Ông Trần Việt Phường tái đắc cử Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.
Đại hội đã thống nhất nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới: Tiếp tục đổi mới hợp tác, liên kết phát triển du lịch, tiến tới đưa du lịch ĐBSCL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó chú trọng những nhiệm vụ trọng tâm như: kiện toàn bộ máy quản lý; nâng cao vai trò đầu mới trong hợp tác, liên kết, quảng bá, xúc tiến du lịch; phối hợp thực hiện quy hoạch vùng; hỗ trợ cho hội viên nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ…
Trong nhiệm kỳ 2011- 2016, MDTA đã phát huy tốt vai trò đầu mối, kết nối các tỉnh- thành hợp tác, ký kết liên kết về phát triển và thúc đẩy công tác quảng bá- xúc tiến du lịch. Hoạt động của hiệp hội góp phần thu hút du khách đến ĐBSCL, gia tăng tổng doanh thu du lịch toàn vùng. Nếu như năm 2013, tổng lượt khách đến ĐBSCL đạt khoảng 13 triệu lượt, doanh thu 5.000 tỷ đồng thì đến năm 2015, con số này tăng gần gấp đôi, đạt trên 25 triệu lượt, 8.600 tỉ đồng. Ước tính năm 2016, tổng doanh thu du lịch toàn vùng đạt 11.300 tỉ đồng, tăng 30% so với năm 2015.
Tính đến nay, MDTA có 96 hội viên (trong đó 6 danh dự, 86 chính thức, 4 liên kết). Thời gian qua, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã kết nối, xây dựng hai cụm liên kết hợp tác về du lịch: cụm phía Tây ĐBSCL (gồm 7 tỉnh- thành Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng) và cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL (gồm 6 địa phương Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An và Đồng Tháp). Bước đầu, sự liên kết này đã hình thành nên các sản phẩm chung: "ĐBSCL- Một điểm đến 4 địa phương +", "5 địa phương - Một điểm đến.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã tổ chức nhiều đoàn Famtrip quốc tế, kết nối tour, tuyến đến các điểm có tiềm năng về du lịch như Phnom Penh, Siem Reap (Campuchia), Pattaya, BangKok (Thái Lan); thúc đẩy hợp tác du lịch giữa ĐBSCL với Campuchia, Thái Lan, cũng như các tỉnh- thành cả nước .
Nguồn: baodautu.vn