
(Ảnh minh họa)
Đặc điểm tâm sinh lý của NNMT trong và sau khi cắt cơn nghiện được chia làm 5 giai đoạn: giai đoạn cắt cơn; giai đoạn lạc quan tếu; giai đoạn bế tắc; giai đoạn tự điều chỉnh và giai đoạn bắt đầu phục hồi tâm sinh lý. Từ đặc điểm đó, chúng ta cần có những kỹ năng tiếp cận với NNMT trước, trong và sau khi cắt cơn nghiện.
Để tiếp cận NNMT đạt kết quả, điều quan trọng hàng đầu là tạo dựng được lòng tin của họ. Nắm vững tâm, sinh lý của NNMT để biết được sự chuyển biến nhận thức, suy nghĩ, tình cảm của họ, có sự trợ giúp kịp thời, thích hợp. Nhận biết được những điểm mạnh, điểm yếu, sở trường, năng lực của NNMT để khai thác mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của họ. Biết khai thác những mâu thuẫn nội tại bản thân của NNMT để giúp họ xử lý, giải quyết mâu thuẫn, giúp họ tự đấu tranh chiến thắng bản thân và những cản trở, khó khăn khách quan… Luôn tạo ra cho NNMT những thử thách từ nhỏ tới lớn, từ đơn giản đến phức tạp để tăng dần ý chí rèn luyện, nghị lực phấn đấu của họ. Biết cách cổ vũ, khích lệ NNMT khi họ làm được điều tốt, an ủi, chia sẻ khi họ cố gắng nhưng chưa tiến bộ, chưa làm tốt điều họ muốn. Biết lắng nghe những ý kiến phản hồi của người nghiện về cách tiếp cận và các nội dung vấn đề trao đổi với họ. Cần theo dõi, giúp đỡ thường xuyên trong cả quá trình phấn đấu, chuyển biến của họ, động viên khích lệ hoặc uốn nắn, điều chỉnh kịp thời trong quá trình tiến hành công tác cai nghiện cho NNMT.
Khi tiếp cận với NNMT, cần giữ vững các nguyên tắc: tôn trọng, chân thành, gây niềm tin, giữ bí mật, thái độ không phê phán, đồng cảm… Tuy nhiên, chúng ta phải biết phân biệt cảm xúc của mình với cảm xúc của người nghiện. Không được hòa đồng với nhau. Nếu không, chính chúng ta sẽ bị lôi kéo vào “trạng thái của người nghiện”.
Để giúp đỡ NNMT, cần thiết lập mối quan hệ một cách xây dựng, gợi ý và khuyến khích để họ tự bộc lộ tâm trạng của họ (thường là đau buồn, tự ti, mặc cảm…). Bàn luận trao đổi những sự kiện đã xảy ra phải được bắt đầu một cách tự nhiên và là nội dung chính của buổi đối thoại. Giải thích vấn đề đặt ra một cách hợp lý; củng cố lòng tin, tăng cường sự hiểu biết sau cuộc tư vấn, xây dựng lại chức năng nhận thức và tạo điều kiện cho đối tượng tư vấn giành lại sự tự chủ nhận thức của mình. Gợi ý, xác định kế hoạch điều trị cho NNMT cần dựa vào động cơ, điều kiện các mặt và khả năng của đối tượng để giải quyết vấn đề, chia sẻ và thỏa thuận với họ… Sau buổi tư vấn cuối cùng, thông báo cho họ là cán bộ tư vấn sẽ tiếp tục quan tâm theo dõi đến tình trạng tiến triển của cá nhân và tiếp xúc với họ trong tương lai.
Muốn vậy, bác sĩ, cán bộ tâm lý, cán bộ xã hội… phải có các kỹ năng quan sát, kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng lắng nghe và diễn đạt tốt… Và trên tất cả, cần phải có trách nhiệm, tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ, thông cảm sâu sắc và mong muốn giúp đỡ từ trong chính bản thân mỗi người đối với NNMT./.
Ths. Bs. Mai Xuân Phương