Tour du lịch quốc tế leo núi cắm cờ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội trên đỉnh Fansipan 2010

|
Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Mạnh Cường (thứ 2 từ trái sang) - đồng Trưởng Ban Tổ chức - chủ trì họp báo |
Chương trình leo núi cắm cờ Fansipan 2010 diễn ra trong 4 ngày với nhiều hoạt động văn hóa – thể thao phong phú, trong đó có 3 hoạt động chính: tranh giải leo núi Fansipan; giải thi Ảnh đẹp Fansipan và Ảnh ấn tượng về hành trình cắm cờ trên đỉnh Fansipan; giải ý tưởng về khai thác, thiết kế chương trình du lịch khám phá Fansipan mới. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động trong chương trình diễn ra sôi nổi như: lễ xuất quân tại vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội), lễ dâng hương tại đền Hùng, lễ khai mạc, chương trình nghệ thuật ca ngợi vẻ đẹp hùng vỹ của Fansipan, giao lưu trên đỉnh Fansipan, lễ hội hoa đăng đường phố… với điểm nhấn là hành trình chinh phục Fansipan theo các trạm: trạm Núi Xẻ - trạm 2.200m - trạm 2.800m - đỉnh Fansipan. Đến nay, công tác tổ chức, y tế, bảo hiểm… đều đã sẵn sàng và đảm bảo cho một chương trình leo núi thành công.
Ban Tổ chức cho biết, điểm mới của chương trình leo núi năm nay so với Giải leo núi chinh phục đỉnh Fansipan truyền thống của tỉnh Lào Cai hàng năm là chương trình có quy mô quốc gia, đặc biệt, sự kiện lần này không phải dành cho các vận động viên chuyên nghiệp mà dành cho các vận động viên nghiệp dư. Thành phần đoàn tham gia leo núi với số lượng khoảng 60 người, trong đó có 2 đoàn quốc tế (hiệp hội leo núi Côn Minh và đoàn Du lịch Thái Lan). Chương trình sẽ kết thúc vào ngày 2/11 với lễ bế mạc và trao giải, đồng thời khai trương modul vinh danh những người chinh phục đỉnh Fansipan trên website: www.fansipanvietnam.com.
Bên cạnh các hoạt động leo núi chinh phục đỉnh Fansipan, một số hoạt động dưới chân núi cũng sẽ diễn ra phong phú như: Hội nghị sơ kết liên kết du lịch 8 tỉnh Tây Bắc; Hội nghị sơ kết về du lịch cội nguồn; trao giải thưởng sáng tạo sản phẩm du lịch mới; khai trương phòng trưng bày về văn hóa dân tộc Sapa như những cuốn sách cổ 400 – 500 năm, khu trưng bày tâm linh của người Mông, trang phục người Dao…
Tin, ảnh: LT