Còn nhiều lo lắng
Theo Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trần Thị Lan Anh, thời điểm này chính là cơ hội đặc biệt để ngành Du lịch Việt Nam đón đầu xu thế, hút khách quốc tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp vẫn bày tỏ lo ngại, với những quy định hiện tại Việt Nam rất khó thu hút khách du lịch. Bà Trần Thị Lan Anh đặt ra nghi vấn, thời gian tới, khi chính thức mở cửa hoạt động dịch vụ, kinh doanh, làm thế nào để thu hút lại được lực lượng lao động cũng là một bài toán; đồng thời, làm sao để thu hút họ, giúp họ quay trở lại làm việc? “Đối với doanh nghiệp, việc được quan tâm nhất lúc này là mở cửa như thế nào để vừa không làm du khách ngại ngần vì thêm các thủ tục, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân. Hoàn cảnh hiện nay đòi hỏi du lịch không chỉ thân thiện, mà còn phải là an toàn cho du khách” - Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh.
Chủ tịch Lux Group Phạm Hà chia sẻ, ngày 15/3 Chính phủ cho phép mở cửa đón khách quốc tế. Dù vậy vẫn chưa có những thông tin cụ thể về việc cấp visa và thời hạn cách ly cho khách quốc tế khi đến Việt Nam. Đây là những khó khăn tạo nên cho các doanh nghiệp khi ngày 15/3 đã cận kề. Ông Phạm Hà đồng thời cho rằng, Việt Nam vẫn đang “loay hoay” trong câu chuyện định vị thương hiệu trong mắt du khách quốc tế và chưa có điểm mạnh trong khu vực.
Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines Nguyễn Quang Trung chia sẻ, Vietnam Airlines đã làm việc với nhiều doanh nghiệp đối tác trong và ngoài nước. Các đối tác của Vietnam Airlines đều đánh giá Việt Nam hiện tại rất khó thu hút khách du lịch. Ông Nguyễn Quang Trung viện dẫn, hiện nay khách Việt Nam sang nước ngoài khi quay về cần có xét nghiệm trước chuyến bay theo quy định hiện tại ở Việt Nam. Điều này khiến du khách lo lắng, giả sử khách bị dương tính thì ở đâu, chi phí và khả năng chữa trị thế nào? Đối với khách nước ngoài đến Việt Nam cũng tương tự. Xét nghiệm trước chuyến bay khi họ về nước, du khách bị dương tính thì chi phí chữa trị tại Việt Nam thế nào, có bị cách ly không? Ông Nguyễn Quang Trung cũng viện dẫn Thống kê Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cho biết, COVID-19 bùng phát đã gây thiệt hại nặng nề với ngành Du lịch, hàng chục nghìn doanh nghiệp bị phá sản hoặc ngừng kinh doanh, hàng triệu lao động phải nghỉ việc toàn bộ hay từng phần. Do vậy, các doanh nghiệp cũng cần thời gian để hồi phục lại năng lực phục vụ như trước dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, theo Vụ trưởng Vụ Lữ hành TCDL Nguyễn Quy Phương, khi thực hiện mở cửa hoàn toàn trong bối cảnh bình thường mới, các vấn đề về thị trường, xu hướng du khách, nhu cầu và quan tâm của du khách về sản phẩm, các phương thức tham gia du lịch… đều đã thay đổi. Trong khi đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn thì lo ngại đến vấn đề cạnh tranh trong khu vực. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng du lịch Thái Lan đã mở cửa với chủ trương “Test and Go” - chỉ cần xét nghiệm và đi du lịch; hay Singapore đã mở các hành lang du lịch cho du khách và đã đón xấp xỉ 500.000 khách quốc tế đến trong điều kiện thực hiện việc tiêm vắc xin cũng như xét nghiệm, ngoài ra không có thêm yêu cầu khác. “Chúng ta đã thực hiện thí điểm với điều kiện khắt khe, với điều kiện kiểm soát y tế quá chặt chẽ, cộng với việc chưa thực hiện chính sách mở cửa lại thị thực…, như vậy là chưa thành công so với đối thủ cạnh tranh” - Ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định.
“Khách hàng sẽ quan tâm tính linh hoạt xử lý các trường hợp khi khách hàng có thể bị lỡ hẹn khi dương tính. Du lịch bền vững cũng là xu hướng mà khách hàng sẽ thích để giảm tải tiếp xúc, giữ an toàn khi du lịch trong dịch bệnh” - Tổng Quản lý Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi William Haandrikman chia sẻ. Ở khía cạnh khác, ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không chia sẻ, một trong những thách thức khi chúng ta khởi động lại thị trường đó là việc đảm bảo các kết nối, xúc tiến lại các thị trường sẽ phát sinh các chi phí. Chi phí về xúc tiến thương mại, tâm lý bất ổn ở Châu Âu, tâm lý lo ngại dịch bệnh của du khách,... cùng với đó, giá dầu leo thang trong khi cả đường không, đường bộ 30-40% chi phí liên quan đến xăng dầu là những trở ngại rất lớn.
