Số lượng, loại hình sản phẩm văn hóa mang hàm lượng kỹ thuật và công nghệ cao ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của con người trong xã hội hiện đại. Kinh doanh văn hóa nghệ thuật trở thành một ngành đầy triển vọng. Có thể thấy, trong một nền kinh tế thị trường thực sự việc có một thị trường văn hóa là tất yếu khách quan.
Ở những giai đoạn đầu của lịch sử nhân loại, hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật với tư cách là những hoạt động tinh thần thường không bị lệ thuộc vào các mục đích vật chất và thực dụng. Người nghệ sỹ làm ra tác phẩm hoàn toàn xuất phát từ sự thôi thúc của nội tâm, từ những rung cảm thẩm mỹ cá nhân. Do vậy, mỹ học phương Đông cũng như phương Tây cổ đại đều coi hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực rất thiêng liêng và tôn quý. Sản phẩm văn hóa khi đó mang tính chất độc đáo, đơn nhất, hoàn toàn khác với tính chất sản phẩm hàng loạt của sản xuất vật chất.
Cùng với sự hình thành và phát triển của nền kinh tế thị trường, hoạt động sáng tạo văn hóa dần trở thành một hoạt động sản xuất văn hóa, bởi sản phẩm văn hóa muốn được lưu thông rộng rãi trên thị trường phải được nhân bản hàng loạt, phải có cách thức để phổ cập rộng rãi đến công chúng. Sản phẩm văn hóa dần trở thành một loại hàng hóa chịu sự chi phối của người tiêu dùng (người đọc, người xem, người thưởng thức...).
Thị trường văn hóa cũng chịu sự chi phối, điều khiển của các quy luật khách quan như: quy luật giá trị, quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh. Các quy luật này sẽ thúc đẩy chất lượng, hiệu quả, năng suất sản xuất văn hóa, lực lượng sản xuất văn hóa, tạo ra lực hút đối với các nguồn lực xã hội và duy trì sự cân bằng của thị trường. Đặc biệt, quy luật cạnh tranh có vai trò tích cực đối với phát triển thị trường văn hóa. Thực tế cho thấy, ở đâu thiếu cạnh tranh hoặc có nhiều biểu hiện độc quyền thì ở đó có sự trì trệ, bảo thủ, kém phát triển, thiếu năng động.
Tuy nhiên, khác với các loại thị trường khác, thị trường văn hóa mang tính đặc thù rất cao. Sản phẩm văn hóa là loại hàng hóa đặc biệt, không thể tính toán, đo lường giá trị, như các hàng hóa thông thường khác. Có những sản phẩm văn hóa được định giá rất cao trên thị trường (tác phẩm hội họa, đồ tạo tác mỹ nghệ, cổ vật…) và cùng với thời gian, giá trị này có thể còn tăng lên nhiều lần. Các sản phẩm văn hóa thể hiện không chỉ mặt vật chất, mà còn các mặt tinh thần, tri thức, tình cảm, khả năng thẩm mỹ, sức sáng tạo của một dân tộc. Chính nhờ giá trị văn hóa ẩn giấu bên trong các sản phẩm văn hóa mà cùng với thời gian nhiều sản phẩm văn hóa ngày càng trở nên có giá trị.
Trong xu thế phát triển của thế giới hiện nay, nhiều quốc gia ngày càng chú trọng khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Theo định nghĩa của UNESCO, công nghiệp văn hóa là ngành công nghiệp sáng tạo, sản xuất và khai thác khía cạnh thương mại của văn hóa, bao gồm sản phẩm văn hóa và dịch vụ văn hóa. Ở đây cần phân biệt hai khái niệm “tính chất thương mại của văn hóa” và “văn hóa mang tính thương mại”. Khái niệm đầu chỉ thuộc tính khách quan của hoạt động sản xuất văn hóa trong cơ chế thị trường, khái niệm sau chỉ phương thức hoạt động mà mục đích tối thượng là thu về lợi nhuận tối đa cho người sản xuất và kinh doanh văn hóa.
Vào những năm 90 của thế kỷ 20, các nước Anh, Hoa Kỳ, Australia, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản đều coi công nghiệp văn hóa là chiến lược mới trong điều chỉnh kết cấu ngành nghề của thế kỷ 21. Nước Anh có công nghiệp sáng tạo, Hàn Quốc có công nghiệp nội dung, Hoa Kỳ nổi tiếng với công nghiệp giải trí, Hồng Kông phát triển công nghiệp dựa trên bản quyền... Đặc biệt, Trung Quốc những năm gần đây rất chú trọng thúc đẩy sáng tạo văn hóa, nâng cao sức mạnh mềm của văn hóa quốc gia, coi sản nghiệp văn hóa là “cánh” để nền kinh tế cất cánh, là sản nghiệp hạt nhân của kinh tế tri thức. Theo quan điểm hiện đại, công nghiệp văn hóa bao gồm các lĩnh vực chủ chốt như: truyền thông, thiết kế, thời trang, sản phẩm tương tác, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, phim ảnh, nghệ thuật thị giác..., trong đó nhấn mạnh hai yếu tố “công nghiệp” và “sáng tạo”.
