Hầu hết cư dân sống ở tỉnh Pyrenees-Orientales là người Catalonia. Đó là một dân tộc thiểu số của Pháp. Người Catalonia sống ở cả Tây Ban Nha và Pháp, có nền văn hóa riêng và luôn tự hào về truyền thống lịch sử của mình. Người Catalonia có ngôn ngữ riêng, đó là tiếng Catalan, hiện vẫn được sử dụng ở Tây Ban Nha và ở Pháp, nơi có người Catalonia cư trú. Ông Jean là một người Catalonia thứ thiệt, quê gốc và nhiều đời trước của ông đều cư trú tại tỉnh Pyrenees-Orientales. Tuy nhiên, ông Jean lại lấy vợ người Việt. Điều đó khiến tôi tò mò, sống với một người đàn ông xứ Catalonia thì ra sao?
Trước khi cưới An**, người vợ Việt Nam, ông Jean đã từng có hai đời vợ. Vợ đầu tiên của Jean từng sinh cho ông ba đứa con, là một người gốc Catalonia, nhưng có quốc tịch Tây Ban Nha. Người vợ thứ hai là người Pháp thứ thiệt, nhưng ít khi được ông nhắc đến. Jean quen An trong một lần ông sang Việt Nam để ra mắt cuốn sách ông viết về một nhân vật lịch sử người Việt, khi đó An là một nữ phóng viên đến gặp ông để phỏng vấn viết bài. Cú sét ái tình đã giáng trúng Jean. Ông không điều khiển nổi chính mình và trái tim ông run rẩy. Sau đó ông nghĩ ra cách nhờ An làm phiên dịch cho ông trong thời gian ông lưu lại Việt Nam làm việc. Nhờ cách đó mà ông có thể tiếp tục gặp lại người phụ nữ Việt mảnh dẻ và có dáng cam chịu ấy. Không chỉ rung động, ông còn mơ hồ cảm thấy người phụ nữ này đang chịu gánh nặng cuộc đời quá sức, phải gồng mình lên chịu đựng. Ông xót thương An và muốn che chở cho chị.
Trở về Pháp, về lại xứ Catalonia đầy nắng gió biển Địa Trung Hải, ông Jean muốn thử thách tình cảm của mình một thời gian. Ông im lặng, không liên lạc với An để xem chính mình có yêu An thực sự, hay đó chỉ là một cơn say nắng bất thường khi ông đến với miền nhiệt đới ở Việt Nam. Nhưng thời gian càng trôi đi, ông càng nhớ An không chịu nổi. Ông thấy mình biến đổi từng ngày trong nỗi nhớ quay quắt người phụ nữ nhỏ nhắn ấy. Ông trở lại như một cậu bé trong trắng và sôi nổi ngày nào, trong những giấc mơ thường mơ về một cô gái tóc huyền chớm ngang vai dịu dàng và bé nhỏ, cần được che chở và nâng niu. Jean quyết định cho dù phải trả bất cứ giá đắt nào thì ông cũng phải có được người mình thực sự yêu thương.
Jean âm thầm chuẩn bị và li dị người vợ thứ hai, quả nhiên, để li dị được, ông phải chi trả một giá rất đắt, đó là 17 năm liền chu cấp mỗi tháng 1000 Euro cho người vợ cũ. Số tiền này đối với một người về hưu như ông Jean cũng không phải là nhỏ. Sau khi li dị vợ xong xuôi, Jean sang Việt Nam, ăn trực nằm chờ ròng rã ở đây, mong sẽ chinh phục được người phụ nữ ấy. Thời gian dài trôi qua, Jean đã đi mòn gót trên những đường phố Việt Nam, ăn quen những món ăn Việt, đã quen nhiều người bạn Việt, đã khổ sở vì những cơn cảm cúm do khí hậu khắc nghiệt miền Bắc Việt Nam, và điều hạnh phúc nhất đã đến với ông, khi An nhận lời yêu ông và đồng ý về Pháp sống cùng ông.
Người Catalonia là thế, không chỉ cần cù, thông minh trong công việc, không chỉ tự hào là tự thân mình có thể làm được tất cả, người Catalonia còn nồng nhiệt, say đắm và quả cảm khi yêu. Làm thế nào mà một người đàn ông 67 tuổi, lại có thể yêu say đắm, đánh đổi cuộc sống yên lành ổn định ở Pháp, để làm lại từ đầu, để vừa kiên nhẫn, vừa đam mê, đánh thức tình yêu lớn trong tim một người phụ nữ Việt đã 48 tuổi, đã nghĩ rằng cuộc đời mình khép lại, chỉ toàn chịu đựng và chịu đựng khổ đau thôi, thăng hoa thành một tình yêu lớn và trẻ trung đẹp đẽ đến nhường ấy. Jean đã làm được điều kỳ lạ ấy, bởi vì ông là người Catalonia.
