Sau hơn một năm, Dự án đã thể hiện được tính ưu việt trong công tác cai nghiện ma túy, với công suất tiếp nhận từ 350 đến 370 bệnh nhân tại các xã, phường thuộc TP. Lào Cai và các xã lân cận thuộc huyện Bát Xát. Dự án thực hiện theo mô hình xã hội hóa đã nhận được sự cam kết hỗ trợ thuốc Methadone của tổ chức cứu trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS của tổng thống Hoa Kỳ (PEPFA); hỗ trợ kỹ thuật điều trị và đào tạo nhân viên của cơ quan phát triển quốc tế Hoa kỳ và Tổ chức Sức khỏe Gia đình thế giới (FHI); trường đại học Y Hà Nội... tỉnh Lào Cai đảm đương về cơ sở vật chất, chi lương và chế độ phụ cấp cho nhân viên; phần chi phí thường xuyên do gia đình người nghiện đến điều trị đóng góp một phần.
Cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone xã hội hóa đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân; nhiều gia đình có chồng, con nghiện ma túy rất mong được tham gia điều trị; nhiều người nghiện đã tự nguyện đến cơ sở điều trị để tham vấn, tư vấn và tự quyết định lựa chọn phác đồ điều trị như là một dịch vụ thân thiện với họ hơn là bị bắt buộc đi cai nghiện...
Với chỉ tiêu Chính phủ giao cho công tác điều trị nghiện bằng thuốc Methadone cho các tỉnh, thành phố, trong đó tỉnh Lào Cai được giao từ nay đến hết năm 2015 điều trị cho 2.431 người. Đây là chỉ tiêu đòi hỏi tỉnh Lào Cai phải có giải pháp hữu hiệu nhằm phát huy những điểm ưu việt của mô hình đã đem lại; đồng thời, cần xem xét, lồng ghép các chương trình, mở rộng về cơ sở điều trị tăng thêm địa bàn thực hiện, lồng ghép dạy nghề tạo việc làm cho người sau cai nghiện, có chính sách miễn giảm phí điều trị cho bệnh nhân nghiện thuộc đối tượng được hưởng các chính sách xã hội theo Quy định như đối tượng vào cai nghiện bắt buộc; đưa chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone xã hội hóa, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai thành một chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
TH