Có nên đi xuất khẩu lao động hay không khi các khu công nghiệp tại Việt Nam rất thiếu công nhân?
Thị trường nào cũng khát lao động
Hậu COVID, doanh nghiệp trong nước rơi vào cảnh “khát” lao động kéo dài, đặc biệt là khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh dự báo cần khoảng 44.800 - 55.600 chỗ làm việc tập trung ở các ngành nghề dệt may, giày da, chế biến thực phẩm, hóa chất - dược - cao su, xây dựng, vận tải kho bãi, dịch vụ ăn uống, dịch vụ lưu trú, bất động sản…
Tại Bình Dương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan thông tin cho báo chí biết, địa phương này hiện đang thiếu khoảng 90.000 lao động. Lý do là bên cạnh việc mở rộng sản xuất bù đắp cho thời gian khủng hoảng vì dịch bệnh kéo dài nửa cuối năm 2021, nhiều lao động ngoại tỉnh không quay trở lại làm việc. Các doanh nghiệp nỗ lực tuyển dụng lao động bằng cách tạo ra nhiều chính sách hỗ trợ như tăng chất lượng bữa ăn trưa, tăng lương, hỗ trợ chi phí ở trọ… nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả kích cầu như mong muốn. Đây cũng là tình trạng chung của các khu công nghiệp ở phía Bắc trên địa bàn các tỉnh, thành Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương…
Đại dịch COVID-19 toàn cầu đã tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động ở các nước, không chỉ riêng Việt Nam. Tại Nhật Bản và Đài Loan, hai thị trường “khát” lao động hàng đầu khu vực Đông Á, các doanh nghiệp cũng đang chật vật xoay sở và nỗ lực tác động tới Chính phủ nhằm có những giải pháp tích cực hơn trong việc thu hút lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt.
Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, nguồn lao động dồi dào. Chất lượng lao động Việt cũng được đánh giá tốt với những phẩm chất như cần cù, chịu khó, nhanh nhẹn, hoạt bát… Cũng chính bởi thế mà lao động Việt có nhiều sự lựa chọn. Song lựa chọn thế nào để phù hợp với bản thân và hữu ích cho tương lai lại là vấn đề nan giải của người lao động trong bối cảnh hiện nay.
Không có thị trường tối ưu, chỉ có thị trường phù hợp
Bà Nguyễn Thị Hồng Xuân - Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp - khẳng định: “Không có thị trường tối ưu, chỉ có thị trường phù hợp. Lao động chọn làm việc trong nước hay chọn đi xuất khẩu lao động cần phải xem xét kỹ các điều kiện của bản thân”.
Bà Hồng Xuân phân tích: Một lao động làm việc ở khu công nghiệp trong nước có thu nhập trong khoảng 5-12 triệu đồng. Trừ đi các chi phí ăn ở sinh hoạt, họ có thể tiết kiệm được 3-4 triệu đồng/tháng và khoảng 30-40 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, con số này không cố định và thực tế có rất nhiều chi phí phát sinh, đặc biệt với lao động trẻ, như tiền đi ăn cưới, tiệc tùng, sinh nhật, quần áo… Ở các vùng nông thôn còn rất nặng chi phí ma chay, giỗ chạp… Trong khi đó, một lao động sang Nhật làm thực tập sinh có mức lương 25-30 triệu chưa kể làm thêm. Chi phí cưới hỏi, ma chay gần như không có. Với những bạn trẻ có lối sống tiết kiệm, không tiệc tùng, không tiêu pha cho đồ công nghệ hay áo quần, số tiền làm ra có thể giữ được phần lớn, trung bình 20 triệu/tháng. Sau ba năm có thể có 600-700 triệu đồng mang về Việt Nam làm vốn.
Nhìn vào con số, việc đi xuất khẩu lao động có thể mang về nhiều ích lợi hơn về tài chính. Song bà Hồng Xuân cho rằng, cả hai hình thức lao động đều có ưu điểm lẫn nhược điểm mà người lao động cần hiểu sâu mới có thể lựa chọn chính xác.
Lao động trong các khu công nghiệp Việt Nam không đòi hỏi cao về tay nghề, cường độ lao động không quá cao, không quá gò bó về kỷ luật hay thời gian. Người lao động không phải xa quê hương, có người không phải xa nhà, nếu có biến cố hay rủi ro cũng dễ dàng giải quyết vì sống trên đất nước của mình, luôn có người thân ở cạnh. Dù thu nhập không cao nhưng cuộc sống ổn định, dễ chịu, ít biến động.
Ngược lại, xuất khẩu lao động tại các thị trường khó tính như Nhật Bản đòi hỏi cao về tay nghề đầu vào, cường độ lao động nặng, yêu cầu cao về tính kỷ luật, hợp tác, trách nhiệm. Người lao động phải xa quê hương, xa lạ về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, mất nhiều thời gian để học cách hòa nhập, thích nghi, chưa kể những biến cố, cám dỗ thường trực. Có những bạn trẻ sa đà vào ăn chơi, tiêu pha tốn kém do kiếm tiền dễ dàng. Nhiều người lại mong có tiền ngay, thấy nơi khác lương cao hơn một chút thì bỏ việc hợp pháp để làm việc bất hợp pháp. Dẫn tới khi rủi ro xảy ra, như đại dịch COVID-19 vừa qua, đã không thể nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ và tổ chức tiếp nhận lao động. Không ít du học sinh không chịu được áp lực, hoặc nôn nóng kiếm tiền mà làm thêm quá nhiều không thể gia hạn được visa thậm chí có bạn bỏ học dẫn đến mục đích học tập ban đầu trở nên dở dang.
Bù lại, nếu có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường thì thu nhập cao, tích lũy cao, phẩm chất lao động cũng nâng cao từ tác phong, tính kỷ luật đến kỹ năng chuyên môn. Lao động sau khi về nước không chỉ có vốn liếng mà còn có tay nghề và ngoại ngữ, cơ h���i công việc trong nước rộng mở với mức thu nhập tương đương như thời gian đi xuất khẩu lao động. Trình độ lao động cũng nâng lên một bậc là lao động trí óc, vị trí xã hội cao hơn.
Việc xác định rõ ràng những khó khăn, thách thức phải đối mặt cũng như những cơ hội, thuận lợi của mỗi hình thức lao động, theo bà Hồng Xuân, là yếu tố quyết định cho việc người lao động có cảm thấy hài lòng với sự lựa chọn của mình hay không. “Tôi cho rằng sự hài lòng mới là đích đến của cuộc sống với mọi người lao động. Làm ở đâu, làm nghề gì, kiếm được bao nhiêu tiền cuối cùng cũng là giải quyết nhu cầu giản đơn và bức thiết là: vui vẻ, hạnh phúc. Các doanh nghiệp giữ chân được lao động hay không cũng là ở cách họ khiến cho người lao động cảm thấy hài lòng, vui vẻ hay không”, bà Hồng Xuân chia sẻ.
Khải Bình