Tại mỗi tỉnh, thành phố, đoàn công tác làm việc với một số xã, phường và các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Mặt trận Tổ quốc, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội.
Qua báo cáo của địa phương cho thấy cấp ủy, UBND, các ngành, đoàn thể của các xã, phường đã quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Công tác truyên truyền đa dạng, phong phú với nhiều hình thức khác nhau như: lồng ghép vào các cuộc họp tổ dân phố, hội diễn văn nghệ, các buổi tọa đàm, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật với nhiều đối tượng tham gia. Đội Công tác xã hội tình nguyện cấp xã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, tham mưu cho UBND xã về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn xã, phường. Mỗi thành viên được phân công giúp đỡ, hỗ trợ những người cai nghiện, người nhiễm HIV, người bán dâm.
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cán bộ làm công tác tình nguyện ở xã, phường, thị trấn thường kiêm nhiệm rất nhiều việc, thường xuyên thay đổi không nắm vững chính sách, pháp luật nên hiệu quả công việc chưa cao; đồng thời, kinh phí hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện còn hạn chế, phụ cấp đối với tình nguyện viên một số huyện chưa thực hiện theo Thông tư 24/2012…
Các địa phương đề nghị trong thời gian tới, cần tập huấn nâng cao năng lực đối với cán bộ xã, phường làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và Đội công tác xã hội tình nguyện; cần sửa đổi, điều chỉnh một số tiêu chí chấm điểm xã, phường theo Nghị quyết liên tịch 01/2005 và Nghị quyết liên tịch 01/2008 cho phù hợp với những văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
TH