Ở Mỹ có thi “Cưỡi bò” ngay quảng trường Times, New York. Bò vừa “ngơ ngác” ra khỏi chuồng là các vận động viên chuyên nghiệp nhảy phóc lên cưỡi. Bò lập tức nổi giận, tìm cách hất tung người cưỡi. Thường chỉ vài phút là vận động viên “rớt đài”.
Còn đua bò ở Bảy Núi, An Giang thì khác hẳn. Đông vui, nhộn nhịp, hào hứng nhưng đầy tính nhân văn. Lễ hội đua bò An Giang sử dụng cùng lúc hai thứ tiếng: Việt – Khmer; được tổ chức vào dịp lễ Sena Dolta, còn gọi là lễ cúng Ông Bà, từ 29/8 – 1/9 âm lịch. Đây là lễ hội quan trọng, chỉ sau tết Chol Chnam Thmay (15 – 17/4) của người Khmer. Có năm lễ hội kết hợp với “Những ngày hội thể thao văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ”. Người Khmer sống rải rác khắp Nam Bộ; nhiều nhất ở Sóc Trăng, Trà Vinh nhưng đua bò lại xuất phát từ vùng Bảy Núi, An Giang. Văn hóa người Khmer gắn liền với chùa, trong chùa luôn có trường học và chỗ ở cho thanh niên xuất gia rèn luyện trước khi trưởng thành. Các chùa sở hữu nhiều ruộng đất nên thường thuê người lo việc đồng áng. Sau mùa thu hoạch, chùa hay tổ chức nhiều trò vui để tạ ơn trời đất, tri ân những người đã khuất, trong đó có đua bò, ban đầu nhằm động viên nông dân chăm sóc bò tốt, bò khỏe cho năm sau, cũng là dịp người và bò cùng vui vẻ sau một mùa lao động vất vả, chia sẻ cực nhọc. Dần dần, các chùa lân cận đua với nhau và ngày càng mở rộng. Năm 1991 cuộc đua được nâng lên thành lễ hội cấp tỉnh, tổ chức luân phiên hàng năm ở chùa Ta Miet xã Lương Phi, huyện Tri Tôn và chùa Thmit xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên.
Từ sáng sớm, dòng người nhộn nhịp, náo nức đổ về chùa. Ai cũng nói cười hớn hở, đi bằng đủ thứ phương tiện; đến sớm để tìm chỗ đứng. Đi trễ, hết chỗ, có khi phải leo lên nóc xe, nóc nhà hay ngọn cây. Ai đi xa cũng gắng về thăm quê và xem đua bò. Ai bận việc cũng ráng sắp xếp để đi xem bằng được. Nhân vật chính của cuộc đua là bò - từng cặp một - loài bò đực, thường là bò lai màu trắng hoặc vàng - to - khỏe - thiện chiến. Bò đua cũng là bò cày nhưng được tuyển chọn kỹ lưỡng. Trước cuộc đua vài tháng, bò được nghỉ ngơi, tẩm bổ và huấn luyện theo chế độ đặc biệt, từ cỏ non, giá đậu đến soda, bia trộn mật ong và trứng gà. Bò còn được massage, “xông hơi”, tắm rửa sạch sẽ, nghe nhạc thư giãn… Rồi tập chạy, tập kéo nặng để tăng cường thể lực. Bò được ngủ mùng chống muỗi và côn trùng, có khi còn đi xe hơi hoặc ghe từ các vùng lân cận về tranh tài.
Trường đua là khu đất giống sân bóng đá nhưng rộng gần gấp đôi, phải xăm xắp nước và bốn bề có “bờ bao” làm khán đài. Cánh phóng viên có kinh nghiệm thường mặc quần short, đi chân trần hoặc đi dép nhựa, biết chọn vị trí đắc địa để né bùn, tránh nước và săn ảnh đẹp. Nhiều người Khmer vùng giáp biên ở Campuchia cũng rủ nhau qua Việt Nam xem đua bò.
Không giống đua bò các nước, hoặc đua ngựa - voi - chó - cừu…; đua bò ở An Giang thi từng đôi một. Từng đôi kéo bừa, loại bừa Nam Bộ bằng gỗ, được cách tân dùng để đua, có hình chữ T ngược. “Nài” đứng trên thân ngang. Một tay cầm dây thừng điều khiển, một tay cầm “Salun” - loại roi mây dài chừng 8 tấc, đầu gắn đinh nhọn để “thúc” bò. “Nài” phải là dân trong nghề, tập luyện và trải nghiệm còn hơn cả diễn viên xiếc. Từng đôi bò đều có số, trước thân dọc buộc miếng vải làm cờ đua. Muốn giành chiến thắng, từng đôi bò phải vượt qua 5 trận đấu quyết liệt, gay cấn. Giải thưởng cũng rất nông dân, thường là xe gắn máy, tivi, đầu máy… và một ít tiền mặt.
Trên đường đua, hai đôi bò có thể vượt nhau nhưng không được chơi xấu. Mỗi vòng đua là mỗi khác lạ, đem đến nhiều ngạc nhiên lý thú cho người xem. Cái hay của cuộc đua là chẳng cay cú ăn thua, không thắng vẫn cười vui, chúc mừng đối thủ. Bò đua cứ vô tư thi thố, rất “fairplay”. Tàn cuộc, lãnh thưởng xong, người và bò lại trở về cuộc sống thường nhật, tiếp tục cày cấy và vui vẻ hẹn lại năm sau. Chẳng bò nào bị giết như các lễ hội khác.
Thiết nghĩ lễ hội đua bò An Giang phải được đầu tư nâng cấp thành lễ hội đua bò quốc gia; sản phẩm độc đáo, “không đụng hàng” của ngành Du lịch Việt Nam. Các trường đua nên mở rộng “khán đài” để đón người xem đông hơn và có khu vực riêng cho du khách. Bên cạnh nội dung đua bò như lâu nay, lễ hội nên có các cuộc thi “Hoa hậu bò”, “Bò thông minh”, “Bò guiness”... Ban tổ chức nên mạnh dạn mời các tỉnh trong cả nước và các nước Campuchia, Thái Lan… cùng tham dự. Tôi tin chắc lễ hội đua bò Việt Nam sẽ cực kỳ sôi động, hấp dẫn; không chỉ giàu truyền thống mà còn đầy tính nhân văn.
Mỹ Văn
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)