Vào giờ nghỉ trưa nên bảo tàng đóng cửa, chúng tôi lên xe đi thăm khu sinh thái Hầm Hô. Chừng vài chục phút chạy xe, trước mặt chúng tôi đã là một khu thiên nhiên mênh mông. Phải nói là đẹp! Để đi dạo, chúng ta có thể tản bộ hoặc dùng thuyền. Từ sáng, với chặng bay Sài Gòn – Quy Nhơn và đoạn đường dài chạy xe dưới cái nắng gắt hệt như trưa hè, chúng tôi quyết định dùng thuyền. Con thuyền độc mộc lướt êm giữa dòng suối nhỏ với hai bên bờ là hệ thực vật tươi mát, xanh rì. Người chèo thuyền, rất thuần thục, giải thích “thuyền chỉ có vô mà không có ra”. Quả thực, với lòng suối nhỏ thế kia, thì hai còn thuyền không thể tránh nhau được… Những hàng cây thân mềm cạnh mé nước chảy lượn lờ theo dòng. Nước trong vắt nhìn thấy cả những viên sỏi dưới lòng suối sâu và những con cá mương bơi lội tung tăng đuổi theo con thuyền. Vào đến bên trong, phong cảnh còn lạ kỳ hơn nữa… Tiếng nước chảy ầm ào sôi sục va vào những tảng đá, những đóa hoa lạ mà tôi không biết tên, nắng lộng lẫy xuyên qua các kẽ lá, lay động trên mặt khách. Phong cảnh hữu tình khiến ta như sống trong mơ... Ngắm nhìn quang cảnh đẹp tựa chốn bồng lai, tôi xúc động khi bồi hồi ngắm nhìn những phiến đá to, đã bị những dòng nước bào mòn trở nên nhắn thín để hiện ra những đường vân khác lạ… Người ta kể rằng xưa kia nghĩa quân Tây Sơn đã từng trú quân tại đây. Tôi tự hỏi phiến đá nào đã ghi dấu chân của họ… Tiếng nước xối ào ào, vang vọng giữa rừng núi non xanh nước biếc mà ngỡ như tiếng reo hò mỗi khi thắng trận của nghĩa quân năm xưa…
Phong cảnh nên thơ cứ níu chân khách lãng du, nhưng tôi nhất định muốn thăm nhà bảo tàng Quang Trung. Trên đường về, lúc này tôi mới có thời gian tĩnh tại để ngắm hai bên đường. Con đường phẳng lì ngoằn ngoèo uốn lượn giữa những cánh đồng, thi thoảng từng đàn trâu bò đủng đỉnh đi trên... đường trải nhựa. Đây đó, những đầm sen hoa nở trắng, thấp thoáng những cặp nam thanh nữ tú đứng chờ nữ chủ nhân ngắt những bông hoa còn chúm chím, tỏa hương thơm ngào ngạt... Tôi ngất ngây!
Mảnh đất Tây Sơn hùng vỹ. Tọa lạc trên một quần thể mênh mông, nhà bảo tàng Quang Trung nằm trên địa phận thị trấn Phú Phong, bề thế, với tượng Anh Hùng Áo Vải cao lừng lững, oai nghiêm giữa sân. Trời đã về chiều, nắng hắt những tia vàng tưới ướt rượt những cành cây ngọn cỏ trong vườn. Anh bạn kiêm luôn hướng dẫn viên kể rằng vào một số ngày trong tuần, các thanh thiếu niên đến khu sân rộng thoáng kia để tập võ, rất đông. Vào ngày lễ hội thì khỏi nói. Khách thăm có thể được mắt thấy tai nghe tiếng trống trận Tây Sơn. Có lẽ, tôi đã không gặp may…! Tôi bồi hồi khi lấy gàu kéo nước lên từ cái giếng rất sâu mà theo dòng ghi chú thì chính từ những nguồn nước này mà Tam Kiệt Bình Định (ba anh em nhà Tây Sơn) đã lớn lên. Dòng nước trong vắt, mát lành gây cảm giác sảng khoái khi tôi vục nước rửa mặt. Bao bụi bặm trần thế phút chốc như tan biến hết. Đâu đó phảng phất đưa đến mùi khói chiều, ấm nồng đầy nghĩa tình…
Trời đã bắt đầu nhá nhem. Ở lại hay ra thành phố Qui Nhơn cách đó gần 50 chục km? Phải quyết định thôi. Hình ảnh thành phố biển yên ắng với ngôi mộ Hàn Mặc Tử dưới ánh trăng mùa vắng khách thu hút tôi. Tôi quyết định lên đường bằng xe mô tô. Đành ngoái lại nhìn chào tạm biệt mảnh đất đã sản sinh ra Anh Hùng Áo Vải… Con đường liên huyện đang sửa, bụi cát mù mịt mỗi khi có xe tô tô vụt qua, khiến khách dùng xe hai bánh phải dừng hẳn lại, bởi không còn nhìn thấy gì... Do bụi!
