Khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch
Khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch
Thứ hai, 09/04/2007 | 09:04 GMT+7
Nhằm khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch, trong khuôn khổ Dự án 3 Chương trình Hành động quốc gia về du lịch, Tổng cục Du lịch vừa tổ chức hội thảo “Rà soát văn bản pháp quy hiện hành liên quan đến du lịch để đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách nhằm khuyến khích đầu tư và liên doanh trong lĩnh vực du lịch”.
Hàng năm, Việt Nam đón trên 3 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Đầu tư vào lĩnh vực du lịch ngày càng gia tăng. Tính đến cuối năm 2006, cả nước hiện có 215 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch được cấp phép với tổng vốn đăng ký 5,2 tỷ USD, trong đó số dự án còn hiệu lực giấy phép là 190 dự án với tổng vốn đăng kí là 4,3 tỷ USD (chiếm 4,18% số dự án và 3,99% vốn đăng ký trong lĩnh vực dịch vụ). Riêng năm 2006, có 14 dự án đăng ký đầu tư trong lĩnh vực du lịch với tổng số vốn đăng ký hơn 609 triệu USD. Đây là năm ngành Du lịch thu hút được lượng vốn đầu tư nước ngoài cao nhất trong giai đoạn 1999 - 2006.
Đầu tư nước ngoài vào ngành Du lịch đã có mặt ở 23 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 45 dự án còn hiệu lực hoạt động và tổng vốn đầu tư 1,7 tỷ USD (chiếm 20,9% số dự án và 32,6% vốn đầu tư vào ngành Du lịch). Đứng thứ hai là TP. Hà Nội với 34 dự án và tổng vốn đầu tư hơn 902 triệu USD (chiếm 19,6% số dự án và 21% vốn đầu tư). Các dự án đầu tư nước ngoài tập trung ở các địa phương có cơ sở hạ tầng tương đối tốt và có điều kiện tự nhiên để xây dựng khu du lịch ven biển hoặc du lịch sinh thái.
Hiện nay, đã có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực du lịch, trong đó dẫn đầu là Singapore với 20 dự án và tổng vốn đầu tư 1.282 triệu USD (chiếm 56,13% vốn đầu tư nước ngoài trong ngành Du lịch), tiếp theo là Hồng Kông, Pháp, Cook Islands, Singapore, Hàn Quốc... Hiện tại, dự án lớn nhất có khả năng thực hiện trong thời gian tới là dự án của tập đoàn Rockingham (Hoa Kỳ) đầu tư vào Phú Quốc mục tiêu xây dựng khu nghỉ mát cao cấp và các khu vui chơi giải trí, trường đua ô tô với tổng diện tích 1.000ha, tổng vốn đầu tư 01 tỷ USD…
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các dự án FDI trong ngành Du lịch được cấp phép đến nay đều hoạt động hiệu quả. Doanh thu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 800 triệu USD, đóng góp gần 100 triệu USD vào ngân sách nhà nước. Các doanh nghiệp này đã tạo việc làm cho khoảng 30 nghìn lao động trực tiếp và hàng vạn lao động gián tiếp.
Hội thảo đã diễn ra sôi nổi với phần thảo luận của các đại biểu đến từ các Bộ, Ngành, địa phương liên quan và một số công ty du lịch; nhiều ý kiến tham luận đã nêu bật những vấn đề đang được quan tâm, đó là những vướng mắc trong chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài như: môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn chưa thật bình đẳng do còn quá nhiều doanh nghiệp nhà nước độc quyền trên các lĩnh vực khác nhau; tính minh bạch, công khai của nền kinh tế còn thấp; việc thực thi pháp luật chưa nghiêm; một số chính sách hiện hành về thuế chưa hợp lý; việc tuyên truyền, phổ biến các cam kết song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết chưa được quan tâm… Trước thực tế đó, cần thực hiện các giải pháp hợp lý; nghiên cứu để ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực du lịch; lên danh sách các dự án du lịch kêu gọi đầu tư một cách cụ thể và minh bạch; tăng cường công tác xúc tiến du lịch, kết hợp đồng bộ với xúc tiến đầu tư và thương mại, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới để thu hút khách; tăng cường và chuẩn hóa các trường đào tạo nghề trong lĩnh vực du lịch; ban hành các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nghiêm ngặt tại các điểm đến…
PV