Lâm Bình là một huyện miền núi thuộc tỉnh Tuyên Quang. Tại đây có tới 12 dân tộc và tộc người sinh sống, trong đó có người Dao Tiền. Dân tộc chiếm phần đông dân số tại đây. Người Dao Tiền ở đây vẫn giữ được truyền thống và bản sắc xưa với nghi lễ cấp sắc.
Lễ cấp sắc được tổ chức cho những người con trai từ 9 tuổi trở lên, để đặt tên âm (tên cúng cơm) - danh xưng sẽ được sử dụng sau khi họ qua đời. Chỉ khi tham gia lễ này, thanh niên Dao Tiền mới được coi là người trưởng thành về mọi mặt: tâm hồn, sức mạnh, tinh thần... để tham gia vào những quyết định của cộng đồng và tổ tiên mới công nhận.
Đây còn là lễ trình báo Tổ tiên biết một thành viên nhập vào dòng họ, có nghĩa vụ nối dõi và làm tròn phận sự của mình. Nếu không được đặt tên dù người đó có sống 100 tuổi thì cộng đồng người Dao Tiền vẫn coi họ chưa trưởng thành. Khi đi ăn cỗ, họ được xếp ngồi mâm trẻ em. Các cô gái không thích và không lấy những người chưa đặt tên, đặc biệt, họ không được phép làm lễ cầu thành hoàng, thổ địa, các vị thánh thần của dân tộc Dao. Khi mất, người đàn ông nào chưa thụ lễ cũng không được đánh trống, chỉ cúng.
Theo niềm tin tâm linh của người Dao Tiền, chỉ qua lễ cấp sắc đàn ông trong làng mới có thể làm "ma ông, ma cha" của người khác. Gia đình nào quá nghèo, không đủ điều kiện kinh tế thì có thể làm lễ muộn hơn cho nam giới trong nhà, miễn là trước khi qua đời.
Lễ cấp sắc của người Dao Tiền là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đan xen với tư tưởng Đạo giáo và Nho giáo đã được "bản địa hóa". Một lễ cấp sắc thường có 2 đến 3 thầy cúng và những người không thuộc trong cùng gia đình với người thụ lễ, có thể là người cùng họ nhưng phải khác nhánh. Trong số các thầy cúng sẽ có 2 vị cúng chính và một vị phụ. Các thầy cúng sẽ mang theo tranh Tam Thanh (vẽ ba vị thần tiên tối cao trong Đạo giáo), tranh múa và trang phục thầy cúng, gậy ma đi cùng. Bàn thờ lễ cấp sắc được dựng tại nhà của người thụ lễ, đặt cạnh bàn thờ tổ tiên. Phía trên ban thờ thần linh treo tranh Tam Thanh và tranh múa.
Hiện nay lễ cấp sắc của đồng bào Dao Tiền tại đây thường cấp 3 đèn, diễn ra 2 ngày 2 đêm. Thầy cấp sắc 3 đèn có 36 quân binh - lực lượng được đưa đến để bảo vệ thầy, chứng kiến và bảo vệ lễ cấp sắc cho học trò. Học trò cấp sắc xong cũng có 36 quân binh giống như thầy.
Chỉ trưởng họ hoặc gia đình giàu có mới làm lễ cấp 7 đèn hoặc 12 đèn, bởi chi phí rất tốn kém. Nhà nào cấp 7 đèn sẽ làm lễ 7 ngày 7 đêm, 12 đèn sẽ làm lễ 12 ngày 12 đêm, lợn cúng nhiều hơn và số lượng thầy cúng sẽ đông hơn. Vậy nên lễ cấp 7 đèn và 12 đèn gần như không còn được duy trì.
Lễ cúng diễn ra làm 2 phần chính. Đầu tiên, thầy cúng gọi tổ tiên của gia chủ về dự. Phần lễ này diễn ra trong 3 tiếng. Những thiếu nữ Dao Tiền sẽ hát phụ trong khi thầy làm lễ cúng. Tiếp đó là lễ cấp sắc gọi thần và binh mã để xin thần công nhận và che chở cho người được cấp sắc. Binh mã sẽ bảo vệ người được cấp sắc khỏi tà ma theo đuổi. Kết thúc phần lễ, gia chủ sẽ mời các thầy và họ hàng dùng bữa để chúc mừng cho người được thụ lễ.
Thành viên trong gia chủ sẽ mặc quần áo truyền thống Dao Tiền để dự lễ và tiếp khách để thể hiện sự tôn kính với thần linh và khách mời. Để tổ chức lễ cấp sắc, các gia đình thường phải chuẩn bị kinh tế trước 1 - 2 năm, lo liệu lương thực, thực phẩm; và nuôi một đôi lợn cúng.
Lễ cấp sắc của người Dao Tiền là một điểm nhấn trong hành trình du lịch tại Lâm Bình - miền đất giàu truyền trống và đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc của Tuyên Quang. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa lễ cấp sắc của người Dao Tiền vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ ngày 22/1/2020.
Nguồn: vnexpress.net