Tới dự buổi lễ có Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải...
Trong diễn văn khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, ngày 19/12/1946 là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, gắn liền với chiến công oanh liệt của quân và dân Hà Nội những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thành kính tưởng nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh và tri ân các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Bí thư Hoàng Trung Hải đã lược sử lại giai đoạn lịch sử đấu tranh gian khổ nhưng đầy hào hùng của quân và dân ta.
Trong hai ngày 18 và 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) đã quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc, kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước đứng lên chống thực dân Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc. Sáng 20/12/1946, tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ), Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đồng bào, chiến sỹ cả nước.
Đáp lời hiệu triệu của Người, quân và dân Hà Nội đã mở đầu kháng chiến toàn quốc vào hồi 20 giờ 03 phút ngày 19/12/1946 bằng những loạt đại bác từ Pháo đài Láng vào các mục tiêu trong Thành phố, chính thức mở đầu cuộc kháng chiến với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Cùng với Hà Nội, quân và dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam, như: Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn,… đã đồng loạt anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.
“Hình tượng những chiến sĩ Cảm tử quân Hà Nội “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” mãi mãi là biểu tượng bất tử về cuộc chiến tranh nhân dân, mà ở đó mỗi người dân đều là chiến sỹ và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc” – Bí thư Hoàng Trung Hải nói.
Trong bài diễn văn của mình, Bí thư Hà Nội cũng nêu bật những thành tựu của Hà Nội đạt được trên các lĩnh vực sau 70 năm Toàn quốc kháng chiến, nhất là trong 30 năm đổi mới.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986 - 2016 đạt khá, khoảng 6,6%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, công nghiệp và dịch vụ hiện nay đã chiếm gần 83% trong tổng GDP. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng tăng lên; GDP tăng gấp gần 7 lần và kim ngạch xuất khẩu tăng gấp hơn 200 lần so với trước đổi mới. GDP bình quân đầu người năm 2016 đạt khoảng 2.200 USD. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, với nhiều công trình lớn, hiện đại được hoàn thành, tạo diện mạo mới cho đất nước…
“Phát huy tinh thần Ngày Toàn quốc kháng chiến, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội nguyện chung sức, đồng lòng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng”- Bí thư chia sẻ.
Theo Bí thư Hoàng Trung Hải, trách nhiệm và sứ mệnh của chúng ta trước quá khứ lịch sử hào hùng của cha ông ta để lại, trước tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam là: phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.
“Đó là ý chí và khát vọng của nhân dân cả nước cũng như của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội; là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với cha ông và muôn đời sau”- Bí thư Hoàng Trung Hải khẳng định.
Tại buổi lễ, Đại tá Nguyễn Huy Du – chiến sĩ Thủ đô năm xưa từng chiến đấu trong những ngày Toàn quốc kháng chiến, chia sẻ, ông không thể nào quên những ngày mùa đông năm 1946 rét mướt và đất nước ở thế “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng quân và dân ta đã anh dũng, sáng tạo cầm súng bảo vệ chính quyền vừa mới giành được.
Thay mặt những người tham gia chiến đấu ngày đầu tại Thủ đô, Đại tá Nguyễn Huy Du bày tỏ sự tin tưởng với thế hệ trẻ hôm nay sẽ nối tiếp và phát huy truyền thống chiến đấu vẻ vang của các thế hệ đi trước, bảo vệ vững chắc công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Cũng tại đây, đại diện thế hệ trẻ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Y học, Giảng viên Đại học Y Hà Nội Phạm Xuân Bách (sinh năm 1984) đã thể hiện lòng biết ơn sâu sắc tới các thế hệ cha anh đi trước, các mẹ Việt Nam Anh hùng đã không chỉ tiếp thêm tinh thần ý chí chiến đấu lao động, học tập cho mỗi người mà còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc và nhắc nhở, thôi thúc thế hệ trẻ nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
“Chúng tôi nguyện kế thừa, phát huy truyền thống, noi gương các thế hệ đi trước rèn đức, luyện tài, xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước…” – Phó Giáo sư Phạm Xuân Bách chia sẻ./.
Nguồn: Toquoc.vn