Phát huy điểm mạnh để thu hút khách
Phó Chủ tịch thường trực HHDL Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, đã mở cửa thì phải mở thị thực cho khách vào. “Chúng tôi đề nghị một điều rất đơn giản, là hãy triển khai các chế độ thị thực của Việt Nam như trước năm 2020. Những nước nào miễn thị thực song phương thì tiếp tục miễn, nước nào miễn đơn phương cũng vẫn cứ miễn. Trong khi chúng ta cần khôi phục mà lại đưa ra chính sách khó hơn cả trước thì rất khó để hồi phục” - ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh. Ông Bình cũng bày tỏ lo lắng nếu Du lịch Việt Nam thực hiện việc mở cửa không giới hạn: “Cả thế giới vẫn đang dùng hộ chiếu vắc xin mà Việt Nam lại mạnh dạn bỏ hết đi thì chúng ta kiểm soát như thế nào”? Bên cạnh đó, ông Vũ Thế Bình cũng đề xuất việc ban hành các chính sách phải dễ hiểu, dễ thực hiện để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện tốt. Đồng thời, chính sách ban hành cũng phải tương đồng với các nước khác, đặc biệt là những nước đang phát triển du lịch.
Đồng quan điểm với ông Bình về vấn đề thị thực, ông Bùi Doãn Nề cho rằng, đã mở cửa du lịch thì những gì tạm đóng trước đây cần mở lại tất cả, đặc biệt là việc cấp thị thực. Bên cạnh mở ra cho các quốc gia cũ cần cấp cho các vùng mới, thị tường mới để mở rộng hơn nữa lượng du khách; việc cấp thị thực không nên hạn chế 15 ngày mà có thể mở rộng thêm lên đến 30 ngày.
Chia sẻ về giải pháp an toàn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng Đỗ Trọng Hậu cho biết, nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng đã thực hiện chương trình hành lang xanh, bao gồm quy trình xanh, con người xanh và trang thiết bị xanh. Sân bay quốc tế Đà Nãng đã hạn chế thấp nhất các điểm tiếp xúc của khách hàng đi máy bay với nhân viên hàng không và các chuỗi cung ứng dịch vụ. Trong khi đó, ông William Haandrikman chia sẻ quan điểm: “Ở góc độ doanh nghiệp, xu hướng ưu tiên nổi bật là chất lượng dịch vụ phải hoàn hảo, đảm bảo an toàn cho du khách, đưa ra các giải pháp số đảm bảo thông tin minh bạch là cơ sở để chúng ta thu hút du khách trở lại với du lịch Việt Nam”. Đại diện Sofitel Legend Metropole Hanoi cũng cho biết, đơn vị này đã thực hiện 16 tiêu chuẩn an toàn, đảm bảo vệ sinh của Tập đoàn Accor và kiểm tra định kỳ; thuê bên thứ 3 kiểm tra các chỉ tiêu an toàn với mức độ cam kết cao nhất về vệ sinh an toàn của khách sạn, đảm bảo sức khoẻ cho khách hàng và nhân viên.
Để hồi phục du lịch, không chỉ nhắc đến du lịch nội địa và đón khách quốc tế, việc đưa khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài cũng phải được quan tâm thực hiện thì du lịch mới thật sự hài hòa, bền vững. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Việt Nam Lê Mai Khanh nhấn mạnh, hiện tại hộ chiếu vắc xin của Việt Nam vẫn chưa được nhiều quốc gia công nhận. Do đó, Việt Nam cần tăng cường trao đổi với các nước để mở rộng số lượng các quốc gia công nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam, góp phần tăng lượng khách du lịch ra nước ngoài. Bà Lê Mai Khanh cũng đắn đo vấn đề cơ sở vật chất xuống cấp, lao động thiếu, cần Nhà nước quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp. Bà Khanh cho rằng, các cơ sở lưu trú du lịch dừng hoạt động trong thời gian dài nên cơ sở vật chất xuống cấp, lao động nghỉ việc. Do vậy, khi hoạt động lại phải đầu tư nâng cấp lại cơ sở vật chất, tuyển và đào tạo thêm lao động. Chính vì vậy, Nhà nước có thể cung cấp các chính sách hỗ trợ tài chính tín dụng, cho vay lãi suất thấp hỗ trợ các doanh nghiệp có điều kiện phục vụ khách du lịch tốt nhất.
Thanh Minh