Khai thác đa dạng tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch
Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum: “Với lịch sử gần 110 năm hình thành và phát triển, các dân tộc tỉnh Kon Tum đã gìn giữ, bảo tồn, phát huy và tạo nên nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, cùng các yếu tố đặc thù về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, hệ thảm thực vật rừng đã tạo cho địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, độc đáo. Trong tiến trình phát triển và hội nhập, tỉnh Kon Tum xác định rõ quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển, trong đó du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.
Tỉnh đã chỉ đạo và triển khai quyết liệt việc đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch chất lượng cao, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược, đã hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm của các tập đoàn lớn có uy tín trong nước, làm thay đổi cơ bản diện mạo đô thị và ngành Du lịch Kon Tum. Số lượng du khách và thu nhập xã hội từ du lịch ngày càng tăng. Tổng lượt khách giai đoạn 2011-2015 đạt 985,284 lượt (khách quốc tế đạt 331,186 lượt người, khách nội địa đạt 654,098 lượt); tổng lượt khách giai đoạn 2016-2020 đạt 1,808,353 (trong đó khách quốc tế đạt 645,130 lượt người, khách nội địa đạt 1,163,223 lượt người). Doanh thu du lịch bình quân hàng năm đạt trên 200 tỷ đồng.
Ông Tuấn chia sẻ thêm, với quan điểm phát triển du lịch là khai thác đa dạng tiềm năng, lợi thế về du lịch của địa phương gắn với bảo vệ bền vững tài nguyên du lịch, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, Tỉnh uỷ đã thông qua "Nghị quyết về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Nghị quyết đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đạt được mục tiêu phát triển ngành Du lịch của địa phương trở thành ngành kinh tế dịch vụ chuyên nghiệp, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh ngày càng cao, kết nối và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Kon Tum cho biết, hiện tỉnh Kon Tum có 153 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 2.183 phòng. Công suất sử dụng phòng qua các năm tăng đều từ 65 -75%. Hạ tầng giao thông trên các tuyến huyết mạch được chú trọng đầu tư, đã góp phần phát triển 03 vùng kinh tế động lực của tỉnh gắn với khu vực tam giác phát triển và các địa phương trong trục hành lang kinh tế Đông - Tây. Tỉnh Kon Tum đã công nhận 10 điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó huyện Kon Plông có 6 điểm; huyện Đăk Hà có 1 điểm và thành phố Kon Tum có 3 điểm. Tỉnh Kon Tum tập trung đẩy mạnh xây dựng, khai thác và phát huy các sản phẩm du lịch chính như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa - tôn giáo, du lịch văn hóa - lịch sử cách mạng; tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch.
UBND tỉnh Kon Tum ban hành danh mục các dự án thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn 2021- 2025, trong đó có 47 dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch - dịch vụ; ưu tiên xúc tiến thu hút đầu tư các dự án vào khu vực có tiềm năng phát triển du lịch như: Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, huyện Kon Rẫy, huyện Tu Mơ Rông hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị.
|
Tuy nhiên, PGS.TS. Trần Đình Thiên cũng nhìn nhận thẳng thắn những khó khăn thực tế mà Kon Tum đang phải đối mặt như công tác thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào lĩnh vực du lịch chưa hiệu quả; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực du lịch; nhân lực du lịch tại địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu; sức cạnh tranh của sản phẩm, điểm đến và các dịch vụ du lịch còn yếu. Những thách thức kể trên đòi hỏi tỉnh Kon Tum cần đánh giá lại, nắm bắt những cơ hội, tiềm năng của giá trị văn hóa cũng như tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch.
Để du lịch Kon Tum phát triển một cách bền vững
Chia sẻ về định hướng phát triển du lịch Kon Tum trong mối liên kết với các tỉnh vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, Kon Tum được đánh giá cónhiều tiềm năng, dư địa và triển vọng phát triển du lịch; cần có cơ chế chính sách phù hợp để tận dụng cơ hội, phát huy liên kết để thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch thành ngành kinh tế động lực quan trọng lan tỏa thúc đẩy các ngành, lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội Kon Tum phát triển nhanh và bền vững. Kon Tum cần đầu tư hạ tầng kết nối, tiếp cận điểm đến; đầu tư cơ sở dịch vụ du lịch đồng bộ, chất lượng, đặc biệt khu du lịch quốc gia Măng Đen, khu Chư Mong Ray; đầu tư phát triển các công trình văn hóa công cộng tạo điểm nhấn thu hút khách, hệ thống bảo tàng, nhà hát, trung tâm giải trí, sân golf; đầu tư cho nghiên cứu thị trường, xúc tiến quảng bá, chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực; bảo tồn tài nguyên du lịch, đảm bảo cho phát triển.
Xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh đến năm 2025, gắn mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững, tạo sinh kế cho người dân cùng với tạo dấu ấn riêng, độc đáo, đặc sắc của du lịch Kon Tum, ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum chia sẻ, tỉnh Kon Tum tiếp tục đầu tư và thu hút đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường các hoạt động xúc tiến quảng bá, hợp tác phát triển du lịch; đa dạng hóa sản phẩm du lịch tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù; phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, cảnh quan môi trường; mở rộng và phát triển thị trường.
Để du lịch Kon Tum nói riêng, du lịch các tỉnh vùng Tây Nguyên nói chung phát triển, theo ông Nguyễn Tấn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai, Kon Tum cần tăng cường và mở rộng sự liên kết, hợp tác. Trước hết, các tỉnh trong vùng Tây Nguyên cần có chủ trương tăng cường và duy trì sự liên kết phối hợp thực sự để tạo nên một sự thống nhất cao trong việc xây dựng sản phẩm bổ sung cho nhau nhằm phát huy thế mạnh sản phẩm của từng địa phương, tránh trùng lắp, chồng chéo làm giảm giá trị sản phẩm đặc thù vốn là lợi thế so sánh. Từ đó, chủ trương phát triển, mở rộng liên kết, hợp tác Tây Nguyên với các vùng, khu vực khác trong cả nước và quốc tế có liên quan thiết thực; dựa trên cơ sở đó tạo cầu nối cho các doanh nghiệp đặt mối liên hệ liên kết, hợp tác chéo với nhau giữa các vùng, khu vực. Đặc biệt chú trọng mối quan hệ với các tỉnh trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam nhằm liên kết tạo ra nhiều sản phẩm du lịch liên tuyến đặc thù, phong phú, có chất lượng cao. Ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng liên quan phát triển du lịch; cần có cơ chế chính sách đầu tư đặc thù cho du lịch Tây Nguyên.
“Phát triển du lịch Kon Tum gắn với các tỉnh Tây Nguyên, thực chất là xây dựng phát triển du lịch vùng Tây Nguyên bền vững sẽ có tác động kéo theo sự ổn định về kinh tế - xã hội và môi trường, góp phần phát triển kinh tế từng địa phương, giảm đói nghèo, nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi tầng lớp về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa, lịch sử Tây Nguyên.” ông Nguyễn Tấn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.
Bàn về triển vọng đầu tư phát triển du lịch Kon Tum, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng, Kon Tum cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về sự liên kết, mở cửa, chuỗi; hệ thống khuyến khích; lực lượng định hình chân dung và dẫn dắt phát triển du lịch; cần đánh giá lại cụ thể định hướng phát triển du lịch. Chính phủ và Kon Tum cần ủng hộ tối đa các sáng kiến tư nhân của các tập đoàn lớn; cần có chính sách đột phá trong phát triển. Kon Tum cần được nối thông để biến các lợi thế địa phương thành lợi thế của mình để tăng sức sống cho du lịch; cần có chiến lược tập trung chính sách và nguồn lực cho các tọa độ ưu tiên cực tăng trưởng; tập trung khai thác đặc trưng cốt lõi Tây Nguyên; cần được hỗ trợ nguồn lực và ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển du lịch.
