Theo các bậc cao niên, tên làng được xuất phát từ 1 nguyên do khá thú vị, đó là một trong số bốn dòng họ đi khai hoang mảnh đất Hải Hậu năm xưa thì dòng họ Phạm chiếm đông dân số nhất, vì vậy người xưa đã kết hợp họ “Phạm” với thế đất của làng khi nhìn từ trên cao xuống giống hệt hình cỗ pháo khổng lồ nên đặt tên làng là “Phạm Pháo” từ đấy.
Phạm Pháo là một xứ đạo lâu đời, được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ 16 cùng với các xứ đạo phía Nam của tỉnh Nam Định như Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng xưa… Giáo xứ Phạm Pháo ngày nay thuộc Giáo hạt Quần Phương – Giáo phận Bùi Chu, ngay từ những năm 1908, xứ đạo Phạm Pháo đã xây dựng ngôi thánh đường khá nguy nga. Cùng khoảng thời gian này, xứ đạo đã thành lập đội kèn đồng mà mọi người hay gọi là đội nhạc “Tây” vì nó vốn du nhập từ phương Tây.
Ban đầu, chiếc kèn đồng đều phải mua từ nước ngoài, nhưng trong quá trình sử dụng lâu ngày cũng có chiếc bị hỏng và mất khá nhiều thời gian, tiền bạc nếu gửi ra nước ngoài sửa chữa, từ đó người chơi kèn đã phải tự mày mò… Khi đã nắm được kỹ thuật sửa kèn, người dân Phạm Pháo tiến thêm một bước khi bắt chước làm kèn, từ đó hình thành nghề làm kèn đồng ở làng quê thuần nông.
Không chỉ thành thạo kèn Tây, người làng Phạm Pháo còn sản xuất được bộ nhạc cụ gồm đủ các loại kèn và cũng là nơi đầu tiên làm kèn đồng ở Nam Định. Mới đầu cũng chỉ có khoảng mươi gia đình trong làng theo nghề làm kèn, nhưng khoảng hơn chục năm trở lại đây khi phong trào thổi kèn ở Nam Định cũng như các tỉnh lân cận phát triển mạnh, có đến 70% các hộ trong làng đã theo nghề làm kèn, hình thành làng nghề làm kèn Tây duy nhất ở Nam Định.
Điểm làm nên nét riêng của kèn đồng Phạm Pháo là hầu hết các công đoạn đều được thực hiện thủ công, không cần đến các thiết bị máy móc hiện đại. Các gia đình ở Phạm Pháo có thể làm đến 15 loại kèn, nhưng được đặt nhiều phải kể đến Clarinet, Saxophone, Trumpet... Kèn Phạm Pháo chỉ thua kém kèn nhập ngoại về độ bóng bẩy nhưng không ảnh hưởng tới chất lượng âm thanh và được nhiều người sử dụng đánh giá cao về chất lượng.
Hàng ngày, những chiếc kèn đồng được chế tác với nhiều chi tiết phức tạp vẫn được làm ra qua bàn tay của những thợ làng Phạm Pháo. Họ là những nghệ sỹ chân đất với đúng nghĩa của nó, vì đến mùa màng họ vẫn tham gia sản xuất nông nghiệp, nhưng khi trở về xưởng sản xuất họ là những nghệ nhân, nghệ sỹ. Hiếm ở chỗ nào mà nhiều người dân biết thổi kèn đồng như ở làng Phạm Pháo. Theo thống kê sơ bộ, hiện Phạm Pháo có khoảng 1.500 người biết nhạc lý, chừng 1.000 người có thể chơi thành thạo kèn Tây, trong đó có 7 người thuộc thế hệ trẻ đã tốt nghiệp các trường nhạc, góp phần nâng cao trình độ cho các nhạc công.
Vào những ngày thánh lễ tiếng kèn của người dân Phạm Pháo vẫn âm vang. Họ thổi kèn vì tình yêu làng quê, vì tình cảm thiêng liêng với niềm tin trong cõi tâm linh nên âm thanh hòa quyện luôn xúc động lòng người. Với tình yêu và niềm đam mê dành cho nghệ thuật, tiếng kèn của những nghệ sỹ chân đất làng Phạm Pháo góp phần thăng hoa cuộc sống, chắp cánh những ước mơ và lay động mọi tâm hồn.
PV