Công nghiệp văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng và phát triển thị trường văn hóa. Nhờ có công nghiệp văn hóa mà ngày càng có nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa được lưu thông, thực hiện trên thị trường. Theo UNESCO, giá trị của sản phẩm văn hóa thể hiện trong thương mại toàn cầu đã tăng gấp 3 lần trong thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước. Năm 1997, doanh thu của kinh đô điện ảnh Hollywood (Hoa Kỳ) đạt 30 tỷ USD. Ở Hồng Kông, 85% thu nhập quốc dân là thu từ nguồn dịch vụ giải trí, truyền hình và quảng cáo. Năm 2007, ở Canada, công nghiệp văn hóa đã đóng góp 46 tỷ USD vào GDP và thu hút hơn 600.000 lao động.
Hiện nay, ở Việt Nam đang dần hình thành một thị trường văn hóa. Có thể kể đến một số loại hình sản phẩm và dịch vụ văn hóa đã bước vào sân chơi của thị trường văn hóa và đạt được những thành công nhất định như: nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, xuất bản, truyền thông, di sản văn hóa, du lịch… Đã xuất hiện những hãng phim tư nhân, các công ty giải trí, các gallery, công ty lữ hành, các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, giải trí hoạt động khá hiệu quả.
Tuy nhiên, nếu thị trường văn hóa không được điều tiết, quản lý tốt sẽ có những mặt trái tiêu cực như: dễ thương mại hóa các giá trị đạo đức và đời sống tinh thần; cạnh tranh cao có thể dẫn đến độc quyền; không quan tâm tới các dịch vụ văn hóa công thu được ít lợi nhuận; không chú trọng tới những tầng lớp xã hội chịu thiệt thòi…
Để khắc phục những mặt trái đó của cơ chế thị trường, với đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta đã cố gắng bên cạnh việc phát huy vai trò tích cực của cơ chế thị trường nhằm thúc đẩy sức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ văn hóa, đã luôn nỗ lực điều chỉnh, dẫn dắt thị trường bằng các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, nhằm đảm bảo sự bình đẳng trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của đông đảo quần chúng nhân dân.
Nhà nước có thể điều tiết thị trường văn hóa thông qua định hướng về nội dung, tư tưởng theo đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; quản lý thị trường bằng pháp luật; điều chỉnh thị trường qua các công cụ kinh tế vĩ mô như: chính sách thuế, tài chính (cấp vốn lưu động, tài trợ, đặt hàng...) hay tín dụng (vay vốn ưu đãi), đất đai, hoặc chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa cho những đối tượng đặc biệt trong xã hội. Ngoài ra, Nhà nước cũng có thể giữ vai trò cân đối cung - cầu ở tầm vĩ mô, đảm bảo những cân đối cơ bản trong những lĩnh vực quan trọng đối với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Để hình thành và phát triển một thị trường văn hóa thực sự đòi hỏi chúng ta phải có những thay đổi căn bản trong thể chế văn hóa, trong phương thức quản lý văn hóa, trong vấn đề bản quyền tác giả... nhằm tạo hành lang pháp lý, tạo các cơ chế, chính sách phù hợp để thị trường văn hóa được rộng mở, các nguồn lực được khai thông, các tiềm năng văn hóa được phát lộ, các ngành công nghiệp văn hóa có cơ hội phát triển.
Thị trường văn hóa là nơi diễn ra quá trình tương tác giữa bên cung và bên cầu, trong đó các sản phẩm, dịch vụ văn hóa được lưu thông và thực hiện tuân theo các quy luật của kinh tế thị trường. Các vấn đề cốt lõi như “sản xuất cái gì”, “sản xuất như thế nào”, “sản xuất cho ai” đều được thực hiện thông qua thị trường. Thị trường văn hóa bao gồm các thành tố chính: người sản xuất văn hóa - sản phẩm văn hóa - người tiêu dùng văn hóa. Như vậy, hoạt động sáng tạo văn hóa không còn là hoạt động cá nhân thuần túy của người nghệ sỹ nữa, mà đã nối liền với toàn bộ xã hội thông qua trung gian thị trường. |
PGS.TS. Từ Thị Loan
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)