 |
Lễ hội làng sen - tháng 5 trên quê hương Bác Ảnh: Từ Thanh |
Năm 2006, ngành Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức các lễ hội văn hoá du lịch lớn. Quảng Nam được Chính phủ chọn tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề: “Quảng Nam - một điểm đến hai Di sản thế giới”. Các hoạt động của Năm Du lịch Quảng Nam được chia theo 5 chuyên đề: du lịch hội mùa xuân gắn với lễ công bố Năm Du lịch; du lịch sông nước và làng nghề truyền thống; Hội An – cảm xúc mùa hè; du lịch khám phá văn hoá các dân tộc và đường Hồ Chí Minh huyền thoại; Chu Lai - hành trình vùng đất mở. Các hoạt động sẽ diễn ra trong không gian mở từ hai Di sản Văn hoá thế giới, khu kinh tế mở Chu Lai, đến những làng quê, làng nghề truyền thống, những danh lam thắng cảnh của Tỉnh. Khép lại Năm Du lịch Quảng Nam 2006 là lễ hội mừng năm mới 2007 và lễ kỷ niệm 10 năm tái lập Tỉnh tại đô thị cổ Hội An vào cuối tháng 12.
Không có nhiều lợi thế phát triển du lịch như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhưng Bà Rịa - Vũng Tàu lại hội đủ những gì quý báu mà thiên nhiên ban tặng. Đó là những bãi biển trắng sóng, rực nắng và sự đa dạng sinh học ở các khu bảo tồn thiên nhiên hiếm hoi còn tồn tại. Để quảng bá về những tiềm năng du lịch vốn có, thu hút du khách, Tỉnh đã quyết định tổ chức Festival biển Bà Rịa - Vũng Tàu từ ngày 11/4 đến 15/4/2006. Trong thời gian diễn ra lễ hội, du khách sẽ được tham dự nhiều chương trình văn hoá, văn nghệ, thể thao đặc sắc như thi điêu khắc đắp tượng cát; thi hoa hậu biển Việt Nam; thi hát về Bà Rịa - Vũng Tàu, lướt ván, đua ca nô, đua thuyền truyền thống, lặn biển, thả diều nghệ thuật, triển lãm ảnh nghệ thuật trên đường phố…
Festival Huế 2006 sẽ được tổ chức vào tháng 6/2006 với chủ đề "700 năm Thuận Hoá - Phú Xuân - Huế, Di sản Văn hoá với hội nhập và phát triển”. Festival vẫn gồm 2 chương trình chính: chương trình IN có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước, quốc tế và chương trình OFF có tính cộng đồng gồm các hoạt động lễ hội, trò chơi dân gian truyền thống phục vụ quảng đại quần chúng.
Một sự kiện quốc tế lớn sẽ diễn ra ở Việt Nam vào tháng 11/2006 là Hội nghị Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Tham gia Hội nghị có 21 nền kinh tế thành viên, 3 tổ chức quan sát viên và đông đảo các nhà báo quốc tế. Với vai trò Chủ tịch APEC 2006, Việt Nam sẽ tổ chức khoảng 60 hội nghị, hội thảo lớn nhỏ trong năm tới với sự tham dự của hàng chục vạn lượt khách mời. Đây sẽ là cơ hội để ngành Du lịch đón được lượng lớn du khách quốc tế và khẳng định tính chuyên nghiệp trong việc phục vụ các sự kiện quốc tế lớn.
Việc tổ chức các lễ hội du lịch không chỉ tạo điều kiện cho các địa phương thu hút du khách, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo ra các sản phẩm du lịch mới mà còn mang lại những lợi ích kinh tế thiết thực cho cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, theo đánh giá của du khách và các nhà nghiên cứu, có nhiều lễ hội còn trùng lặp về cách xây dựng nội dung, hình thức thể hiện, thiếu dịch vụ cao cấp dành cho du khách nước ngoài. Hy vọng, trong thời gian tới, các sự kiện du lịch lễ hội ở Việt Nam sẽ được tổ chức khoa học, chuyên nghiệp hơn để lễ hội du lịch thực sự trở thành sản phẩm du lịch mang dấu ấn riêng của Việt Nam; tạo được ấn tượng sâu sắc cho du khách.
THÁI HÀ