Chơi và “check in” ở Lý Sơn
Cô bé dẫn chúng tôi đi thăm đảo kể, cô tốt nghiệp chuyên ngành du lịch ở Quy Nhơn. Ra trường cô xin việc ở một số khách sạn trong thành phố cho đến khi thấy đảo Lý Sơn - nơi mình sinh ra - có khách đến du lịch thì cô về đây. Lợi thế quê nhà và kỹ năng học trong trường là thế mạnh để những câu chuyện hay lời giới thiệu của cô lôi cuốn khách du lịch. Nhưng hơn tất cả, trong mỗi lời nói của cô bé là tình yêu chân thành với nơi mình sinh ra, lớn lên.
Bước lên cầu cảng vào đảo đã cảm thấy hơi thở của một làng chài nhưng không dậy mùi biển cả. Đi suốt dọc con đường lấn biển ở đảo lớn, bắt gặp những khoảng lớn phơi rong biển để làm đất trồng hành, tỏi. Xen kẽ là những đám ốc xà cừ được người dân đập vỏ lấy thân ốc để bán. Họ đập từ sáng cho đến tối và sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi tò mò của khách du lịch với thái độ thân thiện. Chỉ có điều, giọng nói ở đây đậm chất địa phương nên nhiều khi cũng cần người phiên dịch. Đến mức, khách gọi món mực xào, chủ quán nói nhân viên “lồm đĩa mực xầu”, khách vội vàng sửa lại “em gọi mực xào chứ không phải mực chiên xù”. Hỏi giá hải sản, người bán bảo “trôm hai”, người mua đứng thần ra một lúc mới luận được là “trăm hai”.
Lý Sơn có quá nhiều điểm để chơi. Cổng tò vò đã nổi tiếng từ rất lâu với thời điểm chụp ảnh đẹp nhất là khi hoàng hôn xuống. Bởi khi ấy mặt trời chiếu như dát vàng cả vùng biển lẫn phiến nham thạch tạo thành cổng. Có điều, vì đẹp thế, nổi tiếng thế, nên “giờ vàng” lúc nào cũng đông, khó lòng để chụp những bức ảnh chỉ một mình hay chỉ một nhóm. Thật ra, lúc bình mình cổng tò vò cũng đẹp không kém, lại vắng người.
Trên đỉnh Thới Lới có cột cờ cao 20m, mặt hướng ra quần đảo Hoàng Sa. Con đường dẫn lên chân cột cờ tuyệt đẹp với một bên là núi, một bên nhìn xuống khu cư dân của đảo và biển. Đứng ở đây, cảnh đẹp đến mức, cô bé dẫn đường bất chợt quay sang hỏi: “Quê em đẹp thiệt là đẹp chị nhỉ. Lần nào đưa mọi người lên đây em cũng nhìn về phía biển, mỗi lần lại thấy khung cảnh đẹp hơn”. Cùng tuyến đường này còn có dấu vết của miệng núi lửa, hình lòng chảo, nay được sử dụng làm hồ chứa nước.
Ở đảo lớn còn có chùa Hang. Chùa nằm trong một hang đá lớn nhất trong hệ thống hang động ở Lý Sơn, được tạo ra từ dãy núi Thới Lới, màu nham thạch, vách núi dựng đứng cao gần 20m. Chùa đặc biệt không chỉ do nằm trong hang, mà trong chùa vẫn còn những ban thờ bằng đá và ở cửa hang, nước trong núi vẫn nhỏ xuống tí tách.
Cách đảo lớn khoảng 7-8 phút di chuyển bằng cano, đảo bé là nơi được lựa chọn để tắm biển. Nhưng trước khi tắm biển rất nên đi một vòng quanh đảo ngắm cảnh. Chắc chắn những ngôi nhà có phần đơn giản hết mức, những con đường lên dốc, có đoạn vòng khuất tưởng như đi thẳng ra biển và những hàng dừa… sẽ làm người ta bịn rịn.
Tắm biển và ăn uống
Bên đảo lớn, có thể tắm ở gần Hang Câu. Ở đây còn có cả dịch vụ thuyền kayak. Nhưng đẹp nhất là sang đảo bé tắm biển. Nơi tắm biển ở đảo bé không phải là một bãi tắm mà là khoảng không giữa những mỏm núi. Ở đấy nước trong vắt, nhìn rõ từng viên đá, lớp rong biển. Khi bơi cũng còn có thể nhìn thấy những chú cá bé nhiều màu bơi lội xung quanh dù rất gần bờ. Hiện nước ngọt ở đảo bé được quy định số mét khối cho người sử dụng, nếu dùng vượt phí phải trả khá cao.Mặc dù chưa thực sự thuận lợi, nhưng giá một xô nước ngọt tráng người sau tắm biển chỉ là 20.000 đồng.
Ngoài những món hải sản vừa tươi, giá cả phải chăng như tôm hùm, cua hoàng đế, nhum, các loại cá..., Lý Sơn còn một món giải khát ấn tượng. Đó là thạch nấu từ rong biển. Miếng thạch có màu trắng đục, cắt nhỏ cho vào cốc to với nước đường nấu gừng. Chính vị gừng ấm làm trung hòa vị lạnh của thạch để cho người yếu bụng cũng “an toàn” khi uống nước. Ngon hơn nữa, có thể vắt thêm chanh thì càng dậy mùi, giải khát tốt.
Vĩ thanh
Chỉ một ngày cũng có thể khám phá đảo Lý Sơn. Hơn một ngày thì sẽ thêm yêu hòn đảo còn hoang sơ này. Đến một lần, lần sau lại muốn đến nữa, bởi ở đấy không khí thật bình yên với những con người mến khách. Cuộc sống của người dân ở đây ngày càng được cải thiện bởi những vụ tỏi, hành, và giờ là làm du lịch với những phòng cho thuê. Cô bé đưa chúng tôi đi thăm đảo đã yên tâm ở lại làm việc tại quê hương vì “ít nữa thôi họ sẽ xây xong cảng to hơn cảng hiện nay, khách du lịch sẽ đến nhiều hơn. Lý Sơn không chỉ là quê em mà còn là một phần của Tổ quốc mình”. Cũng vì thế nên đừng ví Lý Sơn với Maldives hay Jeju, Lý Sơn là Lý Sơn, Lý Sơn có những vẻ đẹp không đâu có được.
Nguồn: Laodong.com.vn