Lễ được tổ chức trong khuôn viên chùa, tại từng nhà hay nhiều nhà cùng tập trung lại ở một nơi rộng rãi, không có bóng cây che khuất. Lễ vật cúng trăng là những nông sản mà nông dân tự sản xuất, đặc biệt không thể thiếu cốm dẹp được quết từ lúa nếp đầu mùa, nhang đèn, hoa tươi và nước có hương thơm. Tất cả lễ vật được sắp xếp trên bàn, đặt dưới một cổng bằng tre hoặc trúc, có trang hoàng hoa lá, chim muông rất đẹp mắt.
 |
Thả đèn gió |
Mọi người ngồi chắp tay hướng về mặt trăng để chuẩn bị làm lễ. Khi trăng lên cao tỏa sáng, người ta đốt nhang, nến, rót trà và mời một cụ già làm chủ lễ. Cụ khấn vái nói lên lòng biết ơn của đồng bào đối với thần Mặt Trăng, xin thần tiếp nhận những lễ vật do đồng bào dâng và chúc phúc cho loài người, cầu cho mưa thuận gió hòa để mùa màng tốt đẹp. Cúng xong, cụ gọi trẻ em đến gần rồi lấy cốm dẹp và một ít thức cúng khác đút vào miệng các em, tay kia đấm nhẹ vào lưng hỏi ước muốn gì. Những câu trả lời của các em sẽ niềm tin của người lớn vào kết quả vụ mùa năm sau. Vì vậy, lễ cúng trăng còn được gọi là lễ đút cốm dẹp (Oóc om bóc). Sau lễ, mọi người cùng dùng các thức cúng và múa hát, vui chơi các trò chơi dân gian đến khuya mới chấm dứt.
Trong không khí nhộn nhịp của đêm lễ hội, giữa lúc tiếng nhạc ngũ âm đang vang lên rộn ràng, những điệu múa Khmer đang mềm mại, uyển chuyển cũng là lúc đồng bào tổ chức lễ thả đèn gió. Những chiếc đèn gió từ mặt đất bay vút lên, cao và xa trong không trung, ánh lửa vàng lung linh, lấp lánh rơi như những vì sao trên bầu trời. Đèn gió còn gọi là diều gió vì được làm bằng giấy trắng, hình ống, đầu trên kín, bên trong có đốt lửa, to và bay cao như diều. Giống như hầu hết các lễ hội khác của dân tộc Khmer, lễ thả đèn gió cũng mang màu sắc phật giáo, có ý nghĩa tượng trưng dđức phật sau khi hóa thân bay lên cõi trời. Cùng với lễ thả đèn gió, ở một số nơi còn tổ chức lễ thả đèn nước (thường gọi hội hoa đăng) rất long trọng và đẹp mắt.
Đặc biệt, trong ngày này ở một vài địa phương còn diễn ra lễ hội đua ghe ngo - là một môn thể thao vô cùng độc đáo của người Khmer ở miền sông nước Hậu Giang, quy tụ sự tham gia của nhiều phum, sóc và được cổ vũ của đông đảo bà con các dân tộc khác trong vùng. Ghe ngo tiếng Khmer là tuk ngo, làm bằng gỗ, thon dài, không mui, mũi thấp hơn lái nhưng cả hai đều cong vút lên, có sức chứa từ 40 đến 50 chỗ ngồi. Mũi ghe thường chạm đầu một linh vật biểu hiện cho sức mạnh của từng ghe như rắn thần, rồng, phượng, ó biển, voi, sư tử… Thân ghe sơn màu đen, phần be và phần nổi lên mặt nước thường được trang trí các họa tiết, hoa văn Khmer với các màu trắng, vàng, xanh, đỏ. Những mái chèo cũng được sơn cùng màu với ghe.
Trong các đợt đua thường mỗi ghe có khoảng 45 đến 50 người lực lưỡng, mặc đồng phục, ngồi thành 2 dãy song song nhau. ở mũi ghe có một người ngồi chỉ huy, người đánh cồng đứng giữa và cuối ghe là người cầm lái. Người chỉ huy phải thông thạo kỹ thuật, có kinh nghiệm trong việc điều khiển mũi, lái và phối hợp động tác bơi của toàn đội, nhất là khi đua nước rút. Trong cuộc đua, người ta còn hát những bài hát dân gian mang ý nghĩa tình cảm sâu sắc và có nhịp để động viên các tay đua.
Ghe ngo là ghe của nhà chùa, được xem như một vật thiêng, chỉ dùng trong các cuộc đua truyền thống. Trong chùa, ghe được đặt trên những giá gỗ, mũi hướng về phía Đông, bảo quản trong một nhà cao ráo, thoáng mát gọi là Rông tuk. Hàng năm, các chùa đều tổ chức duy tu, bảo dưỡng, trang trí ghe ngo và tập luyện bơi chèo để thi đua lướt sóng.
Ngoài ý nghĩa tôn giáo, tín ngưỡng, lễ cúng trăng cũng là dịp để đồng bào Khmer Nam bộ thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng.
NGUYỄN THỊ MỸ