(VTR) - Nằm cách trung tâm đô thị cổ Hội An gần 1km, làng lụa Quảng Nam (số 28 Nguyễn Tất Thành, TP. Hội An) được xem là “bảo tàng sống” về lụa của vùng đất di sản, nơi có nghề trồng dâu, nuôi tằm - ươm tơ, dệt vải, thêu thùa đã từng nổi tiếng khắp trong và ngoài nước... Tại đây lưu giữ các nguồn gen cây dâu, giống tằm, quy trình sản xuất lụa truyền thống, và là điểm du lịch mới mẻ, hấp dẫn.

Là thương cảng khởi đầu của “con đường tơ lụa trên biển” cách đây hơn 300 năm trước, Hội An từng được biết tới với nghề dệt lụa truyền thống đặc sắc, tuy nhiên, trải qua những biến cố thời gian, nghề dệt dần mai một. Đau đáu với nghề truyền thống của quê hương, ông Lê Thái Vũ, Giám đốc Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam, đã lặn lội khắp các huyện đồng bằng, trung du để tìm mua lại các khung nhà rường cổ, khung dệt, xa quay tơ và những công cụ cổ của nghề trồng dâu nuôi tằm. Cũng trong những chuyến đi đó, ông Vũ phát hiện ra những cây dâu cổ thụ của người Chăm đã bị quên lãng trong các cánh rừng heo hút. Một vườn dâu Chăm hơn 40 gốc được hình thành, trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó là những ngôi nhà cổ với các lò ươm tơ, nong kén, khung dệt và bộ sưu tập hơn 70 loại trang phục cổ truyền của người Chăm và người Kinh từ trước đến nay.

Đến với Làng lụa Quảng Nam, du khách có dịp chiêm ngưỡng cảnh các cô gái trong tà áo bà ba thao diễn cảnh cho tằm ăn, đưa tằm lên đuổi để nhả tơ đan kén, hay cảnh tái hiện nghề ươm tơ, dệt lụa trong không gian nhà cổ thanh bình như một bức tranh quê. Trong không gian làng lụa còn có nhà thờ Bà chúa tằm tang Đoàn Quý Phi, Hiếu Chiêu hoàng hậu, người đã có công phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm tại những ngôi làng ven sông Thu Bồn, Vu Gia của xứ Quảng.
Tại Làng lụa Quảng Nam còn có một khu nhà dành cho thiết kế trang phục lụa, các khung thêu, vẽ trên lụa để thỏa mãn nhu cầu may mặc hoặc tự trải nghiệm năng khiếu thêu vẽ của du khách trên chất liệu lụa Quảng Nam. Du khách còn có thể thưởng thức các món ăn dân dã được chế biến từ nhộng tằm như nhộng xào, rượu dâu…

Với ý tưởng hội tụ trí tuệ của các nhà nghiên cứu văn hóa Đàng Trong, đưa Làng lụa Quảng Nam thành nơi hội tụ văn hóa nghề truyền thống, đồng thời là điểm du lịch thu hút với những dịch vụ mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, doanh nhân Lê Thái Vũ đã tổ chức những sự kiện văn hóa, văn nghệ có sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu và những người yêu nghề tơ lụa truyền thống Quảng Nam.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Làng lụa Quảng Nam đã làm sống lại một không gian văn hóa làng nghề truyền thống tại Hội An, khẳng định và tôn vinh những giá trị văn hóa lịch sử trong nghề truyền thống xứ Quảng. Đồng thời, Hội An có thêm một “điểm đến” hấp dẫn để du khách tìm hiểu về nghề cổ truyền và lịch sử văn hóa, cũng là nơi để du khách trải nghiệm một không gian đồng quê yên bình, gợi nhớ tới những phiên chợ phồn vinh, những tấm lụa óng ánh sắc màu của xứ Quảng một thời vang bóng.
PV
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)