“Tháng bảy vía cha, tháng ba vía mẹ”, câu thành ngữ quen thuộc ấy gợi nhớ du khách và những tín đồ theo đạo mẫu trên khắp Việt Nam cùng hành hương về Cố đô Huế để dự lễ hội điện Huệ Nam hay còn gọi là điện Hòn Chén.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng thờ Mẫu phía Bắc xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 16 thờ Vân Hương Thánh Mẫu, trong khi tín ngưỡng thờ Mẫu ở Thừa Thiên – Huế suy tôn Thánh mẫu Thiên Y A Na nguyên là nữ lần Po Narga (Nữ Thần Mẹ xứ sở) của người Chăm. Đến khoảng năm 1953 khi Đức Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại đưa Thánh Mẫu Vân Hương vào thờ trong điện Huệ Nam thì hai dòng tính ngưỡng này mới bắt đầu hội nhập và phát triển.
Cho đến nay, lễ hội điện Hòn Chén vẫn là một hoạt động tín ngưỡng dân gian của tín đồ suy tôn Thánh mẫu Thiên Y A Na. Theo truyền thuyết dân gian Chăm kể lại, nữ thần là con của Ngọc Hoàng sai xuống trần gian, bà có công tạo ra trái đất, cây cỏ và lúa gạo. Nhờ những nét riêng của mình mà điện Hòn Chén hiện nay không chỉ là một danh lam thắng cảnh mà còn là một điểm tham quan văn hóa độc đáo. Đây là ngôi điện duy nhất ở Huế có sự kết hợp giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian.
Tại điện Hòn Chén, lễ hội tín ngưỡng thờ Mẫu được tổ chức long trọng vào tháng 3 và tháng 7 Âm lịch hàng năm. Lễ hội gồm 3 phần: Hành lễ tại Minh Kính Đài, Rước tượng Thánh Mẫu Thiên Y A Na từ chính điện xuống thuyền lớn (hay còn gọi là bằng) và cuối cùng những chiếc bằng theo đuôi chiếc bằng Thánh Mẫu dọc dòng sông Hương từ điện Hòn Chén về làng Hải Cát, TX. Hương Trà để tuần du bốn phương.
Nguồn: Toquoc.vn