Diễn đàn có sự tham dự của khoảng 600 đại biểu là Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), tỉnh Kon Tum, Tổng cục Du lịch; lãnh đạo một số Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Sở quản lý du lịch; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; chuyên gia du lịch, kinh tế; các tập đoàn, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển; cơ quan báo chí, truyền hình; đại biểu các tỉnh Attapư, Sê Kông, Chămpasắc, Salavan - Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; tỉnh Rattanakiri, Stung Treng - Vương quốc Campuchia...
Phát biểu chào mừng Diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng”, ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: Diễn đàn là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia, tập đoàn, nhà đầu tư và các doanh nghiệp du lịch, địa phương trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp phát triển du lịch Kon Tum nói riêng và du lịch Tây Nguyên nói chung. Bên lề Diễn đàn có 12 hoạt động được diễn ra trong 04 ngày (từ 21 đến 24/4/2022) tại thành phố Kon Tum và các huyện trong tỉnh. Thông qua các hoạt động của Diễn đàn lần này, tỉnh Kon Tum mong muốn giới thiệu các nét đặc sắc về văn hóa, du lịch của địa phương đến với bạn bè trong nước và quốc tế; tạo điều kiện cho việc hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch, tăng cường kết nối tour, tuyến, thu hút du khách đến với tỉnh. Đồng thời đây là dịp để các tỉnh, thành phố ký kết, hợp tác xúc tiến đầu tư - thương mại, phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
“Diễn đàn Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” tại thời điểm này đặc biệt có ý nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu phát triển du lịch của địa phương trong thời gian đến. Tỉnh Kon Tum mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với địa phương để tìm hiểu cơ hội đầu tư, tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ kịp thời giải quyết những khó khăn để cùng địa phương khai thác hết tiềm năng, đưa du lịch Kon Tum phát triển một cách bền vững, là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước”, ông Lê Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao tiềm năng du lịch Kon Tum. Kon Tum cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch như các di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các lễ hội truyền thống độc đáo của các dân tộc; đẩy mạnh hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối, liên kết giữa các địa phương, liên kết vùng trong phát triển du lịch. Kon Tum cần quan tâm đẩy mạnh đầu tư cho việc cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đầu tư cho phát triển sản phẩm mới, điểm đến mới, đường bay mới, đặc biệt là không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, đề nghị tỉnh Kon Tum có những chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong du lịch; cơ cấu lại thị trường khách du lịch quốc tế. Bộ trưởng cho rằng các tỉnh Tây Nguyên cùng với Kon Tum thúc đẩy liên kết với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ để phát triển hệ sinh thái du lịch cả vùng; tăng cường ký kết hợp tác du lịch thu hút khách.
“Kon Tum cần nhanh chóng có những hoạch định cụ thể bằng những chương trình hành động cụ thể, bằng lễ ký kết cụ thể. Việc công bố Kế hoạch phát triển du lịch tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia giúp các doanh nghiệp có tầm nhìn xa hơn, không chỉ là phạm vi du lịch của Kon Tum mà còn liên kết trong tam giác phát triển với nước bạn Lào – Campuchia, nơi có những điểm di tích di sản phong phú, nơi chúng ta có thể trao đổi các đoàn famtrip, đoàn khách du lịch qua biên giới, cửa khẩu. Đây là một tiềm năng lớn nếu chúng ta biết phối hợp và khai thác. Du lịch Kon Tum trên bản đồ Việt Nam vẫn đang là tờ giấy trắng. Các doanh nghiệp hãy đến với Kon Tum để viết nên thành công của chính mình”. Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chia sẻ về định hướng phát triển du lịch Kon Tum trong mối liên kết với các tỉnh vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, Kon Tum cần phát triển trở thành điểm đến du lịch nổi bật đặc trưng của vùng Tây Nguyên về du lịch xanh, chất lượng, bền vững với hệ thống sản phẩm du lịch đồng bộ, đặc sắc Tây Nguyên trên cơ sở khai thác phát huy hài hòa tài nguyên tự nhiên và văn hóa các dân tộc Kon Tum; tập trung thị trường khách khám phá văn hóa, sinh thái; coi trọng thị trường khách nghỉ dưỡng, thể thao, chăm sóc sức khỏe; quan tâm thị trường khách giới trẻ, trung niên, theo nhóm; hướng thu hút từ các trung tâm vùng, miền cả nước. Kon Tum cần định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù: sản phẩm trải nghiệm văn hóa sâm Ngọc Linh, sản phẩm nghỉ dưỡng sinh thái Măng Đen, sản phẩm trải nghiệm văn hóa cộng đồng các dân tộc Kon K’tu, Kon B’ring... gắn với nông nghiệp, sản vật địa phương, sản phẩm tham quan; du lịch leo núi, mạo hiểm (Ngọc Linh, đèo Lò Xo), du lịch khám phá sinh thái VQG Chư Mom Ray; du lịch chăm sóc sức khỏe, thể thao, golf, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch vui chơi giải trí, nhóm họp, du lịch ẩm thực, mua sắm, các sản phẩm du lịch bổ trợ. Bên cạnh đó, Kon Tum cần liên kết với các tỉnh Tây Nguyên hướng tới hình thành chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng: từ quy hoạch, phát triển hạ tầng, sản phẩm, xúc tiến quảng bá và hỗ trợ phát triển.
Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về tiềm năng và triển vọng phát triển du lịch tỉnh Kon Tum; các giải pháp để xây dựng sản phẩm, xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư, tăng cường liên kết, đẩy mạnh thu hút khách tới Kon Tum. Các đại biểu cũng nhìn nhận thẳng thắn những khó khăn thực tế mà Kon Tum đang phải đối mặt như công tác thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào lĩnh vực du lịch chưa hiệu quả; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực du lịch; nhân lực du lịch tại địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu; sức cạnh tranh của sản phẩm, điểm đến và các dịch vụ du lịch còn yếu so với các địa phương khác. Kon Tum cần đánh giá lại, nắm bắt những cơ hội, tiềm năng của giá trị văn hóa cũng như tài nguyên thiên nhiên để phát triển, xây dựng các khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí hấp dẫn; tạo sức lan tỏa trong hoạt động du lịch, tạo thuận lợi cho du khách tham quan trải nghiệm các hoạt động văn hóa, khám phá thiên nhiên Kon Tum. Đồng thời, chú trọng phát triển, nâng tầm các sản phẩm OCOP đặc thù của địa phương, cải thiện thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững.
Trong khuôn khổ Diễn đàn cũng đã diễn ra lễ Công bố Kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; lễ công bố và giới thiệu logo và slogan du lịch tỉnh Kon Tum “Trải nghiệm văn hóa - Khám phá thiên nhiên”; UBND 6 tỉnh: Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên và Quảng Ngãi ký thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch khu vực Duyên hải miền Trung Tây Nguyên; Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum, Hiệp hội Du lịch TP. Hà Nội, Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng, Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh ký thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ khôi phục hoạt động các doanh nghiệp du lịch Kon Tum; UBND tỉnh Kon Tum, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ký kết Chương trình hợp tác toàn diện giai đoạn 2022 – 2026; Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum, Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam ký Thỏa thuận hợp tác về việc tăng khách du lịch đến Kon Tum.
Nhâm Hiền