Thái Vi là ngôi đền linh thiêng nổi tiếng thờ các vị vua triều Trần, đền nằm giữa những ruộng lúa xanh non và quần thể núi đồi trùng điệp. Ngay bên ngoài cổng đền là cây đa tỏa bóng mát và hàng nước nhỏ dưới gốc đa là nơi du khách dừng chân nghỉ ngơi chuyện trò. Ngôi đền nằm giữa không gian hài hòa tươi đẹp, với bên phải là dòng Ngô Giang, bên trái là núi Cối Lĩnh, trước cửa đền có giếng vàng chứa Bạch Ngọc trong vắt. Cảnh non xanh nước biếc ấy khiến du khách nhớ đến câu đối truyền tụng trong dân gian: “Thảo tú sơn liêm vô song thánh địa (Đất thánh đây chỉ có một không có hai)/ Hoa hoàng thủy nhiễu đệ nhất thiên châu (Sông núi quanh co, hoa thơm cỏ lạ, cảnh như cõi tiên, cũng chỉ có một không hai)…
Một trong những điều thú vị đối với du khách là được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa nơi đây. Trong đền, tất cả các cột đều làm bằng những tảng đá xanh nguyên khối cao to, được chạm khắc rất công phu. Đền chính gồm có gian giữa của bái đường, trên cao treo bức hoành phi sơn son thiếp vàng có bốn chữ Hán lớn “Long đức chính trung”. Tiếp đến là ba gian trung đường với hai hàng cột đá tròn được chạm khắc nổi long vân… Qua trung đường vào năm gian chính tẩm có 8 cột đá tròn được chạm khắc nổi: cầm, kỳ, thi, họa. Tại đền Thái Vi còn có một am nhỏ là nơi vua Trần Thái Tông cho lập lên và ở đó tu hành trong những ngày tháng cuối đời. Hàng năm, cứ đến ngày 14/3 âm lịch, lễ hội Thái Vi lại tưng bừng diễn ra nhằm tưởng nhớ công lao của các đời vua Trần, thu hút rất nhiều nhân dân và du khách.
Cụ từ đền Thái Vi không chỉ làm nhiệm vụ trông coi đền mà còn nhiệt tình kể cho du khách nghe những câu chuyện về lịch sử ngôi đền, về thời đại nhà Trần huy hoàng, về ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần… Cụ cho biết, hiện nay trong đến còn lưu giữ một số di tích cổ nhất là nhang án, cột đá, hòm sắt, bàn thờ, gác chuông (xây dựng năm 1689).
Đến đền Thái Vi, thỉnh thoảng du khách có thể được xem nghi lễ hầu đồng ở chính điện, đây là một hình thức diễn xướng dân gian chủ yếu của tín ngưỡng thờ Mẫu (Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do UNESCO trao tặng). Có thể thấy rõ những yếu tố văn hóa truyền thống độc đáo được thể hiện trong buổi lễ hầu đồng, với trang phục, lời ca, điệu múa, diễn xướng dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt được sáng tạo và lưu truyền cho đến ngày nay. Dường như buổi lễ hầu đồng khiến cho không gian tâm linh chốn cửa đền Thái Vi càng trở nên linh thiêng, huyền bí và giàu sức cuốn hút đối với du khách…
Trước khi tạm biệt đền Thái Vi, du khách có thể dành chút thời gian vãn cảnh, ngắm nhìn những chùm mít đang trổ quả trong khuôn viên, ngả lưng trên chiếc võng đung đưa hay đơn giản là bước ra khỏi cổng đền ngắm nhìn cảnh sắc núi non, đồng ruộng xanh ngát…
Phong Vi