Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, sau đại dịch COVID-19 và với tình hình thực tiễn đang diễn ra trên thế giới, thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống của Quảng Ninh đang bị ảnh hưởng lớn. Do đó, ngành Du lịch Quảng Ninh xác định cần phải mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế, khai thác hiệu quả hơn thị trường có tiềm năng khách du lịch lớn. Một trong những thị trường khách du lịch được Quảng Ninh quan tâm, mong muốn phát triển là thị trường khách du lịch Hồi giáo (hiện có khoảng 2,1 tỷ người theo đạo Hồi trên thế giới).
Theo số liệu thống kê của các chuyên gia: Năm 2019 có khoảng 160 triệu khách du lịch Hồi giáo, dự kiến năm 2023 ước khoảng 140 triệu và 2024 ước đạt 160 triệu bằng với năm 2019 và dự báo số khách du lịch Hồi giáo sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Xu thế khách du lịch Hồi giáo chuyển dịch đến du lịch Đông Nam Á ngày càng nhiều trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, với một số dữ liệu về khách Ấn Độ và Hồi giáo đến Quảng Ninh nêu ở trên cho thấy số khách du lịch Hồi giáo đến Quảng Ninh có nhưng chưa nhiều.
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Ninh đã chú trọng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại cả về đường bộ, đường biển, đường hàng không. Hiện nay, Quảng Ninh có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước kết nối Cửa khẩu quốc tế Móng Cái - Vân Đồn - Hạ Long – Hải Phòng – Hà Nội, rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển giữa các điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Quảng Ninh có hệ thống các cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt phục vụ du lịch đưa du khách tham quan Di sản vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, Cô Tô, Vân Đồn và đón khách du lịch quốc tế bằng tàu biển với trọng tải lớn nhất Việt Nam hiện nay. Về đường không có Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn – khách chỉ mất 01 tiếng để đi từ Vân Đồn đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái và 45 phút để đi từ Vân Đồn về Hạ Long.
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh thông tin, du lịch Hồi giáo được xác định là thị trường du lịch tiềm năng, nằm trong nhóm thị trường mục tiêu cần được đẩy mạnh trong giai đoạn tới. Theo ước tính, người Hồi giáo có hơn 1,7 tỉ người, chiếm gần một phần tư dân số toàn thế giới, riêng trong khu vực Đông Nam Á hiện nay có gần 300 triệu tín đồ Hồi giáo. Người Hồi giáo rất thích đi du lịch và là nhóm có chi phí cho du lịch ở mức cao trên thế giới, do vậy các quốc gia luôn dành một sự quan tâm đặc biệt cho nhóm khách này. Theo báo cáo chỉ số Hồi giáo toàn cầu, những năm gần đây số người theo đạo Hồi đi du lịch trên thế giới tăng khá nhanh.
Tại thị trường du lịch Việt Nam, số lượng khách quốc tế theo đạo Hồi đến nước ta còn rất khiêm tốn. Từ năm 2015 (những khách du lịch Hồi giáo đầu tiên đến TP. Hồ Chí Minh) cho đến trước dịch COVID-19, Việt Nam mới đón được khoảng gần một triệu du khách. Hiện nay, du lịch Hồi giáo ở nước ta chưa thực sự được quan tâm, đầu tư đúng mức. Những nhu cầu dành riêng cho khách du lịch Hồi giáo chưa được đầu tư nhiều. Sân bay trên cả nước chỉ có một phòng cầu nguyện cho người Hồi giáo và khu ẩm thực Halal được ra đời tại sân bay Tân Sơn Nhất, hoàn thành vào tháng 12/2022. Tuy nhiên, nơi này không dành cho tất cả khách du lịch phổ thông theo đạo Hồi mà chỉ dành cho 70 khách VIP hạng thương gia là tín đồ Hồi giáo. Con số này chiếm tỉ lệ tương đối ít so với hàng ngàn du khách Hồi giáo mỗi ngày qua lại. Tại TP. Hồ Chí Minh, hiện có 14 thánh đường Hồi giáo, nhưng chỉ có ba thánh đường nằm ở khu vực trung tâm thuận lợi cho khách du lịch cầu nguyện.