Dọc đường đi, những cái tên địa phương thật nhộn, khiến tôi không khỏi mỉm cười. Ví như thị xã An Nhơn, rồi Nhơn Phúc, làng sản xuất thứ rượu Bàu Đá có tên là Nhơn Tân, Nhơn Hạnh… Đã thấy kiến bò bụng, chúng tôi dừng lại bên một quán ven lộ còn sáng đèn. Tò mò tôi hỏi “Đây chắc là làng sẽ không mang tên có kèm một chữ Nhơn chứ?” Anh bạn tủm tỉm đáp: “Là làng Nhơn Phúc!” Được bạn đi cùng giới thiệu đặc sản quê mình, chúng tôi dùng món bánh canh. Thật khó có thể nói món này có hương vị như thế nào. Sợi bún thì to gấp mấy lần so với bún ngoài Hà Nội, và sau đó còn có đến năm loại thịt, ăn kèm với rau sống. Tôi thấy ngon, có lẽ một phần do đói. Và có lẽ do được chia sẻ những câu chuyện vui với những người phụ nữ vùng đất võ. Nghe nói, phụ nữ ở xứ này đa phần biết võ và uống rượu giỏi. Nơi đây nổi tiếng với thứ rượu trắng có tên Bàu Đá, tôi đã nhấp thử. Phải nói là mạnh, còn hơn cả rượu làng Vân ngoài Bắc! Đến khé cổ, sau đó lan tỏa đi khắp cơ thể. Ấm nồng thanh khiết. Tôi hình dung những buổi cơm thân mật gia đình chồng vợ, có chút rượu này, chắc sẽ muôn phần rôm rả…
Trăng cuối tuần tối đó đẹp mê mải trên nền trời trong suốt không mây. Đến thăm Hàn Mặc Tử vào đêm trăng sáng vằng vặc nhường ấy thì còn gì thú vị hơn! Nhưng than ôi, cửa đã đóng và anh bảo vệ không muốn khách thăm đánh thức hồn thi sỹ. May có anh bạn bản xứ đi cùng, năn nỉ mãi rồi cũng đến được nơi thi sỹ an nghỉ. Dưới ánh trăng bàng bạc lờ mờ xuyên qua những kẽ lá, nơi an nghỉ của Hàn lãng đãng như mơ như thực. Những câu thơ của Hàn bất chợt ào ạt hiện về “Một mai kia ở bên khe nước ngọc/ Giữa trăng sao…”
Quy Nhơn mùa này vắng khách du lịch, mới hơn 21 giờ mà đường phố đã vắng. Kiếm mãi mới tìm thấy một quán cà phê còn phục vụ. Nhưng chủ quán cũng rục rịch như muốn những vị khách đêm mau ra về. Bãi biển về đêm lại càng vắng, cả một mình chiếm trọn không gian. Cửa sổ phòng khách sạn quay ra biển, đón những tiếng sóng ầm ào vang vọng suốt đêm. Trăng sáng vằng vặc, tãi tình trên mặt biển, mặt người, thấy tâm hồn nhẹ nhõm, lâng lâng…
Sáng hôm sau, đi thăm thành phố. Thuê một chiếc mô tô, máy ảnh đeo trước ngực và đi… Con đường Hùng Vương sạch thoáng, thẳng tắp với những trường đại học, nơi hội tụ những tinh hoa, sừng sững oai nghiêm trông ra biển. Thi thoảng có quán cà phê thơ mộng ẩn mình sau những tán cây... Có quảng trường mênh mông giáp biển, nơi dành cho khách đi dạo mỗi khi chiều buông, được bố trí thoáng đãng với những lối đi điệu đàng quyến rũ. Đường Xuân Diệu với các nhà hàng, được trang hoàng lộng lẫy... Có lẽ nơi đây là “bộ mặt” của thành phố, có công viên giáp biển đang kỳ thi công. Còn những khu phố nhỏ khác, nằm phía sau có lẽ là phố cổ chăng? Vẫn thế! Như thể chúng được bảo tồn?!...
