Nhằm mục tiêu chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý và hỗ trợ sinh kế cho các khu bảo tồn biển (KBTB) tại Việt Nam và các nước trên thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) và Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp tổ chức Hội thảo: “Mạng lưới khu bảo tồn biển ở Việt Nam: những bài học kinh nghiệm, thách thức, các vấn đề quản lý và những cơ hội”.
Hội thảo là diễn đàn cho những nhà quản lý khu bảo tồn biển, nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách chia sẻ kết quả nghiên cứu, bài học kinh nghiệm; thảo luận về cách tiếp cận mới trong việc thiết lập mạng lưới KBTB vững mạnh và có hiệu quả ở Việt Nam. Tính hiệu quả lâu dài của các KBTB sẽ được tăng cường thông qua việc huy động sự tham gia đầy đủ và tích cực của chính quyền, cộng đồng địa phương trong việc quy hoạch và quản lý các KBTB. Thiết lập mối quan hệ và cộng tác chặt chẽ với cộng đồng địa phương thông qua phát triển sinh kế bền vững sẽ đảm bảo giảm thiểu những thất bại và rủi ro trong việc quản lý các KBTB.
Thế giới và khu vực đã công nhận các khu bảo tồn biển là phương thức hiệu quả và không quá tốn kém để duy trì và quản lý nguồn lợi thuỷ sản; đồng thời bảo vệ đa dạng sinh học và đáp ứng các mục tiêu bảo tồn, các nhu cầu của con người. Đông Nam Á hiện có khoảng 310 khu bảo tồn biển, trong đó có 15 khu bảo tồn biển của Việt Nam.
Với lợi thế là quốc gia có bờ biển dài, các hệ sinh thái biển, ven biển đa dạng và phong phú, Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển các ngành kinh tế biển, đặc biệt là nguồn lợi thuỷ sản và du lịch. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề về môi trường biển như: sự phá huỷ và suy thoái môi trường sống, suy giảm tiềm năng từ biển, giảm thiểu sự đa dạng sinh học và ô nhiễm ven biển.
Do vậy, duy trì môi trường biển và ven biển lành mạnh là điều kiện cần thiết để phát triển bền vững những ngành liên quan đến nguồn lợi này.
THANH HIỀN