn quốc với 5.316 di tích (trong đó khoảng 1.151 di tích đã được xếp hạng quốc gia, 929 di tích cấp thành phố). Di tích Hà Nội đa dạng về chủng loại, phong phú về loại; chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu cho các giai đoạn lịch sử, là một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc, tiêu biểu như khu di tích thành cổ, khu di tích Cổ Loa, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, đền Ngọc Sơn, chùa Kim Liên, chùa Tây Phương, Văn Miếu – Quốc Tử Giám…, đặc biệt là Hoàng thành Thăng Long – di tích đã được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới.
Hệ thống các bảo tàng cũng là một trong những điểm mạnh của Hà Nội, cả về số lượng, chủng loại cũng như chất lượng. Các bảo tàng đã được du khách quan tâm và đánh giá tốt là Dân tộc học, Lịch sử Quân sự, bảo tàng Hồ Chí Minh, Mỹ thuật, bảo tàng Đường Hồ Chí Minh… Những công trình mới đi vào hoạt động chắc chắn cũng là những bổ sung rất đáng kể như: bảo tàng Hà Nội, làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Gắn bó chặt chẽ với hệ thống di tích là những lễ hội truyền thống với những quy mô, hình thức khác nhau nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của một làng, xã hay cả một vùng rộng lớn, tiêu biểu như: chùa Hương (Mỹ Đức), Đống Đa (Đống Đa), chùa Thầy (Quốc Oai), chùa Tây Phương (Thạch Thất), chùa Bối Khê (Thanh Oai), chùa Trăm Gian (Chương Mỹ)…
Hà Nội cũng là địa phương rất phong phú và đặc sắc về các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và sinh hoạt văn nghệ dân gian, trên cơ sở lao động sáng tạo qua bao thế hệ, cũng như tiếp thu và phát triển các loại hình từ vùng khác du nhập về đất kinh kỳ. Ngoài những loại hình đã nổi tiếng, được vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới như ca trù, xẩm, hát văn… còn phải kể đến rối nước, hát dô, chèo tàu, trống quân, hò cửa đình, múa hát bài bông…
Văn hóa vật thể và phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội còn có thể được tìm thấy ở mọi chỗ, mọi nơi, từ kiến trúc, chữ viết cổ (đặc biệt là các văn bia như 82 bia đá thời Lê – Mạc ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Di sản Tư liệu thế giới), không gian văn hóa làng nghề, văn hóa ẩm thực đến phong tục tập quán, tín ngưỡng, lối sống, kinh nghiệm sản xuất…
Nhiều địa danh văn hóa đã trở thành “điểm đến du lịch” hấp dẫn. Nhiều hoạt động văn hóa đã trở nên không thể thiếu trong chương trình du lịch Thủ đô. Những cái tên như phố cổ, Hoàn Kiếm, hồ Tây, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, bảo tàng Dân tộc học, bảo tàng Lịch sử Quân sự, Bát Tràng, Vạn Phúc, Đường Lâm, rối nước, phở, nem, chả cá… đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều trong các sách hướng dẫn du lịch cũng như trong các chương trình tour mà các công ty du lịch chào bán và phục vụ du khách. Du khách đã trở thành nguồn khách (cũng là nguồn thu) chủ yếu của các điểm đến văn hóa. Du lịch cũng tạo thêm nhiều việc làm (trực tiếp và gián tiếp). Các di sản văn hóa thực sự là “lực hút” hấp dẫn cho ngành Du lịch, đóng vai trò quyết định làm cho sản phẩm du lịch của Hà Nội ngày càng phong phú, đa dạng và có bản sắc riêng.
Định hướng phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Nội trong du lịch
Tuy nhiên, việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội. Ngoài các điểm đến và các hoạt động văn hóa được giới thiệu và biết đến nhiều, còn rất nhiều các địa điểm, di tích, hoạt động và sản phẩm khác chưa được “phát lộ”. Những địa danh rất hấp dẫn, độc đáo như chùa Đậu với 2 pho “tượng táng” của 2 thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, đình cổ Chu Quyến, làng cổ Đông Ngạc, Cự Đà, nhiều làng nghề giàu tiềm năng như Phú Vinh, Chuôn Ngọ, Hạ Thái… những bộ môn nghệ thuật truyền thống như: ca trù, chèo, xẩm…, vốn quý về võ thuật cổ truyền, và ngay cả Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, thành Cổ Loa… cũng chưa được tổ chức, quảng bá và giới thiệu rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước. Nói cách khác, chúng ta còn “bỏ sót” nhiều tài nguyên di sản văn hóa rất quý giá. Hiệu quả khai thác kinh doanh và quảng bá du lịch, các điểm đến đã được đưa vào khai thác cũng còn những bất cập, hạn chế…
Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, tuy nhiên có hai nguyên nhân không thể không nhắc đến, đó là nhận thức và hành động. Từ nhận thức chưa đầy đủ về các mối quan hệ biện chứng giữa bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển du lịch (ở các cấp, các ngành, từ cấp lãnh đạo đến cộng đồng dân chúng địa phương) dẫn đến việc chưa có những hành động cần thiết một cách thích hợp và có hiệu quả.