Quy Nhơn nổi tiếng nhiều đền chùa và lăng tẩm. Những ngôi chùa tĩnh lặng, chỗ cổ kính thâm nghiêm có niên đại hàng trăm năm, chỗ khác còn mới tinh hiện đại, vừa được xây dựng mới đây. Tất cả đều im lìm dưới nắng trưa... Tháp đôi cao ngất ngưởng với những phiến gạch đỏ cũ kỹ đã bị xói mòn bên ngoài do thời gian. Chùa Long Khánh cổ kính uy nghiêm không ngừng được trùng tu với tượng phật lộ thiên cao vời vợi. Đang tĩnh lặng mặc niệm trước tượng phật, bỗng tôi bất giác giật mình. Có tiếng rú ầm vang trên đầu, băm nát sự yên ả của thành phố. Ngẩng lên, thì ra đó là một chiếc phi cơ quân sự màu lục, đang bay diễn tập trên bầu trời. Nên chăng các nhà quân sự cho máy bay tập luyện phía trên thành phố, bởi đã không ít những tai nạn đáng tiếc, có thể tránh được, đã xảy ra!…
Xe máy quả là tiện lợi, tôi len lỏi vào từng “hang cùng ngõ hẻm”. Nhưng phải thừa nhận là thành phố không lớn... Mục sở thị cảnh sinh hoạt của bà con nơi đây. Thi thoảng dừng xe hỏi chuyện. Dân Qui Nhơn sống thanh bình và hiếu khách. Họ tiếp chuyện tôi một cách hồ hởi, nhân hậu! Họ bán hàng không “chém” mặc dù thấy tôi là khách lãng du, với giọng nói không giống họ và nhất là có máy ảnh lủng lẳng trước ngực. Rời “khu phố cổ”, tôi ra vùng ngoại ô, tôi muốn đến thăm cây cầu Thị Nại, được cho là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Trên đường đi, tôi nhận thấy nhiều nơi đang xây dựng, công trình còn ngổn ngang. Cạnh đó là khu nước lợ, có các vạt nuôi tôm mênh mông và hàng sú vẹt giầm chân trong nước. Có khu vườn rất lớn, cò về đậu trắng các ngọn cây... Dòng sông Hà Thanh mùa này nước cạn, chảy hiền hòa. Tôi đã dừng xe và đứng lâu trên cây cầu Thị Nại, giữa trưa nắng. Xúc động. Để ngắm cây cầu, nhường như cứ vươn dài mãi. Xa xa là những tấm lưới cứ buông cứ thả theo nhịp giữa sóng nước bao la… Cây cầu này hẳn là niềm tự hào của người dân Qui Nhơn, tôi xin chia vui với họ.
Bãi biển Qui Nhơn buổi chiều nhộn nhịp hơn, thi thoảng đã có vài khách ra tắm biển, vui vầy với những con sóng nhẹ, vỗ lăn tăn như âu yếm bờ cát, phong cảnh thanh bình thư thái. Thật là một chốn nghỉ ngơi thực sự sau những chuỗi ngày làm việc hối hả. Một khoảng lặng đáng giá! Từ đây, ta có thể phóng tầm mắt lên đến tận mộ Hàn Mặc Tử, chắc hẳn vẫn đang trầm ngâm nhìn cõi dương thế... Có lời gì không nhắn nhủ đến nhân gian...?
Biển thăm thẳm lặng ngắm hồn Mặc Tử/ Người đi rồi vương vấn đất Qui Nhơn...
Bình Định chắc còn khuyết nhiều thứ trong con mắt của khách du lịch Paris, nhưng họ đã có được một số điều mà theo tôi những nơi khác của Việt Nam còn chưa làm được…
Rồi cũng đến lúc phải tạm biệt thành phố biển xinh xắn và mảnh đất Tây Sơn hào kiệt. Tôi sắp va li mà lòng không khỏi tiếc nuối! Chắc còn nhiều chỗ mà tôi chưa đến thăm. Mong Bình Định giữ vững truyền thống của mảnh đất địa linh nhân kiệt, của xứ võ và những tấm lòng quảng đại đầy nhân ái…
Tôi nghĩ rằng mình đã yêu mảnh đất này, mà thực ra, tôi yêu tất cả những vùng đất Việt Nam, những nơi mà tôi đã có dịp ghé chân! Tôi sẽ còn đi nữa, mỗi khi có dịp, để khám phá quê hương mình...
Hiệu Constant
(Tạp chí Du lịch)