Cảm hóa tội phạm bằng tấm lòng
Trước tình hình có nhiều thanh thiếu niên nghiện ma túy, thất học, bỏ việc làm, ngày càng sa vào con đường nghiện ngập, khi không có tiền hút chích thì trộm cắp, cướp giật gây nhiều khó khăn cho chính quyền và xã hội, cụ bà Nguyễn Thị Phương, 70 tuổi, ngụ khu phố 4, phường 10, quận 3, đã tự nguyện tham gia công tác xã hội từ thiện suốt 17 năm qua để giúp đỡ những người có hoàn cảnh như trên.
Năm 2000, bà Phương được bầu làm Trưởng ban Mặt trận khu phố 4. Khu phố này nằm sát ga Sài Gòn, tệ nạn ma túy hoành hành, lôi kéo nhiều thanh thiếu niên bỏ học, tụ tập đến các con hẻm hút chích làm cho nhiều gia đình khổ sở. Bà đã mạnh dạn trình bày với lãnh đạo phường kế hoạch chuyển hóa tệ nạn này. Vận động thanh thiếu niên nghiện ma túy đi cai ở các trung tâm là công việc hết sức khó khăn. Hàng đêm, sau khi lo việc gia đình xong, bà lại đạp xe đến từng con hẻm trong khu phố để tiếp cận, gần gũi, vận động các em đi cai nghiện. Có lần bà cùng với một nhà báo đến hẻm 192, là một ổ hút của tên Chu Chí Bảo. Thấy một nhóm thanh niên cởi trần, xăm đầy mình, phê thuốc, bà đến nói chuyện với họ bình thường, gần gũi như con cháu. Bà đối xử với các con nghiện rất tình cảm, khi họ đói thì bà mua cho thức ăn, khát mua nước cho uống, dần dà bà cũng tiếp cận và cảm hóa được họ. Bà lo cho các em từ việc làm hồ sơ, đi xin chính quyền xác nhận và cũng chính bà trực tiếp đưa các em lên các trung tâm cai nghiện.
Có những em mới nghiện và có ý muốn cai nghiện tại cộng đồng, bà Phương lại đến Viện Y học dân tộc thành phố để xin các lương y giúp đỡ cách thức cai tại nhà. Mỗi ngày, bà đến tận nhà cho các em uống thuốc bốn lần và kết hợp với gia đình xoa bóp xông hơi cho các em. Có em uống thuốc đến ngày thứ hai chịu không nổi nên lúc lên cơn đã đánh trúng bà phải đi cấp cứu. Khó khăn không nản, bà vẫn tiếp tục giúp đỡ các em uống thuốc đến bảy ngày thì dứt cơn. Cứ thế, lần lượt bà đã giúp được 18 em cai nghiện tại nhà. Sau khi dứt cơn, bà đi vận động gia đình phối hợp với đoàn thể quản lý giúp các em quên đi sự thèm khát ma túy và cùng giải quyết việc làm cho các em. Nhiều em xa rời ma túy đã trở thành công nhân điện lạnh nuôi được cha mẹ già, có em vào quân ngũ trở thành chiến sĩ giỏi, có em thực hiện được giấc mơ trở thành diễn viên điện ảnh...
Tổng kết đợt cai nghiện, kết quả bà Phương đã giúp đỡ 109 em cai nghiện thành công. Tuy bị đánh gãy hai cái răng và sụp hố nước gãy tay phải bó bột nhưng bà rất vui khi khu phố đã vắng bóng ma túy.
Người không biết sợ
Hơn 20 năm tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, anh Phạm Việt Quốc Khanh từ một dân phòng nay đã là Trưởng ban bảo vệ dân phố phường 15 quận Gò Vấp, được mệnh danh “người không sợ tội phạm ma túy”. Nhìn bảng thành tích ai cũng phải nể phục con người hiền lành, dễ thương nhưng rất gan dạ, dũng cảm trong đấu tranh với tội phạm ma túy. Năm 2009, anh Khanh đã trực tiếp tham gia cùng Công an phường bắt 36 vụ, 40 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; cùng Công an phường và Công an quận tổ chức bắt quả tang 9 vụ, 11 tên mua bán trái phép chất ma túy. Năm 2010, anh cùng Công an phường bắt 22 vụ, 47 tên sử dụng trái phép chất ma túy; cùng Công an phường và Công an quận tổ chức bắt quả tang 6 vụ, 8 tên mua bán trái phép chất ma túy. Trong 2 năm qua, anh kết hợp cùng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận bắt giữ 26 tên mua bán trái phép chất ma túy.
Đấu tranh chống tội phạm ma túy dường như đã trở thành lẽ sống của anh Khanh. Anh không chỉ chống tội phạm ma túy trong địa bàn mình phụ trách mà anh còn tham gia chống ma túy ở quận khác. Có lần anh âm thầm theo dõi một tên mua bán ma túy sang đến tận quận 12, khi trong túi chỉ có vài chục ngàn đồng không đủ đổ xăng nhưng anh vẫn đeo bám đến cùng để rồi phối hợp với Công an quận bắt đối tượng này. Đối diện với bao hiểm nguy nhưng chưa bao giờ anh Khanh run sợ hàng ngày, anh vẫn kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với bọn tội phạm buôn bán ma túy./.