Giờ đây, hàng ngày, trong căn nhà cổ ở tỉnh Pyrenees-Orientales, Jean chậm rãi hưởng thụ một cuộc sống hạnh phúc với người vợ Việt Nam. Ông có thói quen uống chè Việt Nam, cà phê Việt Nam, dùng đồ sứ Việt, ăn món ăn Việt và hơn hết là có một người vợ Việt. Những màu sắc và hương vị Việt, thậm chí là thói quen Việt đang ảnh hưởng ngày một lớn hơn lên Jean. Ông thích thú với điều đó và để nó phát triển tự nhiên, để mình thay đổi một cách tự nhiên. Ông cho rằng những ảnh hưởng và biến đổi đó là do tình yêu ông có với An. Mà không chỉ có ông thay đổi, ông cười thú vị bảo tôi rằng, vợ ông, An cũng dần thay đổi khi sống ở xứ Catalonia này. An trở nên kỹ tính vô cùng khi lựa chọn thức ăn, chỉ chọn những đồ thực phẩm bio (Thực phẩm nuôi trồng hữu cơ) dù đắt hơn thực phẩm thông thường. Sức khỏe, sự sống lâu bền là một tiêu chí, là chất lượng sống của người Catalonia. An cũng dùng dầu ô liu trong nhiều món ăn, thói quen đậm đặc chất Catalonia. Người xứ này vô cùng tự hào về giống ô liu thuộc bậc cao cấp nhất của mình, luôn dùng ô liu quết lên bánh mỳ thay bơ. Món bánh mỳ nướng nóng rãy trong lò, lấy ra xát tỏi tươi và rưới dầu ô liu lên được người Catalonia ăn hàng ngày, là món đặc trưng nhất nơi đây. Có lẽ nhờ thức ăn, lối sống lành mạnh, tình yêu say đắm, và khí hậu biển Địa Trung Hải, mà Jean dù đã 76 tuổi, vẫn khỏe khoắn, trai tráng, vẫn lái xe tốc độ cao lượn quanh những sườn núi đưa tôi và vợ ông đi khám phá các di tích trong vùng Catalonia.
An cười bảo tôi, trong lúc Jean lái xe với tốc độ chóng mặt, rằng nếu như ở Việt Nam thì một người 76 tuổi như Jean sẽ bị coi như một ông già, cần có người nâng giấc, chăm sóc hàng ngày, đi lại có khi còn run rẩy. Thế mà ở đây, tại xứ Catalonia này, Jean vẫn lái xe hơi đi hàng trăm ki lô mét mỗi ngày, vẫn tự đi bơm đầy téc nước kéo lên núi tưới cây ô liu trong khu vườn riêng, vẫn tự tay chăm sóc cả vườn hạnh nhân và cherry tại ngôi nhà nghỉ cuối tuần của ông trên sườn núi cách nhà ở chính gần trăm cây số. Jean chẳng bao giờ nghĩ mình là một ông già. Hình như trong từ điển của ông không có từ “già”. Ông cũng rất ghét nếu như có ai đó nhắc nhở ông rằng ông đã già.
An nói, lắm khi thấy chồng leo lên tháp nước để dòng đường ống, hút nước vào téc chở lên núi tưới cây ô liu, chị cũng sợ chồng té và lòng những muốn ngăn ông đừng làm việc nặng. Nhưng rồi chị lại không làm thế, bởi đó là tính cách mạnh mẽ của người Catalonia, những người luôn tin rằng tự mình làm được tất cả, những người không bao giờ chịu già.
Rời xứ Catalonia, tôi chưa trả lời Jean rằng liệu tôi có muốn lấy một người Catalonia làm chồng hay không, nhưng trong lòng tôi ấm áp, bởi câu nói của Jean, rằng tôi có thể trở lại đây bất cứ khi nào, nơi đây luôn có một gia đình mở rộng cửa đón tôi, cho tôi.
(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)
Kiều Bích Hậu
Tạp chí Du lịch tháng 7/2018