Khai thác tiềm năng về du lịch tại khu vực nông thôn theo hướng bền vững
UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt Đề án Phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 4 điểm du lịch nông thôn trên địa bàn được tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao và định hướng 5 sao; năm 2030 có ít nhất 12 điểm du lịch nông thôn được tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao, trong đó có sản phẩm được tham gia, đánh giá phân hạng 5 sao quốc gia.
Mục tiêu nhằm phát huy hiệu quả giá trị bản địa, góp phần khai thác tiềm năng về du lịch tại khu vực nông thôn theo hướng bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng, thu thập và hiện trạng kinh tế - xã hội ở các khu vực nông thôn, nâng cao cuộc sống người nông dân, phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình OCOP.
Thực hiện chương trình này, tỉnh Kiên Giang tạo điều kiện để các địa phương hình thành mô hình quản lý về du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng như: mô hình các doanh nghiệp do cộng đồng cùng sở hữu và điều hành; mô hình liên doanh giữa cộng đồng và doanh nghiệp tư nhân; mô hình liên kết giữa các cư dân địa phương tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch với nhau thành lập một đơn vị điều hành như hợp tác xã, ban quản lý, tổ tự quản, hội quán… Bên cạnh đó, tỉnh nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến, quảng bá du lịch, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp, hiệu quả và phát huy sức mạnh của truyền thông; tăng cường quảng bá trên mạng xã hội, đặc biệt quảng bá toàn chuỗi giá trị du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP.
Kiên Giang mở rộng liên doanh, liên kết với các tỉnh, vùng lân cận để trao đổi thông tin thị trường, xây dựng hệ thống dự báo thị trường, tìm kiếm đối tác… nhằm thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển. Tỉnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng, sản phẩm du lịch; xây dựng thương hiệu du lịch gắn với sản vật địa phương, xây dựng câu chuyện truyền thông, marketing thương hiệu thiết thực, hiệu quả cho du lịch Kiên Giang, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của tỉnh. Tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông thôn gắn với xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật, phát triển cảnh quan, bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn di sản văn hóa địa phương, đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm cho khách du lịch.
Ngoài ra, việc mở rộng liên doanh, liên kết với các tỉnh, các vùng lân cận để trao đổi thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác... để thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển. Xây dựng thương hiệu du lịch gắn với sản vật địa phương, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông thôn gắn liền với xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, phát triển cảnh quan, bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn di sản văn hoá địa phương.
Tạo điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng bền vững
Tỉnh Kiên Giang đầu tư hơn 30 tỷ đồng phát triển du lịch cộng đồng bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, khai thác, sử dụng hiệu quả các tiềm năng du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị về môi trường thiên nhiên và bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.
Địa phương đẩy mạnh đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch như: đường giao thông, bãi đậu xe, khu vệ sinh công cộng, khu mua sắm, khu vui chơi giải trí, điểm dừng chân và mua bán đặc sản địa phương…; đồng thời, chú trọng đầu tư phát triển các công trình tạo điểm nhấn, đặc trưng để thu hút khách du lịch.
Tỉnh Kiên Giang tạo điều kiện phát triển các loại, hình sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên các thế mạnh về du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh kết hợp du lịch sinh thái và những đặc trưng văn hóa bản địa như: tham quan di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh thiên nhiên, tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa bản địa, thưởng thức và mua sắm đặc sản địa phương… Ngoài ra, ngành Du lịch Kiên Giang còn tổ chức các lớp tập huấn người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng về kiến thức, kỹ năng du lịch cần thiết như: kỹ năng phục vụ du lịch có trách nhiệm, giao tiếp, cung cấp các dịch vụ du lịch, ngoại ngữ…; đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm và các nguồn nhân lực phục vụ du lịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích người dân đầu tư phát triển các loại hình du lịch như: Homestay, vườn du lịch, sản xuất hàng lưu niệm, đặc sản địa phương… bằng các quy định cụ thể về hỗ trợ vốn và ưu đãi vốn vay để phát triển du lịch cộng đồng bền vững; tăng cường kết nối với các công ty du lịch lữ hành, tập trung xúc tiến, quảng bá du lịch cộng đồng theo chiến dịch trọng điểm bằng nhiều hình thức, đa dạng; đồng thời, sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, các kênh truyền thông trực tuyến. Kiên Giang liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong và ngoài nước để thu hút du khách, triển khai đồng bộ các giải pháp xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh, trong đó có du lịch cộng đồng.
Ngành chức năng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân và khách du lịch nâng cao ý thức bảo vệ môi trường theo nguyên tắc du lịch có trách nhiệm. Các địa phương xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, góp phần phát triển du lịch cộng đồng; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm sinh thái, hữu cơ, sản phẩm sạch để phục vụ khách du lịch.
Theo đó, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có ít nhất 3 điểm du lịch cộng đồng được tham gia đánh giá, phân hạng về mức hài lòng của khách du lịch đạt mức đánh giá trung bình trở lên; trong đó, có ít nhất 1 điểm du lịch cộng đồng đạt mức tốt. Đến năm 2030, địa phương có ít nhất 10 điểm du lịch cộng đồng tham gia đánh giá, phân hạng về mức hài lòng của khách du lịch đạt mức đánh giá trung bình trở lên; trong đó, ít nhất có 3 điểm du lịch cộng đồng đạt mức tốt.
Ngành Du lịch tỉnh Kiên Giang trên đà hồi phục nhanh và phục hồi các hoạt động gần như 100% sau thời gian bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Trong gần 9 tháng qua, tỉnh đón hơn 6,1 triệu lượt du khách, tăng 163% so với cùng kỳ năm 2021, vượt 9,2% kế hoạch năm; trong đó khách quốc tế đón 126.154 lượt người, đạt hơn 63% kế hoạch. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 7.738 tỷ đồng, tăng hơn 219% so với cùng kỳ, đạt 99% kế hoạch năm.
Đoàn Hải