Theo các cụ cao niên, lễ hội Cố đô Hoa Lư trước đây có tên là hội Trường Yên, được tổ chức vào ngày 15.2 (âm lịch) hằng năm và chỉ tổ chức ở quy mô cấp xã, tưởng nhớ công lao to lớn của Đinh Tiên Hoàng đế, vị vua đầu tiên lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, lễ hội được tổ chức vào đầu tháng 3 âm lịch hằng năm và đổi tên thành lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư…
Lễ hội năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ 5-7.4.2017, tại Khu Di tích lịch sử văn hoá Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) với nhiều nội dung phong phú, mang đậm nét văn hoá truyền thống và nhiều trò chơi dân gian đậm đà bản sắc dân tộc.
Ông Phạm Ngọc Văn - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VHTTDL Ninh Bình - cho biết: Lễ hội được tổ chức rất phong phú, đặc sắc, hấp dẫn. Riêng phần lễ bao gồm 10 nghi thức, như: Lễ mở cửa đền, dâng hương, rước nước, tiến phẩm, rước kiệu, tế cửu khúc, lễ tạ... Trong đó, lễ rước nước được xem là hoạt động có ý nghĩa và quan trọng nhất, được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, với sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách.
Dẫn đầu là những người mang cờ ngũ sắc các loại, đi hàng đôi. Kế tiếp là phường nhạc bát âm và phường trống. Tiếp đến là một kiệu bát cống lớn, bên trên có đặt hương án và một bình sứ, do 8 nam thanh niên khoẻ mạnh khiêng. Ngay sau kiệu rước này là các vị quan khách, đại biểu các cơ quan, đoàn thể, địa phương. Tiếp đến là những kiệu bát cống có tán, lọng song hành trên vai các trinh nữ, mang các lễ vật. Đoàn người đi sau chỉnh tề hình khối là các bô lão, những đội tế nữ quan của nhiều địa phương và du khách xa gần.
Đoàn rước ra đến bến sông Hoàng Long thì hương án có đặt bình sứ được đưa xuống thuyền nan trước tiên, sau đó vị chủ tế trịnh trọng đọc bản sớ trình xin rước nước, bốn trinh nữ múc nước sông thiêng đổ vào bình sứ, để đưa về đền Vua Đinh làm lễ dâng hương. Vị chủ tế cùng các vị “quần thần” đốt tờ sớ trình thả xuống dòng sông, trống chiêng vang lên cấp tập và đoàn rước lên bờ, trở về đền Vua Đinh theo thứ tự lúc khởi hành. “Lễ rước nước được tổ chức đã đáp ứng được nhu cầu tâm linh của nhân dân cầu mong mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, mùa màng đại thắng, trăm dân vui vẻ, quốc thái dân an” - ông Văn cho biết.
Đưa lễ hội Hoa Lư trở thành Quốc lễ
Cố đô Hoa Lư đã được công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Lễ hội Hoa Lư được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, Cố đô Hoa Lư còn là 1 trong 3 khu vực hợp thành quần thể danh thắng Tràng An, đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - Di sản hỗn hợp đầu tiên ở Đông Nam Á.
Ông Tống Quang Thìn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình - cho biết: Lễ hội Cố đô Hoa Lư là một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh Ninh Bình. “Việc gìn giữ và phát huy giá trị tốt đẹp của lễ hội Hoa Lư là gìn giữ hồn cốt linh thiêng non nước của mảnh đất cố đô ngàn năm. Hướng tới kỷ niệm 1.050 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, thành lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến (quân chủ) trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2018, tỉnh Ninh Bình đang phấn đấu đưa lễ hội Hoa Lư trở thành Quốc lễ” - ông Thìn cho biết.
Trải qua qua bao nhiêu biến thiên của đất trời cùng những thăng trầm của lịch sử dân tộc, Lễ hội Hoa Lư đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc trong đời sống, sinh hoạt, trong nếp nghĩ, cách làm của người dân vùng đất cố đô lịch sử, trở thành sinh hoạt tinh thần giàu bản sắc văn hóa dân tộc.