Hội thảo nhằm mục tiêu quảng bá về danh hiệu Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO; đánh giá vai trò của danh hiệu này trong việc thúc đẩy phát triển du lịch dựa trên nền tảng bảo tồn và khai thác một cách bền vững các nguồn tài nguyên về văn hóa, di sản, tự nhiên.
Đây là cơ hội để tỉnh Cao Bằng chia sẻ những kết quả đã đạt được và khó khăn trong quá trình phát triển du lịch, học tập kinh nghiệm từ các địa phương, tổ chức đã có kinh nghiệm; nghe ý kiến của các chuyên gia trong phát triển du lịch nói chung và sản phẩm du lịch nói riêng, cùng các hoạt động khác liên quan đến phát triển du lịch như vệ sinh môi trường, bảo tồn, bảo vệ cảnh quan, sản phẩm dịch vụ du lịch, kết nối các tour, tuyến du lịch.
Hội thảo sẽ thu hút khoảng 300 đại biểu trong nước và quốc tế với trọng tâm là thúc đẩy và khuyến khích các học giả, chuyên gia, đại diện các địa phương và các CVĐC khác trao đổi, thảo luận về chiến lược phù hợp để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững qua mô hình CVĐC; chia sẻ những sáng kiến về phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt là những sáng kiến về cải thiện sinh kế, du lịch địa chất và bảo tồn di sản hướng tới phát triển bao trùm và công bằng. Đây cũng là dịp giới thiệu các sản phẩm du lịch địa chất tới các đơn vị tổ chức tour trong nước và trên thế giới.
Các nội dung, chương trình dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày hội thảo gồm: tham luận của các chuyên gia, diễn giả và cán bộ quản lý CVĐC; ký kết Thỏa thuận hợp tác của CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng với CVĐC Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang và CVĐC Toàn cầu Lạc nghiệp, Quảng Tây (Trung Quốc); trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển tỉnh Cao Bằng" cho cá nhân có đóng góp xây dựng, phát triển CVĐC Toàn cầu Non nước Cao Bằng; khảo sát 3 tuyến du lịch trong vùng CVĐC; trưng bày các gian hàng giới thiệu sản phẩm…
PV