Để tăng cường lượng khách du lịch nội địa đến với Kon Tum từ bối cảnh và thực trạng hiện tại, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam cho rằng Kon Tum cần có hình ảnh điểm đến du lịch đại diện hấp dẫn để thu hút sự chú ý của du khách; cần có sự hiểu thấu đáo về thị trường khách du lịch, nhất là giai đoạn hồi phục du lịch sau đại dịch COVID-19, nhu cầu của du khách đã thay đổi; cần xây dựng tuyến du lịch chất lượng, hấp dẫn trong nội tỉnh và kết nối với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực; xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt sẽ giúp cho địa phương nhanh chóng đưa lượng khách du lịch nội địa tăng trưởng nhanh. Bên cạnh đó, Kon Tum cần có đội ngũ nhân lực đáp ứng về số lượng song song với tăng trưởng lượng khách và đảm bảo chất lượng để phát triển bền vững lượng khách du lịch đến với Kon Tum; xúc tiến du lịch một cách chuyên nghiệp để thu hút khách; liên kết với doanh nghiệp du lịch ở các địa phương khác trong cả nước để lan tỏa hình ảnh du lịch Kon Tum…
Bà Trần Nguyên, Trưởng ban Kinh doanh Sun World – Sun Group chia sẻ: Kon Tum có khát vọng thay đổi vùng đất, tuy nhiên chưa có định hướng cụ thể, chưa có nhà đầu tư có tầm để hiện thực hóa khát vọng. Nguồn nhân lực còn thiếu, yếu, chưa tiếp xúc, đào tạo với dịch vụ du lịch bài bản; giao thông còn rất nhiều hạn chế, đường bộ chưa phát triển; hệ thống lưu trú còn rất nghèo nàn và thiếu; sản phẩm dịch vụ còn đơn điệu, sơ sài, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách; điểm du lịch cộng đồng ít quan tâm đầu tư nhà vệ sinh, nước sạch. Du lịch cộng đồng chưa được quy hoạch cụ thể, tự phát…
Để du lịch Kon Tum phát triển cần thúc đẩy quy hoạch đầu tư phát triển du lịch bài bản, dài hạn và quy mô lớn, các mô hình đầu tư có hệ sinh thái về du lịch; cần có quy hoạch về cơ sở hạ tầng giao thông, đường bộ kết nối đặc biệt là công tác quy hoạch sân bay do tư nhân đầu tư và cần có cơ chế đặc thù cho vùng Tây Nguyên. Định hướng phát triển du lịch Kon Tum xanh bền vững, khám phá thiên nhiên, nghỉ dưỡng, sức khỏe, golf, khám phá văn hóa bản địa và ẩm thực/con người; lựa chọn các nhà đầu tư và đơn vị phát triển dự án có tầm vóc, có kinh nghiệm và có cách làm hài hoà giữa bảo tồn với phát triển, góp phần làm đẹp những điểm đến. Bên cạnh đó cần tăng cường các hoạt động, dịch vụ trải nghiệm và khám phá tự nhiên có đẳng cấp và phù hợp xu hướng đặc biệt hậu COVID như: chăm sóc sức khỏe, trekking, cắm trại có dịch vụ tiện ích đi kèm. Phát triển du lịch gắn với thiên nhiên, văn hóa bản địa, mang đậm nét văn hóa bản địa và đồng bào dân tộc với mô hình những thị trấn nghỉ dưỡng đậm bản sắc Tây Nguyên. Đẩy mạnh các loại hình chăm sóc sức khoẻ cao cấp như mô hình Onsen cao cấp hoặc các mô hình nghỉ dưỡng dùng khoáng nóng và nhân sâm chữa bệnh, tái tạo và phục hồi “Thân Tâm Trí”. Nghiên cứu hình thức phố núi, tận dụng lợi thế khí hậu của Măng Đen để tạo ra các thị trấn lãng mạn phố núi đậm chất riêng, có dịch vụ và thương mại đi kèm. Phát triển du lịch cộng đồng (quy hoạch những ngôi làng của các dân tộc giống mô hình nổi tiếng thế giới, để du khách đến đó có thể trải nghiệm sống như người bản địa).
Để kết nối hàng không, tạo điều kiện khai thác tiềm năng, phát triển du lịch Kon Tum và khu vực Tây Nguyên, bà Phạm Thị Nguyệt, Quyền Trưởng ban Tiếp thị bán sản phẩm của Vietnam Airlines cho biết, Vietnam Airlines vừa ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Kon Tum, trong đó danh mục quan trọng là quảng bá xúc tiến thương mại du lịch hàng không. Vietnam Airlines luôn sẵn sàng đồng hành, kết nối các doanh nghiệp của Kon Tum tới các sự kiện quốc tế để tăng cường hợp tác bạn hàng, xây dựng các chương trình bán và quảng bá về Kon Tum. Vietnam Airlines có chính sách ưu đãi về giá vé đối với các doanh nghiệp du lịch tham gia chương trình kích cầu du lịch trong năm 2022, trong đó Kon Tum và Tây Nguyên là một trong những điểm đến trọng tâm. Vietnam Airlines cùng xây dựng thông điệp phát động du lịch cho khách hàng quốc tế, nội địa tới Kon Tum, Tây Nguyên nói riêng và toàn mạng nội địa Việt Nam nói chung thông qua việc nới giới hạn các điều kiện về vé máy bay để khách hàng tự tin và làm chủ chuyến đi của mình.
“Tỉnh Kon Tum mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với địa phương để tìm hiểu cơ hội đầu tư, tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ kịp thời giải quyết những khó khăn để cùng địa phương khai thác hết tiềm năng, đưa du lịch Kon Tum phát triển một cách bền vững, là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước”, ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nhấn mạnh tại Diễn đàn.
Nhâm Hiền