Chưa xử lý được ô nhiễm làng nghề
Chưa xử lý được ô nhiễm làng nghề
Thứ sáu, 06/04/2007 | 14:05 GMT+7
Vệ sinh môi trường nông thôn, đặc biệt là ở các làng nghề hiện đang là vấn đề bức xúc, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều làng nghề đã lên đến mức báo động đỏ. Mặc dù đã được cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn, song người dân vẫn chấp nhận “chung sống với ô nhiễm”. Phóng viên Tạp chí DL VN đã trao đổi vấn đề này với ông Lê Văn Căn, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
* Qua 7 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, với 2 nhiệm vụ chính là cung cấp nước sạch và cải thiện điều kiện môi trường, xin ông đánh giá kết quả của Chương trình này?
Tính đến cuối năm 1998, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh chỉ khoảng 32%, nhiều vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, do đó tình trạng vệ sinh môi trường rất phức tạp. Bên cạnh đó, tập quán sinh hoạt của người dân đã gây ảnh hưởng xấu đến môi trường...
Qua 7 năm thực hiện Chương trình, đến nay tỷ lệ được cấp nước sinh hoạt đã đạt trên 70%, tình hình môi trường đã có nhiều thay đổi, vệ sinh cá nhân, vệ sinh cộng đồng đã chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt là tập quán không sử dụng nhà vệ sinh; sử dụng phân chưa qua xử lý để bón ruộng đã được chấm dứt.
Một số địa phương đã thành lập các bộ phận thu gom rác thải, xây dựng công trình thoát nước thải và xử lý rác sinh hoạt... góp phần chống ô nhiễm và bảo vệ nguồn nước, giữ gìn vệ sinh môi trường.
* Thưa ông, vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi và vệ sinh môi trường làng nghề đã được giải quyết như thế nào?
Mục tiêu Chương trình đề ra là xử lý chất thải ở 30% chuồng trại chăn nuôi song chỉ đạt khoảng 7%, còn việc xử lý vệ sinh môi trường làng nghề đến nay mới dừng lại ở giai đoạn điều tra tình trạng ô nhiễm và thực thi các biện pháp có tính chất thí điểm.
* Vậy nguyên nhân của sự chậm trễ này?
Cách đây 7 năm, môi trường làng nghề dưới góc nhìn của giới chuyên môn không phải là vấn đề lớn, nhưng hiện tại tình hình ô nhiễm đang trở nên rất bức xúc. Số lượng làng nghề nông thôn có tốc độ tăng trưởng khá nhanh (15% năm), ước tính, hiện nay toàn quốc có trên 2.017 làng nghề, theo đó tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề cũng ngày một gia tăng. Trước tình hình này, Trung tâm không thể có ngay các giải pháp kiểm soát tình trạng ô nhiễm, hơn nữa triển khai công tác này không đơn giản vì thực tế tồn tại quá nhiều bất cập.
*Ông có thể cho biết cụ thể hơn?
Đặc điểm của các làng nghề là hình thành xen kẽ trong khu vực dân cư, người dân vừa là “công nhân” sản xuất có tính chất công nghiệp, lại vừa là nông dân sản xuất nông nghiệp, do vậy, tác hại của ô nhiễm môi trường không được họ nhận thức một cách đầy đủ. Chính quyền địa phương cũng không quan tâm đến công tác này nên thực sự rất khó khăn với cơ quan chức năng.
Các ngành liên quan chưa tạo được cơ chế phối hợp để hoạt động, ví dụ ngành phát triển sản xuất thì lại hoàn toàn không có chức năng về xử lý môi trường; ngành môi trường lại không có chức năng sản xuất, 2 vấn đề này liên quan rất mật thiết với nhau nhưng trên thực tế lại tách rời nhau. Ngoài ra, rất cần sự phối hợp giữa các ngành như Y tế, Công nghiệp, Môi trường...
Bên cạnh đó, các chính sách về huy động nguồn lực xã hội và chế tài mang tính bắt buộc trách nhiệm của các làng nghề chưa có, nên chậm trễ là đương nhiên.
* Được biết Bộ NN &PTNT đang xây dựng chương trình “mỗi làng một nghề” chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch 2006 - 2010, chúng tôi đã đề nghị Chính phủ dành vị trí thích đáng cho công tác vệ sinh môi trường nông thôn, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến điểm yếu hiện nay là không hình thành được chiến lược và các giải pháp đồng bộ ngay từ khi bắt đầu xây dựng một chương trình mới, nên khi xảy ra sự cố mới tìm biện pháp khắc phục, vừa tốn công, tốn của vừa làm cho vấn đề thêm phức tạp.
Theo tôi, đối với những vùng đã ô nhiễm, nên khoanh vùng để xử lý dứt điểm. Đối với những làng nghề mới mở ra buộc phải có quy hoạch đồng bộ về xử lý chất thải và vệ sinh môi trường.
Nên có quy định bắt buộc điều kiện làng nghề phải đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường mới được phép hoạt động.
PV thực hiện