Theo đó, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định cần quan tâm phát triển các thị trường mới, có tiềm năng trong đó có thị trường Trung Đông, Ấn Độ… Trong những năm qua, ngành Du lịch Việt Nam cũng tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá hướng tới thị trường Hồi giáo nhằm thu hút khách du lịch từ thị trường này như: tổ chức đón các đoàn FAM trip, Press trip từ các nước Hồi giáo sang tham quan, khảo sát, quảng bá cho sản phẩm du lịch Việt Nam, giao lưu doanh nghiệp du lịch hai nước. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Iran tổ chức đoàn khảo sát gồm doanh nghiệp du lịch Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của Việt Nam sang Iran tham quan, khảo sát sản phẩm du lịch Iran, tìm hiểu văn hóa, đất nước con người Hồi giáo và kết nối doanh nghiệp du lịch hai nước. Tất cả những hoạt động đó đều nhằm góp phần thúc đẩy phát triển thị trường khách du lịch Hồi giáo đến Việt Nam.
Để thu hút thị trường khách du lịch Hồi giáo, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng cần tập trung vào những nội dung sau: (1) Tập trung khai thác thị trường Hồi giáo có khả năng chi trả cao, du lịch dài ngày, đặc biệt chú trọng khu vực Trung Đông bao gồm 16 nước, trong đó Hội đồng các nước vùng Vịnh (GCC) gồm 6 nước Arab Saudi, UAE, Oman, Qatar, Kuwait và Bahrain; (2) Chú trọng khai thác và mở rộng nhà hàng Halal phục vụ nhu cầu ẩm thực cho khách du lịch Hồi giáo; (3) Chú trọng việc xây dựng nơi cầu nguyện dành riêng cho người Hồi giáo ở những khu vực công cộng, nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi giải trí… đảm bảo sự tiện lợi cho khách ở mọi nơi, mọi thời điểm.
Vì vậy để thực sự tận dụng tiềm năng từ những du khách này, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị các cơ quan chức năng, các đơn vị chuyên môn quản lý điểm đến tại địa phương và các doanh nghiệp quan tâm, hợp tác từ đó xây dựng hệ sinh thái mới phù hợp dòng khách du lịch đặc thù này trong tương lai.
Chia sẻ về giải pháp truyền thông thu hút thị trường du lịch Hồi giáo, bà Trần Nữ Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Khách sạn Đông Á cho biết du lịch Hồi giáo (Du lịch Halal) đang có xu hướng dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Những năm gần đây, Việt Nam đã đón tiếp rất nhiều du khách lữ hành quốc tế là người Hồi giáo. Tuy nhiên, thị trường này chưa thực sự được chú trọng, chưa kiến tạo cơ hội phát triển và kêu gọi đầu tư rộng rãi dịch vụ du lịch đặc thù tại các địa phương, điểm đến chính trong cả nước.
Theo đó, để tận dụng được lợi thế nhằm khai thác và giữ chân khách du lịch Hồi giáo, mở ra triển vọng tốt đẹp cho ngành du lịch, công tác truyền thông, marketing điểm đến du lịch sẽ là cầu nối gắn kết, liên hệ đa dạng và chặt chẽ giữa điểm đến và khách hàng tiềm năng. Việc chú trọng, trau chuốt hình ảnh nhưng vẫn đảm bảo thực tế đồng bộ với hình ảnh trong các chiến dịch marketing sẽ đem đến cho khách du lịch cái nhìn chính xác, khách quan, những hình ảnh thiện cảm, kích thích mong muốn tìm hiểu và trải nghiệm. Ngoài ra, cần hướng đến du lịch thông minh, kết hợp công nghệ 4.0; đồng thời phối hợp với các nhà văn hóa du lịch, blogger, KOL’s tại Việt Nam và các bên liên quan, trong đó một bài viết quảng bá hình ảnh đến từ các blogger du lịch nổi tiếng, đặc biệt là KOL’s (người có sức ảnh hưởng) sẽ tăng niềm tin, tầm ảnh hưởng mạnh hơn so với việc các doanh nghiệp, địa phương tự mình đăng bài trên các trang truyền thông.
Thảo An