Góp phần xây dựng, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt nhấn mạnh: Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có một truyền thống văn hóa riêng nhưng có nhiều giá trị thống nhất, tương đồng trở thành giá trị văn hóa chung của đất nước. Đồng thời, mỗi dân tộc lại có những nét độc đáo riêng, tạo nên bản sắc của dân tộc mình. Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nêu rõ, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành VHTTDL đã cụ thể hóa bằng những giải pháp, những hoạt động thiết thực xây dựng phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Cùng với đời sống kinh tế được nâng cao, đời sống tinh thần của nhân dân ngày một phong phú hơn.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng cho biết, việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 là nhiệm vụ to lớn và hết sức quan trọng, tiến hành trong thời gian dài. Trước mắt, Bộ VHTTDL đã xác định chủ đề công tác năm 2022 của ngành là “ Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”. Với chủ đề này, đi đôi với việc xây dựng tổ chức bộ máy, cải cách hành chính của toàn ngành hiệu lực, hiệu quả, nhiệm vụ chuyên môn của toàn ngành là tập trung xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, giúp con người hình thành nên nhân cách, đạo đức, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, hình thành nên những giá trị văn hóa có tính phổ quát, tạo nên chuẩn giá trị văn hóa con người Việt Nam. Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, môi trường văn hóa cơ sở mà chúng ta nói đến ở đây là môi trường trong từng gia đình, từng cộng đồng thôn, bản, tổ dân phố… trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó, môi trường văn hóa gia đình và cộng đồng dân cư sẽ tạo nên nền tảng đạo đức xã hội; môi trường văn hóa doanh nghiệp góp phần tạo nên nền tảng kinh tế; môi trường văn hóa công sở, cơ quan, đơn vị sẽ góp phần tạo nên nền tảng chính trị. Sự kết hợp cả ba môi trường văn hóa đó sẽ tạo nên cốt cách con người Việt Nam, thành nền tảng tinh thần xã hội đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững.
Theo Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu: Trong những năm qua, vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, đề ra các Nghị quyết, chính sách cụ thể để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc như đầu tư, nâng cấp các bảo tàng; chống xuống cấp di tích lịch sử và văn hóa; có chính sách toàn diện về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số; đầu tư cho công tác sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn, bảo quản lâu dài, phổ biến các sản phẩm văn hóa như văn hóa dân gian, các điệu múa, các làn điệu âm nhạc của các dân tộc; giữ gìn nghề thủ công truyền thống, các nhạc cụ dân tộc…
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Tại Diễn đàn, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa đã cho ý kiến tập trung vào một số nội dung như phát huy truyền thống văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa góp phần xây dựng giá trị văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; môi trường văn hóa dân tộc trong việc xây dựng môi trường văn hóa hiện nay… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề cập đến những vấn đề cấp bách, tồn tại, đề xuất các giải pháp trong việc xây dựng môi trường văn hóa hiện nay; phát huy truyền thống văn hóa các tộc người ở Việt Nam; đoàn kết các dân tộc để phát triển bền vững; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong xây dựng môi trường văn hóa.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho biết: Trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta, trào lưu đô thị hóa nông thôn cùng với quá trình hội nhập, giao thoa giữa các nền văn hóa đã có phần tác động làm cho giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang có biểu hiện bị mai một, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người chưa được bảo tồn và phát huy đúng mức, một bộ phận lớp trẻ có biểu hiện xa rời bản sắc văn hóa dân tộc. Thứ trưởng Đoàn Văn Việt chia sẻ: Những biểu hiện “mặt trái” của cơ chế thị trường như sự gia tăng các tệ nạn xã hội, tình trạng tham nhũng, lãng phí, biểu hiện xuống cấp đạo đức xã hội… là những nguyên nhân cơ bản gây mất ổn định, ảnh hưởng đến môi trường văn hóa và sự phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước. “Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong việc xây dựng môi trường văn hóa nhằm giữ vững nền tảng tinh thần, giá trị đạo đức xã hội trong hội nhập và phát triển đã và đang trở nên cấp thiết. Mục tiêu được đặt ra là làm sao để giá trị cốt lõi của truyền thống văn hóa Việt Nam là tinh thần yêu nước, đoàn kết, tương thân, tương ái; là ý chí tự lực, tự cường; là lòng tự tôn, tự hào dân tộc; là các giá trị đạo đức xã hội… thẩm thấu vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, vào lối sống của cộng đồng, tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần xây dựng nhân cách, đạo đức con người Việt Nam, đây chính là vai trò, động lực của văn hóa trong phát triển nhanh và bền vững đất nước”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.
GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, phải coi môi trường văn hóa dân tộc là nền tảng trong xây dựng môi trường văn hóa hiện nay ở nước ta, đặc biệt cần hết sức quan tâm đến môi trường văn hóa tộc người (thực hành văn hóa sinh hoạt, tín ngưỡng tâm linh, văn hóa nghệ thuật, văn hóa tri thức…) bởi đó là môi trường mà cộng đồng được nuôi dưỡng, lớn lên, hình thành nhân cách, phẩm chất. Môi trường văn hóa tốt đẹp sẽ tạo nên những con người có văn hóa của dân tộc ấy. Bởi vậy, môi trường này cần được bảo vệ, củng cố và phát huy nhằm xây dựng nên những con người văn hóa.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc tổ chức các sự kiện. Việc tổ chức các sự kiện luôn phải lưu ý đến việc huy động sự tham gia của các cộng đồng. Tuy nhiên, việc huy động này phải đặt quyền lợi và lợi ích của cộng đồng lên trên hết. Nếu không, cộng đồng sẽ trở thành các diễn viên không chuyên, chỉ thể hiện sự áp dụng lý thuyết máy móc của các nhà tổ chức sự kiện và không đáp ứng việc tổ chức sự kiện một cách bền vững, tạo được nhiều lợi ích cho cả nhà tổ chức và cho cả cộng đồng.
Theo TS. Trần Hữu Sơn, Viện nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa và Du lịch khẳng định: Xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm của ngành VHTTDL. Tuy nhiên, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác này cần căn cứ vào các đặc điểm riêng của từng địa phương, có chính sách, nguồn nhân lực và phương thức phù hợp… Đó là những vấn đề quan trọng và thiết thực, cần được nghiên cứu sâu. Trao đổi tại diễn đàn, TS. Trần Hữu Sơn nêu lên một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong xây dựng môi trường văn hóa vùng đồng bào dân tộc hiện nay như đổi mới cơ chế đầu tư, phân bổ kinh phí cho miền núi, vùng cao, sử dụng mạng xã hội trong xây dựng môi trường văn hóa, chú trọng phát huy cơ chế quản lý truyền thống với vấn đề xây dựng môi trường văn hóa. “Xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và càng khó khăn hơn đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, đòi hỏi cần những giải pháp có tính cấp bách cũng như lâu dài ”, ông Sơn chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, bà Tráng Thị Xuân cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc trong môi trường văn hóa cơ sở. Trong thời gian tới, cần phải nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, coi việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa là trách nhiệm của toàn xã hội. Bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu. Các loại hình văn hóa truyền thống phải được bảo tồn trong không gian văn hóa phù hợp mới có sức sống bền lâu. “Cùng với đó là sự quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống thiết chế văn hóa các cấp, nâng cao chất lượng hoạt động, nhằm phát huy có hiệu quả công năng sử dụng phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở”, bà Xuân cho hay.
Tuấn Hải