Đây là hoạt động nhằm thực hiện công tác tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ); đồng thời, định hướng cho hệ thống khách sạn áp dụng những giải pháp thiết thực để vận dụng các lợi thế, cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, qua đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh doanh.
Tại Hội nghị, nhiều vấn đề thiết thực đã lần lượt được đưa ra trình bày và phân tích khá rõ nét xoay quanh các nội dung chính như: Cơ hội và thách thức của hệ thống khách sạn Việt Nam trong thời đại kỷ nguyên số; Một bước tiến sâu về hiệu quả kinh doanh của khách sạn Việt Nam so với các điểm đến tại Đông Nam Á; Trải nghiệm của khách hàng trong kỷ nguyên số; Quản lý quan hệ khách hàng; Ứng dụng giải pháp đa kết nối trong kinh doanh khách sạn; Ứng dụng điện toán đám mây trong quản lý và kinh doanh khách sạn vừa và nhỏ… Đặc biệt, sôi nổi nhất là phần thảo luận về chủ đề “Tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa lợi nhuận kinh doanh – Giải pháp công nghệ nào cho khách sạn?”, thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo các đơn vị doanh nghiệp kinh doanh khách sạn.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Đỗ Thị Hồng Xoan – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, cho biết: Tính đến hết năm 2018, tổng số cơ sở lưu trú du lịch hiện có khoảng 28.000 với 556.000 buồng (tăng 9.3% về lượng buồng so với năm 2017). Trong đó, hạng 5 sao có 145 khách sạn với 47.111 buồng (tăng 20,8% về cơ sở và tăng 36,3% số lượng buồng so với năm 2017), hạng 4 sao có 279 khách sạn với 35.467 buồng (tăng 6,4% về cơ sở và tăng 4,2% về số lượng buồng so với năm 2017). Nhiều khách sạn tại Việt Nam đã được các tổ chức uy tín quốc tế vinh danh như: Intercontinental DaNang Sun Peninsula Resort, Four Seasons The Nam Hai, Sofitel Legend Metropole Hà Nội, Park Hyatt Saigon, Vinpearl Hạ Long Bay Resort, The Reverie Sài Gòn, Banyan Tree Lăng Cô (Huế). Hoạt động cơ sở lưu trú đã không ngừng gia tăng cả về số lượng và chất lượng, có vai trò và đóng góp không nhỏ cho sự tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam với những kết quả đạt được khá khả quan. Trong năm 2018, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 15,6 triệu lượt (tăng 20,7% so với năm 2017), khách du lịch nội địa đạt 80 triệu lượt, với tổng doanh thu từ ngành Du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng (tăng 21,5% so với cùng kỳ, đóng góp khoảng 7,9% vào GDP của cả nước).
Trong xu thế hội nhập vào nền kinh tế thế giới, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ngành Du lịch Việt Nam thể hiện rõ nét trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể như: Lĩnh vực quảng bá và marketing du lịch, giúp mở rộng không gian, thời gian và thị trường du lịch; giảm thiểu chi phí quảng cáo, tiếp thị; số hóa cơ sở dữ liệu du lịch rõ ràng thuận tiện, du lịch thực tế ảo. Lĩnh vực kinh doanh các dịch vụ du lịch, giúp bán hàng qua mạng và thanh toán trực tuyến; giảm nhân lực lao động, thời gian và chi phí, giảm giá thành các dịch vụ du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết các tour tuyến du lịch, liên kết các doanh nghiệp du lịch; phát triển các thương hiệu điểm đến, các sản phẩm du lịch mới và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Sau khi Chỉ thị 16/CP-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được ban hành, các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam đã chủ động tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng lực cạnh tranh, nổi bật như: Saigon Tourist, Vietravel, Vietrantour, Five Star Travel… Hiện nay, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các kế hoạch nhằm thiết lập hệ sinh thái “du lịch thông minh”, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, chất lượng nguồn nhân lực giữa doanh nghiệp địa phương và trung ương. Đồng thời, các cơ sở lưu trú du lịch phải không ngừng nỗ lực phấn đấu nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt các yêu cầu theo tiêu chuẩn của từng loại, hạng để có thể cạnh tranh và thu hút khách ngày một tốt hơn. Mỗi cơ sở lưu trú du lịch luôn phải có sự đổi mới, cải tiến trong tất cả các dịch vụ để đạt hiệu quả kinh doanh ngày càng cao hơn.
Đặc biệt, với việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào thực tiễn, tại hội nghị lần này các đại biểu, khách mời đến tham dự hội nghị nhận được 1 tờ mục lục chương trình rất vắn tắt và gọn nhẹ. Trong đó có in mã vạch điện tử thay cho những tập tài liệu hay những cuốn kỷ yếu cồng kềnh, và chỉ cần sử dụng điện thoại di động quét vào mã vạch là có ngay tất cả các thông tin cần thiết và đầy đủ, sẵn sàng đáp ứng cho việc tìm hiểu, nghiên cứu hay lưu trữ cá nhân.
Thu Hương