Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Trong quý III, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bám sát, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tập trung thực hiện các nhiệm vụ nhằm chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp “từ sớm”, “từ xa” với các địa phương trong công tác quản lý nhà nước, tổ chức các sự kiện lớn của ngành theo hướng tập trung, trọng tâm, trọng điểm, có điểm nhấn và tạo sức lan tỏa lớn; kiên định mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa cơ sở thông qua hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, thể thao và du lịch diễn ra sôi động trong cả nước, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động triển khai nghiên cứu xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; tham mưu Chính phủ ban hành 3 Nghị định, 1 Nghị quyết. Ban hành theo thẩm quyền 10 Thông tư; trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định Chương trình Tổng thể quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2023-2025… Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã trình hồ sơ đề cử UNESCO công nhận vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên Thế giới; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng 5 di tích quốc gia đặc biệt đợt 13; công nhận bảo vật quốc gia đợt 11, năm 2022 cho 27 hiện vật và nhóm hiện vật. Bộ đã ra quyết định xếp hạng 19 di tích quốc gia; công bố 55 di sản văn hóa phi vật thể đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tổ chức nhiều chương trình, hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm mục đích đối ngoại, phục vụ chương trình công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước góp phần quảng bá những giá trị đặc sắc về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao.
Trong lĩnh vực thể dục thể thao, Bộ và ngành Thể dục thể thao tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Chương trình xây dựng nông thôn mới”; Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021-2023 và triển khai các nội dung, nhiệm vụ về phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại trẻ em giai đoạn 2021-2030. Phối hợp tổ chức Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 tại Đà Nẵng; tập trung chuẩn bị lực lượng tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ 4 tại Trung Quốc.
Đội tuyển thể thao người khuyết tật tham dự giải vô địch Cử tạ người khuyết tật thế giới tại UAE giành Huy chương Vàng hạng cân 49kg và 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng. Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự và thi đấu tại ASIAD 19 với thành tích 3 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc, 19 Huy chương Đồng. Phối hợp với các địa phương, liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia tổ chức 69 giải thể thao quốc gia và quốc tế tổ chức tại Việt Nam. Kết quả tham dự các giải thi đấu quốc tế đạt 69 Huy chương Vàng, 48 Huy chương Bạc, 25 Huy chương Đồng. Xe đạp và Bắn súng của Thể thao Việt Nam đã chính thức giành được vé tham dự Olympic 2024 tại Pháp...
Trong lĩnh vực du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1726/QĐ-BVHTTDL ngày 4/7 ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14/7 phê duyệt đề án “Đề xuất một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm”. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực trong tháng 8; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP về việc thực hiện áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ; Nghị quyết số 128/NQ-CP nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với 13 nước được đơn phương miễn thị thực. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm”; “Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030”; Kế hoạch triển khai đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”… Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức, chỉ đạo, phối hợp tổ chức nhiều hội nghị, hoạt động, sự kiện đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch khác. 9 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch quốc tế ước đạt hơn 8,8 triệu lượt; khách du lịch nội địa ước đạt 93,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 536,5 nghìn tỷ đồng.
|
Chia sẻ thêm thông tin về lĩnh vực du lịch, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thuỷ cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa báo cáo Chính phủ đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch đón khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 từ 8 triệu lượt lên con số 12-13 triệu lượt. Phó Cục trưởng Phạm Văn Thuỷ cho rằng con số này là khả thi, bởi theo dự báo, từ tháng 10 năm nay đến tháng 4 sang năm là cao điểm của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
“Một điểm thuận lợi nữa để có thể đạt được mục tiêu này là nhờ những chính sách cởi mở của Chính phủ khi ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP về việc thực hiện áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ; Nghị quyết số 128/NQ-CP nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với 13 nước được đơn phương miễn thị thực cùng các chính sách khác trong hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước...” - Phó Cục trưởng Phạm Văn Thuỷ cho hay.
Đình Phong