
Nghệ nhân Đinh Thạch (Đinh Thẩm) - nghệ nhân cuối cùng của làng mộc Văn Hà
Bói chày
Chuyện kể, thời trai trẻ cánh thợ mộc Văn Hà thường đi khắp nơi trong tỉnh để dựng nhà, đóng đồ gia dụng. Nhiều anh thợ tuy đã có vợ, nhưng vẫn nói dối để tán tỉnh các cô gái chưa chồng. Chủ nhà biết được thường bày ra trò “bói chày” để xác định. Người bị thử phải đi chân đất, cầm mỗi tay một chày giã gạo (loại chày tay, giã được cả hai đầu) để nằm ngang song song với mặt đất, và hỏi: “Có vợ chưa”, nếu có rồi thì lập tức hai cái chày quay đầu cụng vào nhau đánh “bốp” một cái. Nếu chưa vợ thì hai cái chày cứ nằm trơ như không có việc gì.
Xác định tuổi
Tương tự, người ta còn dùng cách trên để xác định tuổi. Nếu muốn biết tuổi của mình, chỉ cần cầm hai cái chày, đứng như tư thế “bói chày”, và hỏi “Tôi bao nhiêu tuổi”, lập tức hai chiếc chày tự va vào nhau, mỗi tuổi một “bốp” cho đến khi đủ số tuổi hiện tại của người thử mới dừng.
Câu chuyện trên do ông Nguyễn Nay, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam ghi lại theo lời kể của những người thợ mộc Văn Hà. Đem hỏi cụ Đinh Thạch (Đinh Thẩm –nghệ nhân cuối cùng của làng mộc Văn Hà), chúng tôi được cụ cung cấp thêm một số thông tin. Khoảng năm, bảy chục năm về trước là thời kỳ hoàng kim của làng mộc Văn Hà. Thời đó, hầu như gia đình nào ở Văn Hà cũng có người làm nghề mộc, với những sản phẩm nổi tiếng như các công trình kiến trúc (nhà rường, đình làng, nhà thờ họ…), đồ gia dụng (bàn, ghế, giường, tủ thờ…). Để làm ra một ngôi nhà gỗ với những đường nét chạm khắc cầu kỳ, tinh tế phải mất hàng năm, có khi vài ba năm mới hoàn thành. Do đó, hàng năm, cứ khoảng sau Tết Nguyên đán, trai làng Văn Hà lại khăn gói tỏa đi các làng quê trong tỉnh, từ Thăng Bình ở phía Bắc ngược lên các huyện Quế Sơn, Tiên Phước thuộc vùng trung du phía Tây và vào các huyện phía Nam Quảng Nam, thậm chí tận Quảng Ngãi. Đến cuối tháng 12 âm lịch, những người thợ ấy lại kéo nhau về quê. Công việc cứ thế, kéo dài từ năm này qua năm khác.
Thực ra, những câu chuyện trên mới chỉ dừng lại ở “chuyện kể”, chúng tôi chưa có dịp kiểm nghiệm thực hư. Tuy nhiên, chuyện “lạ” thứ ba sắp kể sau đây thì hoàn toàn có thật.
Những chiếc bàn tự xoay
Nhắc đến làng mộc Văn Hà là nhắc đến những sản phẩm quen thuộc với cuộc sống của người Quảng Nam, đặc biệt chiếc bàn xoay độc đáo.
Bàn xoay là một vật dụng quen thuộc của các gia đình nông thôn miền Trung, từ Quảng Nam trở vào, dùng để bày biện đồ cúng lễ là chính (ít dùng vào mục đích khác). Theo lời nghệ nhân Đinh Thẩm, đã có rất nhiều chiếc bàn xoay được đóng bởi bàn tay người thợ Văn Hà. Cái độc đáo của bàn xoay Văn Hà là ở chỗ, cứ một hoặc vài ba người đứng xung quanh và úp hai bàn tay lên mặt bàn, trong chốc lát chiếc bàn chuyển động nhẹ và xoay từ từ ngược chiều kim đồng hồ, rồi bàn xoay nhanh dần. Đang xoay nhanh, nếu cùng lật ngửa bàn tay trên mặt bàn thì lập tức mặt bàn xoay theo chiều ngược lại. Và khi hô “dừng” thì chiếc bàn đột ngột dừng lại như chưa hề quay.
Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi còn phát hiện ra rằng, nếu mọi người (hoặc một người) cùng đặt bàn tay phải bàn sẽ xoay theo chiều kim đồng hồ và ngược lại nếu đặt bàn tay trái. Dân gian gọi những chiếc bàn đó là bàn “ma thuật” hay “bàn độc” là vì thế.
Khi chúng tôi đặt vấn đề được “thử” chiếc bàn tại nhà cụ Nguyễn Nãi (thôn 6, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước), một trong vài chiếc bàn cổ còn sót lại ở Quảng Nam, cụ cho biết hơn hai năm trước bàn vẫn còn chạy và chạy rất nhanh, gia đình có ý định bán cho một doanh nghiệp ở Hội An, hai bên đã thống nhất về giá cả thì tự nhiên bàn không quay (cho đến tận bây giờ) khi bên mua đến đặt tiền. Việc mua bán vì thế đã bị hủy. Chị Thiện – cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tiên Phước dặn đi dặn lại chúng tôi tuyệt đối không được nói chuyện mua bán về chiếc bàn.
Thật ngạc nhiên, khi mọi người trong đoàn đặt tay lên mặt bàn, khoảng vài ba phút sau, mặt bàn chuyển động rồi quay nhanh dần. Không biết có phải chúng tôi đến không vì mục đích mua bán?
Trần Văn Dũng