Trong giai đoạn phát triển mới, với bản “Quy hoạch phát triển Du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được UBND Thành phố phê duyệt, định hướng phát triển xuyên suốt của ngành Du lịch Thủ đô sẽ là phát triển du lịch văn hóa dựa trên nền tảng các giá trị di sản văn hóa nghìn năm văn hiến, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng chủ đạo, từ đó phát triển các loại hình khác như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí…
Ở góc độ quản lý ngành Du lịch Hà Nội, chúng tôi xin đề xuất một số định hướng bước đầu trong việc phát huy các giá trị di sản văn hóa trong phát triển Du lịch Hà Nội, đó là:
Trước hết, cần xác định rõ nhận thức và quan điểm về mối quan hệ biện chứng và tương hỗ giữa di sản văn hóa và du lịch, giữa khôi phục – bảo tồn – giới thiệu các di sản văn hóa truyền thống dân tộc với phát triển du lịch; từ đó có định hướng chỉ đạo từ thành phố đến cơ sở để phát huy các giá trị di sản văn hóa trong phát triển Du lịch Hà Nội.
Xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch văn hóa phù hợp với Quy hoạch phát triển Du lịch Hà Nội nói riêng và Quy hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội của Hà Nội nói chung một cách hợp lý, khả thi, làm cơ sở cho các kế hoạch, dự án đầu tư phát triển được phân kỳ theo từng giai đoạn. Đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp có liên quan, trong đó nòng cốt là sự hợp tác chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch – Đầu tư, Tài chính; giữa các ngành này với các quận, huyện, thị xã dưới sự quan tâm chỉ đạo thống nhất của UBND Thành phố.
Phải tạo dựng sự hợp tác, gắn kết rộng rãi giữa các điểm đến văn hóa với các doanh nghiệp du lịch. Nhận thức của các điểm đến văn hóa nói chung về vai trò, vị trí của ngành Du lịch trong việc góp phần khôi phục, bảo tồn và giới thiệu văn hóa truyền thống còn hạn chế. Mặt khác, các doanh nghiệp du lịch cũng chưa thực sự quan tâm tìm hiểu, đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới dựa trên khai thác giá trị đích thực của các điểm đến văn hóa, chủ yếu vẫn là tận dụng một vài điểm đến đã có “thương hiệu”. Đây cũng là trách nhiệm của ngành Văn hóa – Du lịch và Công thương trong việc chủ động tăng cường hợp tác, phối hợp liên ngành và hợp tác công – tư một cách hiệu quả, nhằm định hướng và tạo tiền đề thuận lợi cho sự kết nối giữa điểm đến văn hóa với doanh nghiệp du lịch.
Bảo đảm hài hòa lợi ích mang lại từ phát triển du lịch văn hóa. Điểm đến văn hóa nói chung và những người trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào các hoạt động văn hóa ở đó phải được thụ hưởng một cách xứng đáng hơn những lợi ích mang lại từ du lịch. Đối với các điểm đến văn hóa có phí vào cửa thì đơn giản hơn nhưng đối với những điểm đến khác như làng cổ, làng nghề, võ đường… thì đây là bài toán cần được phối hợp giải quyết thỏa đáng, hài hòa, không cứng nhắc. Có như vậy thì phát triển du lịch mới thực sự gắn với bảo tồn văn hóa, đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo của Đảng, Nhà nước và TP. Hà Nội.
Huy động tối đa nguồn nhân lực địa phương. Đây vừa là giải pháp tốt cho nhu cầu sử dụng lao động, vừa góp phần quan trọng gắn kết người dân tại các điểm đến văn hóa với du lịch, góp phần tăng thu nhập từ du lịch cho nhân dân địa phương. Tuy nhiên, phải có sự hỗ trợ của Nhà nước cùng với các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư trong việc đào tạo, bồi dưỡng nghề du lịch cho người dân ở đây. Các kỹ năng nghề cần chú trọng đào tạo là đón tiếp, hướng dẫn tại chỗ và phục vụ ăn nghỉ, vận chuyển (trong phạm vi điểm đến văn hóa và phụ cận): kỹ năng trình diễn và giới thiệu tài nguyên và sản phẩm du lịch bản địa; các hoạt động biểu diễn văn hóa – nghệ thuật; kỹ năng bán hàng; kỹ năng giao tiếp và văn hóa ứng xử…
Nghiên cứu, đầu tư, xây dựng các loại hình, sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp để đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường hiệu quả khai thác kinh doanh du lịch và tăng thu nhập trực tiếp cho người dân tại các điểm đến văn hóa. Chẳng hạn, liên kết tổ chức các hoạt động sản xuất và bán đồ lưu niệm phù hợp tâm lý, thị hiếu và xu thế mua của khách, có tính đặc trưng cho mỗi điểm đến, hoặc phát triển hình thức lưu trú tại nhà dân (homestay), kết hợp tham quan điểm đến văn hóa với các hoạt động du khác ở đồng quê, dã ngoại, gắn với các tour “du lịch nông nghiệp”, “du lịch trang trại”, “du lịch tín ngưỡng”, “du lịch kết hợp nâng cao sức khỏe”…
Khuyến khích doanh nghiệp du lịch đầu tư trực tiếp vào các điểm đến văn hóa hoặc khu vực lân cận để phát triển du lịch văn hóa cũng như các loại hình du lịch khác. Nên nghiên cứu ban hành những cơ chế thích hợp để thực sự thu hút đầu tư (về đất đai, thuế, nghĩa vụ nộp ngân sách thời gian đầu và những ưu đãi khác…) thực sự tạo nên sự hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch với điểm đến văn hóa một cách triệt để và bền vững nhất.
ThS. Mai Tiến Dũng
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)